Nếp bầu vùng Bàu Đưng, Tam Mỹ (Núi Thành) nổi tiếng dẻo thơm nhưng những năm gần đây do nhiều yếu tố, hương nếp không còn như xưa.
Xa xưa, vùng đất Núi Thành đã truyền nhau câu: “Nếp nào thơm bằng nếp bầu Tam Mỹ. Trầu nào thơm cho bằng trầu ấp Trung Lương…”. Nếp bầu trước đây được nông dân xã Tam Mỹ gieo mạ và cấy vào vụ hè thu hằng năm. Bình quân mỗi năm Tam Mỹ sản xuất khoảng 300ha, năng suất 50 - 55 tạ/ha. Nếp bầu vùng Bàu Đưng là một đặc sản, rất thơm ngon và trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất Tam Mỹ. Ông Ngô Thơ, một lão nông thôn Phú Quý 2, xã Tam Mỹ Đông kể: “Nếp bầu khi ấy thơm ngát. Đứng chặt bờ bên ruộng nếp đã nghe mùi thơm ngào ngạt rồi. Mà để có nếp bầu ngon, hồi đó để giống công phu lắm. Bà con phải cắt từng bông nếp rồi cột lại từng bó, treo lên và che lại không để chuột ăn. Năm sau đem bắc mạ để cấy lại…” Giữ giống nếp bầu công phu là vậy nhưng những năm gần đây, chất lượng nếp bầu giảm sút hẳn vì nhiều nguyên nhân. Hiện nay, ở huyện Núi Thành giống nếp bầu được cấy rải rác ở các xã Tam Nghĩa, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp… năng suất bình quân 30 - 40 tạ/ha và diện tích chỉ ở khoảng 5 - 10 ha/vụ. Điều đáng quan tâm là chất lượng nếp bầu sụt giảm hẳn. Giống nếp tỏ ra phân ly, thoái hoá, dạng cây có nhiều tầng, bông ngắn, hạt ghim dài, ít thơm và dẻo, năng suất thấp, dịch hại rất khó phòng trừ. Từ những nhược điểm trên nên diện tích sản xuất nếp bầu hàng năm trên địa bàn huyện giảm đến mức báo động. Từ thực tế đó, để khôi phục giống nếp bầu Bàu Đưng - Tam Mỹ, nhóm kỹ sư nông nghiệp Trần Văn A (Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành) và Bùi Văn Gát (Phòng NN&PTNT huyện) đồng thực hiện đề tài “Phục tráng giống nếp bầu Đưng Tam Mỹ từ hạt giống sản xuất trong đại trà”. Đề tài được thực hiện trên đồng đất xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây với diện tích 1,5 ha trong vụ hè thu, liên tiếp trong 3 năm 2014, 2015 và 2016. Kết quả, vụ 1 hè thu năm 2014 năng suất nếp bầu Đưng trong đề tài đạt 45 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Từ thu hoạch vụ 1 đã đem về 300kg giống nếp bầu Đưng có chất lượng và dự kiến qua 3 vụ hè thu trong 3 năm, đề tài sẽ thu về 6.750kg giống nếp bầu Đưng đủ để cấy 70 - 80ha.
Ông Châu Ngọc Đình, thôn Phú Quý 2, xã Tam Mỹ Đông, một trong những người tham gia thực hiện trồng nếp bầu nói: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được các kỹ sư phục tráng giống nếp bầu Đưng Tam Mỹ. Bước đầu, trong vụ 1 nếp đã có mùi thơm, tuy chưa bằng nếp bầu ngày xưa nhưng tôi hy vọng qua 3 vụ của đề tài, giống nếp bầu Đưng Tam Mỹ sẽ được phục tráng như xưa”. Kỹ sư Trần Văn A, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cho biết: “Phục tráng giống nếp bầu Đưng Tam Mỹ đã thoái hóa cho thuần chủng về nguyên gốc là việc làm cần thiết và cấp bách khi các nguồn giống chính thống của viện nghiên cứu, trung tâm giống không cung cấp đủ và chưa có giống thay thế. Kết quả vụ 1 là yếu tố thuận lợi để thực hiện tiếp 2 vụ sau và là cơ sở để chọn ra dòng giống nếp bầu Đưng Tam Mỹ nguyên chủng”.
Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở cho việc nhân rộng 30 - 40ha đất sản xuất nếp bầu/vụ ở xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây và 200 - 300ha ở các địa phuơng khác trong huyện, đồng thời có thể bố trí thay thế nhiều diện tích thường bị ngập úng đang sản xuất lúa hiệu quả thấp hiện nay sang trồng nếp bầu.
VĂN PHIN