Tìm kiếm dữ liệu khoáng sản trên nền tảng 4.0

Lữ Đinh Hà My 05/11/2019 11:10

Những dữ liệu cụ thể về tài nguyên khoáng sản Quảng Nam vốn được lưu trữ bằng văn bản thuần túy; nay một phần mềm quản trị dưới dạng WebMap để quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) đang dần được hình thành, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), mở ra hướng quản lý cơ sở dữ liệu khoáng sản trên nền tảng số hóa.

Các nhà khoa học đang khảo sát địa chất tại mỏ than và cát tại Nông Sơn. Ảnh: Phúc Hoàng
Các nhà khoa học đang khảo sát địa chất tại mỏ than và cát tại Nông Sơn. Ảnh: Phúc Hoàng
 Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 mỏ than đá có trữ lượng lớn đó là mỏ than Nông Sơn, Ngọc Kinh và An Điềm (Đại Lộc) với trữ lượng 13 triệu tấn. Đây là một trong những loại khoáng sản trong số gần 300 mỏ khoáng sản khác nhau được đưa vào đề tài “Xây dựng CSDL về tài nguyên khoáng sản, phục vụ công tác lưu trữ, khai thác sử dụng thông tin trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” do Khoa Địa lý - địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế thực hiện được UBND tỉnh chấp thuận đưa vào đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh. PGS-TS. Nguyễn Văn Canh - Chủ nhiệm đề tài cho rằng, việc hệ thống hóa CSDL, chuẩn hóa thông tin về các mỏ khoáng sản bằng CNTT thay cho việc lưu trữ truyền thống là điều cấp bách. “Mục tiêu của việc khảo sát là phúc tra, kiểm tra và chuẩn hóa lại số liệu về các mỏ như tọa độ, vị trí địa lý, đặc điểm, hiện trạng khai thác, trữ lượng, chất lượng... tích hợp trên bản đồ cơ sở chung của toàn tỉnh. Đây là hệ thống mở có thể cập nhật, thay đổi, truy xuất thông tin dễ dàng, làm công cụ khai thác thông tin về khoáng sản trong quản lý, quy hoạch, cấp phép của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành thuộc tỉnh” - PGS-TS. Nguyễn Văn Canh cho biết.

Tính ưu việt của đề tài đó là CSDL được tổng hợp dưới dạng WebMap ứng dụng CNTT để lưu trữ, cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin nhanh, mọi lúc, mọi nơi. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Ninh Thuận đã thực hiện thành công đề tài này giúp Sở Tài nguyên - môi trường các tỉnh trên tiếp nhận, sử dụng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn. Tại Quảng Nam, công nghệ này hoàn thiện sẽ giúp lãnh đạo tỉnh, các sở như: Tài nguyên - môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Công Thương… hay các địa phương có thể sử dụng thiết bị thông minh để truy xuất được những thông tin cơ bản nhất, mới nhất về khoáng sản một mỏ, một khu vực mỏ nào đó thuộc địa bàn đơn vị quản lý trên toàn tỉnh.

Hiện đề tài đang tiếp tục thu thập tài liệu, xây dựng bản đồ khoáng sản như mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh), Đăk Sa (Phước Sơn); Urani tại Thạnh Mỹ (Nam Giang), Felspat tại Đại Lộc, Đại An, Lộc Quang; cát thủy tinh ở Hương An (Quế Sơn), Bình Tú (Thăng Bình); đá xây dựng hay granittogneis ở Tam Anh (Núi Thành)… bao phủ trên toàn bộ diện tích của Quảng Nam ứng với tỷ lệ 1:100.000 trên hệ tọa độ quốc gia VN-2000, chỉnh lý, số hóa, tạo lập các modun quản trị, cho ra đời website “Khoáng sản Quảng Nam”. “Có thể nói, việc đưa website lên internet của Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam sẽ giúp đơn vị quản lý dữ liệu khoáng sản của tỉnh quy cũ hơn, số liệu cụ thể, dễ dàng đồng bộ và tính bảo mật cao hơn góp phần tư vấn cấp quyền khai thác sử dụng khoáng sản có hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam” - ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm kiếm dữ liệu khoáng sản trên nền tảng 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO