Tìm lại "Lung mả chiến sĩ" ở Đại Lộc

ĐOÀN ĐẠO 11/02/2014 08:49

Những cán bộ, chiến sĩ thời chống Pháp và nhân dân ở các xã Đại Cường, Đại An (Đại Lộc) đã tìm lại được khu vực từng chôn hàng trăm chiến sĩ hy sinh thời chống Pháp tại khu vực cánh đồng Cây Sung (xứ đất Quan Trại), giáp ranh giữa thôn Phước Yên (xã Đại An) và thôn 10 (xã Đại Cường).

Xác định khu vực “Lung mả chiến sĩ” trên vùng đất giờ đã trở thành cánh đồng sản xuất. Ảnh: Đoàn Đạo
Xác định khu vực “Lung mả chiến sĩ” trên vùng đất giờ đã trở thành cánh đồng sản xuất. Ảnh: Đoàn Đạo

Ông Nguyễn Văn Nhì (83 tuổi, ở  xã Đại An) bắt đầu câu chuyện: “Vào năm 1952 tôi là chiến sĩ của Đại đội C240 Tiểu đoàn 17 (Tỉnh đội Quảng Nam). Đơn vị được giao nhiệm vụ phục kích quân của Pháp lên chi viện cho đồn Giao Thủy. Thực hiện xong nhiệm vụ, trong lúc lui quân, bất ngờ 18 chiến sĩ bị trúng đại liên của địch nên hy sinh, tất cả đều được chôn tại khu vực đồng Cây Sung”. Đến cuối năm 1953, C240 tiếp tục chống càn và có 4 chiến sĩ hy sinh cũng được chôn cất tại vùng đất này. “Lúc đó, Đại Lộc có nhiều đồn, bốt của Pháp nên đã xảy ra nhiều trận đánh lớn giữa bộ đội chủ lực của ta với địch. Không riêng gì đơn vị tôi mà nhiều đơn vị khác có người hy sinh đều được chôn cất tại đồng Cây Sung” - ông Nhì khẳng định.

Cùng thời điểm đó, ông Huỳnh Minh Chánh là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã Đại Hòa (cũ) cũng đã chứng kiến nhiều cuộc chôn cất các chiến sĩ ta hy sinh. “Lúc đó, bà Lê Thị Ngoạt (đã mất) là Hội trưởng Hội mẹ chị chiến sĩ Đại Lộc ở khu vực này có nhiệm vụ chăm sóc thương binh và chôn cất tử sĩ. Chiến sĩ hy sinh hầu hết là bộ đội chủ lực nên quê quán ở khắp cả nước. Để giữ bí mật, chúng tôi chỉ kịp vận động bà con làm tấm cót tre thay hòm. Phần lớn không biết tên tuổi, quê quán nên chúng tôi chỉ kịp đánh dấu mộ bằng hòn đá” - ông Chánh cho hay. Cũng theo ông Chánh, ông Nhì, những năm từ 1952 - 1954 vùng này tập trung bộ đội chủ lực của các Trung đoàn 108, 803, 93, Tiểu đoàn 17, 20 của tỉnh Quảng Nam và các Đại đội 83, 39, 89 của huyện Đại Lộc lấy 5 xã vùng B của huyện làm nơi trú quân, làm bàn đạp tiêu hao sinh lực địch. Nhiều chiến sĩ hy sinh được đưa về khu đất đồng Cây Sung chôn cất.

Ngày 10.8.1954 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, chiến sĩ vùng này buộc phải rút đi. Sau đó không lâu, Mỹ - Diệm thực hiện gắt gao chính sách tố Cộng nên không ai đến vùng đất này nữa. Vùng này chỉ còn trong tiềm thức của bà con với tục danh “Lung mả chiến sĩ” um tùm lau lách. Qua nhiều trận mưa lũ, khu đất bị bồi lấp, cộng thêm việc sau ngày giải phóng khu vực này thuộc chính sách khai hoang sản xuất nên mọi thứ rơi vào quên lãng. “Đến tháng 9.2013, chúng tôi và một số cán bộ, chiến sĩ cách mạng thời chống Pháp làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Lê Thị Ngoạt. Khi nhắc đến chiến công của mẹ có nhắc chuyện chăm sóc, chôn cất chiến sĩ nên chúng tôi truy tìm lại” - ông Nguyễn Hữu Mai, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết.

Dẫn chúng tôi ra vùng đất “Lung mả chiến sĩ”, các ông Chánh, ông Nhì chỉ tay về cánh đồng người dân đang sản xuất, nói: “Sau gần 70 năm bị lũ lụt bồi lấp, những ngôi mộ của các chiến sĩ thời chống Pháp có thể bị bồi sâu khoảng 5 - 6m, không còn dấu vết mồ mả nữa”. Vùng đất được gọi là “Lung mả chiến sĩ” rộng khoảng 2.500m2, hiện trạng chỉ còn lại vùng đất bồi, người dân địa phương vẫn đang trồng đậu phụng và một số loại cây khác. “Biết anh em còn nằm lạnh lẽo dưới lòng đất, chúng tôi cũng không an lòng. Chúng tôi đang làm đơn gửi các cấp đề nghị xây dựng một khu tưởng niệm tại đất này để chăm lo hương khói, cho các chiến sĩ đã ngã xuống cảm thấy ấm lòng” - ông Nguyễn Hữu Mai chia sẻ.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lại "Lung mả chiến sĩ" ở Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO