(QNO) - Chiều nay 17/12, tại TP.Tam Kỳ, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo "Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung”.
Tham gia hội thảo có gần 200 khách mời là lãnh đạo Trung ương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), lãnh đạo các địa phương ở khu vực miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP.HCM, Bình Dương..., các hiệp hội; doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Thời gian qua, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu đưa nhiều tập đoàn, công ty lớn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với rất nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp. Nhiều vấn đề nổi lên cần sớm có lời giải liên quan đến nền tảng công nghiệp phụ trợ, tính liên kết giữa các doanh nghiệp, các vùng, thiếu hụt chuỗi cung ứng...
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, với vai trò của một cơ quan truyền thông, Báo Tuổi Trẻ cùng UBND tỉnh Quang Nam, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương mong muốn được làm cầu nối để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng ngồi lại, trao đổi tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển công nghiệp tại miền Trung nhằm khai thác, phát triển hiệu quả ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí chế tạo thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, câu chuyện liên kết phát triển miền Trung đã đặt ra từ rất lâu và đã triển khai thực hiện quyết liệt, tuy nhiên hiệu quả liên kết về phát triển miền Trung nói chung, về liên kết công nghiệp nói riêng chưa đạt được như kỳ vọng. Nhiều hội thảo cũng đã mổ xẻ phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, tuy nhiên việc thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, dịch vụ… ở khu vực miền Trung để tạo ra sức bật mới cho khu vực miền Trung nói chung, khu vực kinh trọng điểm miền Trung nói riêng, đóng góp vào sự phát triển của cả nước vẫn là khát vọng.
“Liên kết ở khu vực miền Trung lâu nay chúng ta thường biết đến ở lĩnh vực du lịch, miền Trung đã làm được rất nhiều trong việc liên kết phát triển du lịch, đã xây dựng được thương hiệu con đường di sản ở miền Trung. Tuy vậy, liên kết phát triển công nghiệp như thế nào để đảm bảo miền Trung trong con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đóng góp xứng đáng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia vẫn đang là vấn đề mà các địa phương vẫn đau đáu mong mỏi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kể từ khi chia tách tỉnh (năm 1997) đến nay, Quảng Nam có thể tự hào là một trong những địa phương có những bước đã đột phá bằng các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành của các nhà doanh nghiệp, trong đó có tập đoàn THACO. Với vai trò dẫn dắt của Tập đoàn THACO, công nghiệp Quảng Nam đã có bước chuyển mình rất tích cực cũng như có sự trưởng thành vượt bật. Dù vậy, vấn đề phát triển công nghiệp miền Trung trong liên kết nội vùng như thế nào, giữa miền Trung với các khu vực trọng điểm phía Bắc, phía Nam, giữa trong nội tỉnh, giữa các khu công nghiệp, cụm liên kết ngành… ra sao đến nay vẫn đang còn giải quyết nên mong muốn có ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà kinh tế, nhà khoa học…
Tại hội thảo, các đại biểu doanh nghiệp, các nhà quản lý cũng phân tích những khó khăn trong liên kết cũng như xây dựng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu gốc, nguồn nhân lực, đặc biệt vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong định hướng, quy hoạch, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư…