Tìm kiếm nguồn nước ngầm

TRẦN HỮU 20/03/2015 09:08

Tài nguyên nước đang bị khai thác lãng phí, sử dụng thiếu hiệu quả dẫn đến sự khan hiếm nguồn tài nguyên này. Vì vậy, nhiều nơi đã tận dụng lấy nguồn nước ngầm dưới lòng đất để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Giảm chất lượng nguồn nước

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất nên sông, hồ bị thu hẹp dòng chảy. Sự phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy thủy điện… khiến nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn, gây suy giảm chất lượng môi trường nguồn nước mặt. Vào mùa khô mỗi năm, trên địa bàn tỉnh, hàng nghìn héc ta đất sản xuất bỏ hoang, cây trồng chết cháy do không có nước tưới. Ngay cả địa phương có nước thủy lợi như huyện Phú Ninh cũng đang đối mặt với hạn hán dù chỉ ở thời điểm đầu mùa khô. Theo ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, nếu nắng nóng liên tục kéo dài, một số vùng sản xuất cuối kênh như kênh N10A/8 (Tam An, Tam Đàn), N10 (Tam An), N2B (Tam Thái, Tam Đại) sẽ thiếu nước. Các công trình hồ đập vừa và nhỏ như đập Thọ Đức (Tam Lộc), đập Đá, hố Lau (Tam Dân), vực Voi (Tam Lãnh)… bị cạn kiệt. Nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đang đối mặt với thách thức không nhỏ từ hàng loạt dự án thủy điện, khai thác khoáng sản trái phép...

Một hệ thống cung cấp nước sạch tại xã Tam Xuân 2. Ảnh: T.H
Một hệ thống cung cấp nước sạch tại xã Tam Xuân 2. Ảnh: T.H

Ở địa phương lân cận như TP.Đà Nẵng mấy năm gần đây cũng thiếu nước ngọt. Đáng báo động là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Chính quyền xã Điện Ngọc xác nhận, các thôn trên địa bàn nằm gần Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và sông Tứ Câu như Viêm Trung, Ngân Hà, Ngân Câu, Tứ Câu, Ngân Giang, nguồn nước có hiện tượng nhiễm bẩn. Nước giếng khoan bơm lên để dùng cho ăn uống, sinh hoạt có màu đục, mùi hôi khó chịu... Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn xã Điện Ngọc có hơn 50 ca chết do bệnh ung thư, chủ yếu là độ tuổi trung niên. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tham mưu ban hành nhiều chính sách, phân công trách nhiệm quản lý môi trường nước; triển khai xây dựng, thực hiện các quy hoạch lưu vực sông. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động đánh giá tác động môi trường bằng việc cấp phép xả thải, thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường nước. Tuy nhiên, trước những áp lực và hiện trạng chất lượng môi trường nước có dấu hiệu suy giảm nặng, công tác quản lý môi trường nước còn bất cập, chưa sát với tình hình thực tế...

Khai thác nước ngầm

Hướng đến kỷ niệm Ngày nước Thế giới, ngành tài nguyên - môi trường  và các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễu hành trên đường phố tuyên truyền cho người dân về ý thức tiết kiệm sử dụng nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây xanh để giữ nước.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng,  việc quản lý nguồn nước tại các lưu vực sông còn thiếu tính chặt chẽ, giữa các ngành ở trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Cho nên cần quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động sử dụng nước hiệu quả, cải thiện và nâng cấp các hệ thống thoát lũ, hệ thống tưới tiêu, đê điều để hạn chế suy thoái tài nguyên nước; xử lý nghiêm các nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước và các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cục Điều tiết nước (thuộc  Bộ Công Thương) đã hoàn chỉnh khung pháp lý đối với các hồ chứa nước thủy điện vào mùa lũ, mùa kiệt, đồng thời quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng nước, nhất là tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nước mặt tại các khu vực trọng điểm. Đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn, phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với mức lũ thiết kế, có tính đến mức nước dềnh đến đường biên giải phóng lòng hồ. Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đập đến đường biên giải phóng lòng hồ. Khi tính toán xây dựng các công trình tuyệt đối không gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, cần xác định dòng chảy trên sông, suối, nhiệm vụ cụ thể của hồ chứa nước theo thứ tự ưu tiên. Quy hoạch hồ chứa phải có sự đóng góp ý kiến của các đối tượng hưởng lợi và đối tượng chịu rủi ro từ việc khai thác, sử dụng nước nên xác lập hành lang bảo vệ nguồn nước, quy định rõ ràng để thực hiện hồ chứa nước liên tỉnh. Trong khi đó, giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ đã đưa Quảng Nam vào một trong 44 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ được điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Mục tiêu cụ thể là tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Đồng thời xây dựng một số mô hình công trình cấp nước đặc trưng, phù hợp với điều kiện ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho nhân dân.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm kiếm nguồn nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO