Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng

TÙY PHONG 09/07/2014 21:50

(QNO) - Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng và những văn bản trình HĐND tỉnh Quảng Nam ra Nghị quyết thi hành đã nhận được khá nhiều ý kiến từ đại biểu tham dự kỳ họp.

Các đại biểu thảo luận tại nghị trường
Các đại biểu thảo luận tại nghị trường

Chọn giải pháp thích hợp

Kết quả tăng trưởng trong vòng 6 tháng đầu năm được cho là khả quan trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế và thị trường bất ổn đã được đánh giá khá tốt chính là nhờ vào năng lực điều hành, quản lý của chính quyền và sự vận động của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Khá nhiều ý kiến phân tích ¾ chỉ tiêu phát triển kinh tế (GRDP, tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn đầu tư xã hội) chưa đạt kế hoạch. Theo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, sự phục hồi kinh tế từ cuối năm 2013 đã tạo đà tăng trưởng cho 6 tháng đầu năm nay. Hầu hết các chỉ tiêu đều tăng, nhất là thương mại, dịch vụ và giá trị sản xuất ngành nông lâm, ngư nghiệp tăng đến 5%. Bài toán sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp chưa tìm ra đáp án nhưng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn gia tăng. Dư nợ tín dụng tăng và vốn lãi suất giảm đang gia tăng vào ngành nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tăng 11%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chiếm gần 84%, nông lâm thủy sản chỉ còn hơn 16%. Con số thu nội địa hơn 2.800 tỷ đồng, đạt 56%, tăng 30% cùng kỳ, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách với 61,8% và tăng gần 50% so với cùng kỳ của thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh cho thấy không phải bức tranh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rơi vào cảnh ảm đạm như những dự báo thiếu lạc quan trước đây. 

Tuy nhiên, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cũng đã khuyến cáo rằng sản xuất công nghiệp vẫn chưa lấy lại kịp đà tăng trưởng khi nhìn vào chỉ số hàng tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp mới cấp phép chưa thể lấp “chỗ trống” từ số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động đang có xu hướng tăng nhanh, nợ xấu chiếm tỷ lệ đến 3,5% và số thu từ các doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm đáng kể so với cùng kỳ, còn thu từ tiền sử dụng đất ở đa số các huyện lại thấp. Một thống kê khác cho thấy tình trạng nợ thuế vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu phát sinh nợ từ Công ty vàng Phước Sơn. Theo Cục Thuế Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm, đơn vị này chỉ nộp được 11,9 tỷ đồng, trong khi dự toán giao 233,2 tỷ đồng. Sự thiếu hụt này đã tạo biến động lớn đến nguồn thu ngân sách của Phước Sơn và Phú Ninh. Nếu cuối năm 2013 nợ thuế  khoảng 701,7 tỷ  đồng thì đến 31.5.2014, số nợ thuế đã tăng lên 736,1 tỷ, chưa kể khoản nợ từ cơ chế vượt trội của tỉnh trước đây ngày càng tăng và khó có khả năng thu hồi (154,8 tỷ đồng vào cuối năm 2013). Ngoài ra, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đã “sinh thêm” nhiều dự án, công trình trọng điểm đầu tư đã để lại món nợ xây dựng cơ bản đến 1.447 tỷ đồng và 150 tỷ đồng nợ đọng tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2010 trở về trước chưa biết bao giờ thu hồi được.

Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị chính quyền cần biện pháp thích ứng, đối phó với hạn hán có thể ảnh hưởng nặng đến vụ Hè Thu, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Chính quyền cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu, giá trị hàng hóa nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tăng thu ngân sách bằng việc khẩn trương rà soát nợ tiền thuế do thực hiện cơ chế ưu đãi trước đây của tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm tạo sự minh bạch về môi trường đầu tư, góp phần giảm nợ đọng thuế phát sinh trên địa bàn và làm lành mạnh hóa nền tài chính của tỉnh. Riêng xây dựng cơ bản, cần tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm như bảo tàng tỉnh, tượng đài Mẹ VNAH, cầu Cửa Đại, Kỳ Phú 1&2. Quan điểm chính vẫn là chuyện kịp thời điều chuyển vốn, tập trung giải ngân các nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu. Không để xảy ra tình trạng sử dụng không hết kế hoạch vốn bị Trung ương thu hồi. Chính quyền và cơ quan quản lý chỉ xem xét cho tạm ứng đối với dự án, nhiệm vụ chi thật sự búc xúc không thể trì hoãn và có giải pháp cân đối vốn để hoàn trả ngân sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu.

Ban Kinh tế ngân sách cũng đã đề nghị HĐND tỉnh có chủ trương điều chuyển một phần kinh phí kế hoạch hỗ trợ Đông Giang, Nam Giang, bổ sung kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hiệp Đức và Tiên Phước  đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Ngoài ra, Ban Kinh tế ngân sách HĐND cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo phân cấp, ủy quyền những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh cho huyện, thành phố thực hiện, kiến nghị TW điều chỉnh, sửa đổi cơ chế phân cấp quản lý cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của địa phương, tiến đến việc loại trừ tình trạng lợi dụng, thông đồng trong đấu giá tài sản, dẫn đến ách tắc, chậm trễ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Tìm nguồn lực thực thi các đề án và Nghị quyết chuyên đề

Khá nhiều câu hỏi đặt ra cho 12 tờ trình, đề án, báo cáo trình trước kỳ họp lần này. Nhiều đại biểu cho rằng việc “cam kết” hay dự báo đến 2015 phải xử lý dứt điểm việc giải thể hoặc sáp nhập, chuyển đổi loại hình kinh tế phù hợp đối với các hợp tác xã yếu kém và đến năm 2020, mỗi huyện đồng bằng, thành phố xây dựng ít nhất 5 hợp tác xã điển hình tiên tiến cấp tỉnh và cấp toàn quốc là chuyện khó khả thi. Việc thu hút người có trình độ về công tác tại hợp tác xã từ nguồn ngân sách, hỗ trợ đào tạo, chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hợp tác xã, hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã khi thành lập mới và chính sách tín dụng sẽ là việc vô cùng gian nan. Ban Kinh tế ngân sách cho rằng kinh tế hợp tác vẫn chưa cải thiện được nhiều từ khi có sự tác động của các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết 113. Số hợp tác xã khá giỏi hiện nay mới đạt 39,87%, trong khi đó mục tiêu đề ra đến năm 2015 là 50%, có đến 24 hợp tác xã tồn tại trên danh nghĩa, thuộc diện yếu kém kéo dài hoặc ngừng hoạt động đã lâu nhưng chậm được chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc chỉ đạo xử lý giải thể..., tổng số hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay mới đạt tỷ lệ 33% và chỉ có 14/153 hợp tác xã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, số sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa còn rất ít...Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do sự yếu kém từ năng lực nội tại của các hợp tác xã, bên cạnh đó những tác động từ cơ chế chính sách đã ban hành chưa đủ mạnh để góp phần vực dậy lĩnh vực kinh tế yếu thế này. Hơn nữa, khó khăn về tiếp cận các nguồn vốn vay cũng là trở ngại lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các hợp tác xã (không có tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp…). Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết 113 là cần thiết, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới, phát triển hợp tác xã và phù hợp với sự điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan.

Không chỉ vấn đề hợp tác xã, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị trung tâm thương mại, chính sách thoát nghèo bền vững, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ chế khuyến khích, bảo tồn Sâm Ngọc Linh Quảng Nam…cũng đã được đặt lên “bàn nghị sự”. Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cây sâm Ngọc Linh cần được xác định đúng vị trí của nó. Đó là một cây thuốc quí, có giá trị về kinh tế, cần phải được bảo tồn và phát triển theo hướng xây dựng thành thương hiệu “Sâm Ngọc Linh Quảng Nam”. Đây là một sự xác định cần thiết, làm nền tảng cho các giải pháp toàn diện và đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu cho các chế phẩm dược liệu từ sâm Ngọc Linh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, việc ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh  Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020 là hết sức cần thiết, nhằm phát huy thế mạnh của tỉnh, tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam...

Hầu hết đại biểu cho rằng không ai nghi ngờ về mục tiêu của những báo cáo đề án được nêu ra bởi tất cả đều đang rất cấp thiết với nhu cầu tạo ra nền móng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi, an sinh xã hội, nhưng sự lo lắng không thừa của họ chính là tính khả thi của các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các đề án, nguồn kinh phí và giải pháp thực hiện, bởi đề thực thi hiệu quả của các đề án này cần nguồn kinh phí khổng lồ. Trong khi hiện tại, ngân sách tỉnh đang phải “thắt lưng buộc bụng” để bảo đảm chi tiêu, thì lấy gì để triển khai các báo cáo, đề án theo như Nghị quyết ban hành. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan nói cần tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách dù ngân sách có khó khăn bởi sự việc này thể hiện tính nhân văn của chế độ, nhưng cần quan tâm rà soát tính khả thi việc cấp nguồn vốn để thực hiện các Nghị quyết bởi trên thực tế, ban hành chính sách hay Nghị quyết rất dễ, nhưng thực hiện các Nghị quyết trên thực tế rất lúng túng, gian nan vì không thể tìm đâu ra nguồn vốn cả ngàn tỷ đồng để thực hiện chương trình. Và liệu có đủ thời gian hay tiền bạc để thay đổi bộ mặt hợp tác xã hay không, bởi xóa bỏ thì dễ nhưng xây dựng nên điển hình trong điều kiện hạn hẹp kinh phí là điều dường như không thể. Theo đại biểu Bùi Quốc Đinh, cần có kế hoạch quản lý, xử lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tốt. Rất nhiều Nghị quyết đã ban hành nhưng hiệu lực thực thi đến đâu vẫn là câu chuyện cần bàn. Còn đại biểu Nguyễn Tiến cho rằng việc tiếp cận đất đai hiện nay rất khó khăn. Tốc độ giải ngân vốn chậm liên quan rất nhiều đến thủ tục, kết quả đấu thầu, tiến độ thi công và năng lực nhà thầu, chủ đầu tư. Cần rà soát cụ thể để chấm dứt tình trạng “không xài hết vốn đầu tư này”. Ông Trần Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nói việc quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản là cần thiết để tạo nguồn thu ngân sách, chấm dứt tình trạng khai thác lậu và giải tỏa những vướng mắc khó khăn về các thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ…

Hôm nay, ngày 10.7, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục trình bày tóm tắt các tờ trình, đề án, báo cáo, trình bày báo cáo tổng hợp các ý kiến cử tri, tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và tiến hành thảo luận chung tại nghị trường

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO