Tìm lời giải tăng thu ngân sách

TRỊNH DŨNG 16/12/2014 09:42

HĐND tỉnh đã phê duyệt dự toán thu ngân sách năm 2015 tăng 10,5%, nhưng để đạt được con số này không phải là điều dễ dàng khi các cơ quan quản lý vẫn loay hoay đi tìm lời giải hữu hiệu cho bài toán tăng thu.

Ấn định dự toán tăng cao

Có lẽ nhận thấy giá trị sản xuất công nghiệp gia tăng liên tục, khả năng cạnh tranh khá, sức mua thị trường tốt... nên các cơ quan quản lý lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015 được HĐND tỉnh ấn định là 9.100 tỷ đồng, tăng 10,5% so với ước thực hiện 2014, bao gồm: thu nội địa 6.350 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng so với trung ương giao), thu thuế xuất nhập khẩu 2.400 tỷ đồng và thu quản lý qua ngân sách 350 tỷ đồng.

Kết quả thu nội địa chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của Ô tô Trường Hải và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Kết quả thu nội địa chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của Ô tô Trường Hải và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: T.D

Theo Sở Tài chính, năm 2015 nguồn thu chủ yếu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương khoảng 550 tỷ đồng (tăng 15,5%), thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 190 tỷ đồng (tăng 11,8%), thu từ doanh nghiệp nước ngoài 594 tỷ đồng (bằng 135% so với ước thực hiện năm 2014, bao gồm cả việc trung ương giao dự toán phải thu cho được nợ thuế của 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu khoảng 140 tỷ đồng). Tất cả số thu này đều dựa trên năng lực sản xuất của các dự án thủy điện, yến sào, Fococev Quảng Nam và sự tăng trưởng của các công ty Bia BVL, Indochina Resort Hội An, Pepsico Quảng Nam, sân Gôn, Victoria… Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh vẫn chiếm áp đảo số thu nộp ngân sách với 3.957 tỷ đồng, tăng 20%. Nguồn thu này vẫn dựa vào 2 doanh nghiệp trọng điểm của ô tô Trường Hải. Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải KIA sẽ tiêu thụ khoảng 12.900 xe (tăng 32,9%), nộp ngân sách 1.517 tỷ đồng (tăng 26,4%) và Vina Mazda cũng sẽ tiêu thụ được 6.500 xe (tăng 18,1%), nộp ngân sách 1.284 tỷ đồng (tăng 17%). Tổng số thu từ 2 đơn vị sản xuất này sẽ vào khoảng hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 47,8% tổng thu nội  địa Quảng Nam. Việc hoàn thành chỉ tiêu ngân sách năm 2015 phụ thuộc rất lớn vào thị trường ô tô du lịch, tình trạng kinh doanh và mức tăng trưởng của Trường Hải. Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay dự toán này đã được tính toán, đánh giá thực chất của các nguồn thu, phù hợp, sát thực tế, nhất là việc đã loại trừ những nguồn thu không ổn định, cân nhắc kỹ lưỡng những thay đổi của chính sách thuế hay phương pháp kê khai thuế.

Thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cũng nhận định trên cơ sở rà soát năng lực, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc xây dựng dự toán thu nội địa ở mức 6.350 tỷ (tăng 2,5% so với trung ương và tăng xấp xỉ 14% so với ước thực hiện năm 2014) cho năm cuối thời kỳ ổn định ngân sách này là phù hợp. Vấn đề quan trọng là cần rà soát, cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đăng ký hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc tạo và nuôi dưỡng nguồn thu, chủ động cân đối ngân sách và bố trí nhiệm vụ chi ngay từ đầu năm...

Không dễ tăng thu

Cho dù cơ quan quản lý loan báo đã tính toán kín kẽ và đưa ra những biện pháp cụ thể để tăng thu ngân sách, nhưng thu đúng, đủ hay tăng thu khó hay dễ lại không phụ thuộc vào nỗ lực của cơ quan tài chính mà chính là dựa trên “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nếu thu thuế xuất nhập khẩu, thu để lại chi qua ngân sách (khoảng 2.750 tỷ đồng) và lệ phí trước bạ, thu nhập cá nhân, thu tiền thuê đất, mặt nước, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền sử dụng đất, thu cố định tại xã (947 tỷ đồng)… có thể dự báo và kiểm soát được thì áp lực vẫn đè trên vai cơ quan thuế khi không thể tính toán chính xác vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong gói thu nội địa. Theo phân tích của cơ quan thuế, nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chủ yếu thu từ các doanh nghiệp thủy điện, nhưng năng lực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết và công suất phát điện. Doanh nghiệp nhà nước địa phương hầu như không có năng lực mới tăng thêm. Số thu chỉ dựa vào vài doanh nghiệp trọng điểm như Yến sào Hội An hay Fococev…, nhưng hiện tại sản lượng khai thác, tiêu thụ của yến sào đang gặp khó khăn, nộp ngân sách giảm dần; còn Fococev công suất có hạn, việc thu mua nguyên liệu đầu vào không đủ để duy trì sản xuất bình thường nên số nộp ngân sách giảm đột biến. Khu vực doanh nghiệp FDI có dự toán tăng cao nhưng lại phụ thuộc vào khả năng nộp ngân sách của 2 doanh nghiệp vàng khi trung ương giao dự toán thu bao gồm nợ thuế của 2 công ty này (Phước Sơn 120 tỷ đồng và Bồng Miêu 20 tỷ đồng). Nhưng hiện cơ quan thuế cũng chưa biết cách gì để thu hồi số nợ thuế này. Còn khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn kinh doanh hạn chế, năng lực cạnh tranh thị trường thấp nên tốc độ tăng trưởng thu ngân sách ở khu vực này vẫn phải dựa chủ yếu vào Trường Hải. Nếu 2 công ty này không đạt được mức độ tăng trưởng như dự định sẽ kéo theo sự sụt giảm ngân sách Quảng Nam.

Trước thực trạng của doanh nghiệp cho thấy sẽ khó để tăng thu thêm nhiều ngân sách do không thể chờ vào các khoản tăng thu đột biến như vài năm trước. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng thu ngân sách nội địa tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 6.350 tỷ đồng là không nhỏ. Năm 2015 là năm cuối của thời kỳ ổn định, mọi chính sách liên quan về thuế đều phải được thực hiện. Ngành thuế đang bị áp lực từ nhiều phía khi đơn vị yến sào bị cạnh tranh, bia không tăng, sản xuất sắn đứng vì thiếu nguyên liệu, nợ thuế vàng không biết có thu được hay không, xăng dầu hay nhiều dự án khác lại nộp thuế nơi khác… nhưng thu ngân sách lại ấn định gia tăng. Trong khi vấn đề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nằm ngoài khả năng “kiểm soát” của ngành thuế!

Năm 2015, các cơ quan tài chính buộc phải tăng cường công tác quản lý, khai thác, chống thất thu, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế. Đây là thử thách không nhỏ vì nguồn thu chỉ có thể tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với khó khăn chưa dứt. Vì thế, bên cạnh biện pháp quyết liệt tăng thu, cần phải có một biện pháp khác quan trọng không kém, đó là quyết liệt giải cứu doanh nghiệp - giải cứu người đóng thuế. Bên cạnh tác động tài chính, sự quyết liệt thực thi các giải pháp giúp doanh nghiệp còn có tác dụng nhưng một liệu pháp tinh thần tiếp thêm sức cho họ vượt qua khủng hoảng khốn khó. Một tác động tích cực như vậy chỉ có thể đến từ chuyện cụ thể hóa các giải pháp khả thi chứ không chỉ là lời hứa hay văn bản.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lời giải tăng thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO