Tìm "kháng thể" cho nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 06/04/2020 08:51

Dịch Covid -19 gây chấn động nền kinh tế. Song trong cơn lốc giảm tốc khá mạnh, nền kinh tế địa phương vẫn có những điểm sáng tăng trưởng. Điều này đã được ghi nhận trong báo cáo sơ bộ 3 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh sự suy giảm vẫn có những con số cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh hay đầu tư không đến nỗi quá bi quan. Ảnh: T.D
Bên cạnh sự suy giảm vẫn có những con số cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh hay đầu tư không đến nỗi quá bi quan. Ảnh: T.D

Thấy gì qua các con số?

Truyền thông liên tục đưa tin số lượng doanh nghiệp nghỉ hoặc tạm dừng sản xuất, cho nhân công nghỉ việc vì thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng đã bị hủy vô thời hạn. Nhiều doanh nghiệp phải gửi đơn cầu cứu xin chậm đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị ngân hàng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay hay mở thêm hạn mức cho vay để cầm cự qua mùa dịch…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND Hội An nói, thành phố gần như đã ngưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Nhiều nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ đóng cửa, kéo theo nhiều nhân công lao động thất nghiệp.

Tác động xấu của đại dịch Covid-19 không còn nằm trong dự báo mà đã thể hiện rõ qua các con số thống kê. Theo kết quả điều tra sơ bộ, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 3,84%, chủ yếu lao động trẻ, thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, nhất là ngành du lịch, dịch vụ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số  sản xuất công nghiệp quý I - 2020 đã giảm 24,7% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,6%; sản xuất phân phối điện giảm 10,6%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 10%. Ảnh hưởng nặng nề từ đình trệ sản xuất kinh doanh khiến ngân sách nội địa chỉ thu được 3.879 tỷ đồng, đạt 19% dự toán, giảm 27,2% so cùng kỳ.

Theo ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề khi tiến độ thu trung bình 3 tháng phải đạt gần 25% dự toán, không như chỉ 19% hiện nay.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là dệt may, da giày nhập hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc nên sản xuất cầm chừng. Sản xuất ô tô “tứ bề thọ địch” khi nhập khẩu nguyên chiếc gia tăng và phải cạnh tranh ngay trong thị phần nội địa.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành điện tiếp tục suy giảm khi các nhà máy chủ yếu vận hành theo lệnh điều động của Trung tâm Điều độ quốc gia. Không ít nhà máy dừng phát điện để tích nước nhằm “giải cứu” nông nghiệp, phòng chống hạn mặn có nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm 2020.

Tuy nhiên, đáng chú ý là dù suy giảm thì chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 3,1% so cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đến cuối tháng 3 vẫn chưa phải quá ảm đạm khi chỉ giảm 1,1%.

Doanh thu bán lẻ giảm 2,5% ngay trong tháng 3, nhưng toàn quý I - 2020 dù ghi nhận thấp hơn những năm gần đây, nhưng doanh thu vẫn đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 7%. Sản lượng khai thác thủy sản toàn quý vẫn đạt hơn 22.000 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ…

Điều bất ngờ đáng kể, giữa cơn bão đại dịch đang hoành hành, trong tháng 3 có hơn 50 doanh nghiệp giải thể, gửi thông báo tạm ngừng hoạt động thì vẫn có thêm 108 doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Tính cả quý I, có 304 doanh nghiệp giải thể, gửi thông báo tạm ngừng hoạt động và có thêm 323 doanh nghiệp thành lập. Con số doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn gia tăng (9) số doanh nghiệp giải thể giảm (89), 20 dự án đầu tư được cấp phép… cho thấy sản xuất bị đình trệ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nhưng doanh nghiệp chưa đến nỗi phải chịu cảnh phá sản hoặc rời bỏ thị trường hàng loạt như nhiều dự báo đáng lo ngại trước diễn biến bất định của đại dịch.

Giữ ấm cho nền kinh tế

Những thống kê trên cho thấy nền kinh tế Quảng Nam chưa đến nỗi suy kiệt. Thậm chí còn nhiều cơ hội để có thể “ngược dòng”. Động thái rõ nhất trong bản báo cáo kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm vừa được công bố không đặt ra chuyện điều chỉnh chỉ tiêu theo hướng giảm.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường dự báo khó khăn có thể đến hết năm 2020. Nhưng đây cũng là thời cơ thuận lợi để địa phương thúc đẩy phát triển các dự án (sân bay Chu Lai, cảng biển…), giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho thời sau Covid-19, gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp, hồ sơ tồn đọng, không để dây dưa. Các ngành hợp tác cùng doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu, lao động thay thế thị trường cũ, giảm bớt sự phụ thuộc...

Theo báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ngày 3.4.2020, ưu tiên hàng đầu của địa phương là kiểm soát dịch. Nhưng sẽ vận dụng, thực thi các chính sách, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, gia tăng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân sau khi dịch bệnh kết thúc.

Toàn tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày, điện, sản xuất và lắp ráp ô tô… và bảo đảm an sinh. Đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh; chống thất thu, nợ đọng thuế, tiết kiệm chi, thực hiện ngay các giải pháp huy động các nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu mới phát sinh.

Các ngành, địa phương khẩn trương đưa ra phương án cắt giảm nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Các địa phương, ngành chức năng phối hợp quản lý chặt chẽ giá cả, theo dõi biến động thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, làm hàng giả.

Các đơn vị tổ chức giám sát, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, dự án đã giao kế hoạch vốn năm 2020 nhất là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy. Ngành đang phối hợp cùng doanh nghiệp tìm các giải pháp cung ứng hàng hóa, cấp điện, tìm kiếm thị trường bán lẻ, thương mại nội địa sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu, hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Các cơ quan quản lý đã sẵn sàng thực thi chính sách của các cấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tìm cách ứng phó dịch bệnh, phát triển sản xuất. Thậm chí doanh nghiệp ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch kích cầu, giảm giá, thu hút khách quay lại sau dịch bệnh để bù đắp sự sụt giảm mấy tháng qua.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm "kháng thể" cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO