Tìm kế sách phát triển kinh tế

TRỊNH DŨNG 08/12/2021 07:19

Sự vận hành nền kinh tế sẽ còn gặp khó khăn, tác động mạnh đến các chỉ tiêu kế hoạch. Cần những phân tích, đánh giá cụ thể để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022 là điều được luận bàn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X, khai mạc hôm qua 7.12. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư tại Núi Thành. Ảnh: Q.VIỆT
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư tại Núi Thành. Ảnh: Q.VIỆT

Chưa thể phục hồi ngay

Không thể có thêm 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP ), cộng với tốc độ tăng trưởng “bất ngờ” 11,7% của 6 tháng đầu năm để có thể đạt chỉ tiêu 6,5% - 7% như kế hoạch. Con số GRDP công bố tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X ngày 7.12 chỉ tăng 5,04%.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng không đạt chỉ tiêu, nhưng so với năm 2020 tăng trưởng âm đến 5,5% thì nền kinh tế vẫn có dấu hiệu hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,3%, du lịch giảm đến 55,2% khi thị trường địa phương ảm đạm, giảm đến 53,6% khách lưu trú (khách quốc tế giảm 96,9%, nội địa giảm 23,4%), song thương mại, dịch vụ vẫn tăng trưởng, dù rất nhỏ (0,35%).

Nông nghiệp - trụ đỡ cuối cùng của nền kinh tế khi khủng hoảng dịch bệnh lan tràn vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định 3,56%. Số doanh nghiệp khu vực công nghiệp, xây dựng cầm cự trước sự thiếu hụt nguyên liệu khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vẫn có mức tăng trưởng dương đến 7,78% so năm 2020...

Tín hiệu lạc quan giữa bối cảnh đại dịch tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, nhưng thị trường tài chính ổn định. Cả vốn huy động, cho vay đều tăng (9,2% và 2,82%) cho thấy vốn vẫn đổ vào nền kinh tế từ ngân hàng (hơn 81.589 tỷ đồng). Tổng thu ngân sách đạt 109,3% dự toán (nội địa đạt 109,5% và xuất nhập khẩu đạt 108,5% dự toán).

Không chỉ vậy, thị trường lao động cũng đã tăng thêm 15.000 người. Các chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch đã được triển khai trên diện rộng. Số lượng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vượt 2 xã so mục tiêu 2016 - 2020 và giảm được 3.098 hộ nghèo.

Có thể thấy, so với 17 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2021, dự kiến đến cuối năm sẽ có 10 chỉ tiêu đạt hoặc xấp xỉ đạt, có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu chưa đạt (GRDP, số người tham gia bảo hiểm bắt buộc, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Tuy nhiên, thành công lớn nhất về sự điều hành của chính quyền là đã đầu tư phát triển hạ tầng y tế, mở rộng quy mô giường bệnh (nhất là y tế cơ sở), kiểm soát dịch bệnh, đưa nền kinh tế vận hành thích ứng mục tiêu kép “phòng chống dịch và phát triển kinh tế” đúng hướng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận, dù đã nhiều cố gắng, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng lực thích ứng, ứng phó những tình huống cấp bách, đột xuất, phòng chống dịch còn lúng túng trong vài thời điểm. Hạn chế quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai, quỹ đất tái định cư, nhà ở xã hội, khoáng sản, vật liệu san nền...

Tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số dự án, công trình, tiến độ thực hiện một số dự án động lực, trọng điểm, các đề án, chương trình chưa đảm bảo yêu cầu và chậm cải cách hành chính, chuyển đổi số, khắc phục thiên tai, bão lũ... so với yêu cầu.

Giải pháp sát thực tế

Theo ghi nhận của nhiều đại biểu, giữa bối cảnh đại dịch đẩy nền kinh tế khủng hoảng, GDPR không đạt, nhưng Quảng Nam vẫn là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng khá so với mức bình quân chung cả nước. Ngân sách vẫn không giảm sút. Sự linh hoạt, thích ứng trong điều hành của chính quyền đã vượt qua khó khăn nhất thời, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh.

Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng dương; xuất, nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng. Ảnh: T.D
Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng dương; xuất, nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng. Ảnh: T.D

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, nếu giải ngân vốn đầu tư đạt 100% kế hoạch (đến ngày 30.11 chỉ đạt 66,6%), các điểm nghẽn thu hút đầu tư, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước hoặc tín dụng ưu đãi... hay việc sử dụng vốn từ một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiệu quả hơn, thì mức tăng trưởng kinh tế đã cao hơn.

Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường chưa có dấu hiệu dừng lại, mất việc làm, giảm sâu thu nhập... Nội bộ ngành nông nghiệp chưa có sự phát triển đột phá rõ nét. Thiếu sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, yếu sức cạnh tranh. Rất cần những phân tích, đánh giá toàn diện, đúng mức, chính xác để có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu.

Quảng Nam đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 từ 7,5% - 8%. Đây là con số cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đã thực hiện trong 3 năm gần đây. Liệu có thể hoàn thành chỉ tiêu ước định này khi dịch bệnh vẫn phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là điều nhiều người quan tâm, phân vân.

Theo Ban Kinh tế ngân sách, mọi kế hoạch đều phải được bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thích ứng, linh hoạt kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế. Không chỉ thúc đẩy các sản phẩm chủ lực, tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản, cải thiện cơ cấu tăng trưởng giữa các ngành trong GRDP mà công nghiệp phải trở thành động lực, đột phá trong tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án tạo nguồn thu mới, xây dựng các phương án mở cửa, đón khách khi dịch bệnh được kiểm soát, mở rộng thu hút một số ngành mới tiềm năng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xanh, tuần hoàn theo lộ trình phù hợp... đang là một lựa chọn hàng đầu cho tái thiết nền kinh tế.

“Cần những đề xuất, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp. Chọn đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt sự tham gia của các ngành kinh tế.

Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, gia tăng kiểm soát chất lượng quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai... Tất cả để huy động mọi nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cần những phân tích cụ thể, tính toán những nhân tố tác động để nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp tăng trưởng GRDP có tính khả thi trong năm 2022” - ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm kế sách phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO