Tăng cường quảng bá hình ảnh; đa dạng hóa thị trường khách; phát triển sản phẩm dịch vụ đặc trưng… là những đề xuất của doanh nghiệp lữ hành tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản” diễn ra sáng qua 3.12 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên).
Chưa tương xứng
Ngày 4.12.1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời cũng mở ra thời kỳ tăng tốc du lịch. Qua 20 năm kể từ khi trở thành di sản văn hóa của nhân loại, du lịch Mỹ Sơn không ngừng phát triển. Trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm Khu đền tháp Mỹ Sơn đón hơn 350 nghìn lượt khách, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng. Cùng với đó, hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực… từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đặc biệt, việc tạo cơ chế chính sách hợp lý về sử dụng nguồn thu của huyện đã giúp cho công tác phát triển du lịch Mỹ Sơn có nhiều thuận lợi.
Dù vậy, phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có; chất lượng dịch vụ chưa đa dạng; công tác quảng bá còn hạn chế... Tuy đón 350 nghìn lượt khách mỗi năm nhưng con số trên vẫn khá khiêm tốn so với gần 5 triệu lượt khách đến Hội An hay 6,5 triệu lượt khách đến Quảng Nam (năm 2018). Nhiều doanh nghiệp cho rằng, một trong những hạn chế của du lịch Mỹ Sơn 20 năm qua chính là phụ thuộc quá lớn vào khách nước ngoài, điều này dễ dẫn đến sự thiếu bền vững. Thống kê từ năm 2015 đến nay, dù tỷ lệ tăng trưởng khách luôn cao nhưng khách trong nước đến Mỹ Sơn rất thấp, bình quân khoảng 50 nghìn lượt/năm.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Mỹ Sơn hiện mới chỉ là điểm tham quan, chưa phải là điểm đến với các dịch vụ đầy đủ. Đặc biệt, cộng đồng người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ di sản. Ngoài ra, việc liên kết xúc tiến, quảng bá giữa các bên còn quá rời rạc. Chính quyền địa phương, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cộng đồng doanh nghiệp và chính từng doanh nghiệp phần lớn đi theo các kênh riêng dẫn đến hiệu quả không như mong đợi. Vì vậy các yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững Mỹ Sơn là cần quy hoạch căn cơ, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và xúc tiến chào mời các nhà đầu tư chiến lược.
Cần đồng bộ giải pháp
Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh những hạn chế về quảng bá xúc tiến, thông tin của Mỹ Sơn trên các trang mạng cũng còn khá sơ sài so với nhiều điểm đến khác trong khu vực. Do đó, để nâng tầm du lịch Mỹ Sơn, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cần triển khai đồng bộ các giải pháp như đa dạng hóa thị trường nhằm thu hút thêm các đối tượng khách; đẩy mạnh và áp dụng công nghệ trong quảng bá, tiếp thị; kết hợp cùng Hội An để phát triển... Ngoài ra, cần đầu tư, nâng cao các dịch vụ bổ trợ như hoạt động văn hóa, lễ hội, ẩm thực của người Chăm; các bài thuyết minh và video clip; tạo thêm các điểm check in; phát triển du lịch sinh thái; mở rộng dịch vụ tại các điểm phụ cận nhưng không ảnh hưởng đến giá trị di tích… Đặc biệt, nên chăng xem xét lại mức ưu đãi, khuyến khích cho du khách tùy theo mức độ sử dụng các sản phẩm du lịch của họ tại Mỹ Sơn…
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Anh Thư cho rằng, du lịch thế giới hiện phát triển theo hướng du lịch xanh, vì vậy Mỹ Sơn nên áp dụng thí điểm mô hình “Nói không với rác thải nhựa”; mạnh dạn liên kết với các nhà cung cấp sản phẩm du lịch địa phương theo hướng sinh thái để hòa chung xu hướng quốc tế.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, Mỹ Sơn phải đóng vai trò hạt nhân của vùng. Để làm được điều này cần sớm xây dựng, nâng cấp các dịch vụ sản phẩm ở khu vực vành đai vốn rất giàu tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể, làng nghề. Ông Tường cho rằng, với cơ cấu khách quốc tế đến Mỹ Sơn chiếm tới hơn 80% cũng là một lợi thế để địa điểm này tính toán sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng các hoạt động trải nghiệm...