Tìm lời giải thu hồi nợ xấu

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG 13/05/2017 09:33

Nợ xấu của các ngân hàng Quảng Nam được đánh giá khá an toàn, nhưng thị trường vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro không lường trước được. Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo ra một cơ chế vận hành năng động và giới ngân hàng cần có sự gắn bó, san sẻ, “hy  sinh” quyền lợi để giúp kinh tế phát triển. Mỗi ngân hàng đều có những lựa chọn riêng, nhưng cơ chế nào để xử lý hiệu quả nợ xấu vẫn là chuyện khó. Và đâu là rào cản lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu?

NGUY CƠ TIỀM ẨN

Nợ xấu hiện tại của hệ thống chi nhánh ngân hàng đóng chân ở Quảng Nam đang nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng xử lý nợ xấu vẫn là câu chuyện đầy khó khăn, trong khi phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước sự trồi sụt của thị trường.

Ngân hàng cho vay dựa trên niềm tin và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngân hàng cho vay dựa trên niềm tin và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nằm trong tầm kiểm soát

Quảng Nam đã từng chứng kiến sự bùng bổ tín dụng kể từ năm 2016 khi đạt mức 43.556 tỷ đồng, tăng 28,39%, cao hơn mức tăng 26,82% năm 2015, vượt kế hoạch đăng ký 26,41% của các tổ chức tín dụng và hơn gần 10% tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mức tăng trưởng được đánh giá đạt kỷ lục trong nhiều năm qua này lại được nhận thêm dòng vốn tiếp tục đổ vào nền kinh tế khá nhiều trong mấy tháng đầu năm 2017. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến cuối quý I.2017, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đã đạt 46.991 tỷ đồng, tăng 7,89% so với đầu năm (vượt xa con số tăng trưởng 4,03% của toàn ngành ngân hàng), tăng 27,51% so với cùng kỳ. Dự báo, với tốc độ phát triển này, kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm 2017 của hệ thống ngân hàng Quảng Nam sẽ đạt và vượt khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam - cho hay, song song với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu cũng đã diễn biến theo biểu đồ hình sin. Tổng nợ xấu đến cuối tháng 3.2017 khoảng 385,09 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,85%/tổng dư nợ. Tỷ lệ này được cho là giảm 0,47% so với đầu năm nhưng lại tăng đến 150,8% so với cùng kỳ năm trước. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu bình quân 2,68%, chiếm đến 76,23% trong tổng nợ xấu, nhưng có đến 6 ngân hàng không hề có nợ xấu; khối ngân hàng nhà nước có tỷ lệ nợ xấu bình quân 0,29%, chiếm 22,4% tổng nợ xấu; còn lại Ngân hàng Chính sách chiếm 0,96% và các Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 0,34%.

Thông qua thống kê, nợ xấu của các ngân hàng thương mại đều giảm nhanh chóng. Có thể kể đến như Ngân hàng Công thương Hội An đã giảm đến 93,77% để chỉ còn 0,01%, Ngân hàng Đầu tư phát triển Hội An giảm 31,04%, chỉ còn 0,38%... Nhiều ngân hàng khác cũng đã giảm tỷ lệ từ 0,26% đến 5,68% nợ xấu. Những con số “lạc quan” này là một trong những chỉ dấu cho thấy các ngân hàng đang cùng doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã “thành công” trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục xử lý dứt điểm khách hàng có nợ quá hạn trước đây, tăng cường giám sát, đốc thúc khách hàng trả nợ vay. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam cho hay, giới ngân hàng đã cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục xem xét cho vay mới trên cơ sở hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ. Không chỉ vậy, các cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được mở, ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm thấp chi phí tài chính cho doanh nghiệp… Chính điều này đã giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra nguồn thu trả nợ.

Nguy cơ nợ xấu

Nếu nhìn vào quy định ngưỡng nợ xấu 3% được xem là “an toàn” (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), con số nợ xấu hiện tại của hệ thống ngân hàng Quảng Nam không quá để lo lắng. Các ngân hàng đều cam kết sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng, xử lý tốt nợ đến hạn, nợ xấu, bảo đảm chất lượng tín dụng. Song thực tế, xử lý nợ xấu không dễ như mong muốn. Theo một thống kê, nợ xấu đã giảm đến 96% là do việc dùng nguồn dự phòng của các ngân hàng để xử lý rủi ro và bán nợ cho VAMC (Công ty quản lý tài sản). Nhưng bản chất của việc sử dụng nguồn dự phòng rủi ro bù đắp tổn thất hay bán nợ chỉ làm giảm vốn chủ sở hữu ngân hàng, chuyển từ hạch toán nội bảng sang ngoại bảng. Rốt cuộc nợ xấu vẫn chưa được thu hồi. Khởi kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài…

Nợ xấu vẫn luôn là nỗi lo của hệ thống ngân hàng. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, nợ xấu tuy đã cải thiện nhưng các ngân hàng cần thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng vì nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng cao trong thời gian đến. Một trong những nguy cơ được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam và giới ngân hàng thương mại cổ phần thông báo chính là cho vay Nghị định 67 dù dẫn đầu cả nước, nhưng sẽ khó khăn trăm bề khi thu hồi nợ sau này.

"SONG HÀNH TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG VÀ KIỂM SOÁT NỢ XẤU"

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam - Nguyễn Văn Diện khẳng định các biện pháp giúp tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu đều được thực thi song hành. Không ưu tiên lĩnh vực nào. Ngân hàng sẽ giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu dây dưa để làm lành mạnh hóa hơn thị trường tiền tệ.

PV: Chiều hướng nợ xấu các ngân hàng Quảng Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Diện: Hiện nợ xấu chỉ chiếm 0,82% trên tổng dư nợ là con số thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng rất nhạy cảm thì rủi ro cũng là chuyện đương nhiên vì khó có thể lường hết được các nguy cơ tiềm ẩn. Kinh doanh ngân hàng không lúc nào không có nợ xấu. Mọi ngành nghề kinh doanh đều có rủi ro. Nhưng dự báo rủi ro của ngành ngân hàng mấy năm gần đây chặt chẽ hơn vì tất cả khoản vay đều được trích dự phòng rủi ro để xử lý. Một khi món vay không có khả năng thu hồi nợ, nếu phải xử lý bằng con đường bán tài sản mà bị thiếu, chênh lệch thì dùng dự phòng ấy bổ sung hay dùng dự phòng chung của ngành ngân hàng để giải quyết món vay nợ xấu vì nguyên nhân khách quan gây ra. Còn do chủ quan gây ra thì các ngân hàng sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân.

Sau những năm nhiều khoản nợ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì nợ xấu tại Quảng Nam đang trong chiều hướng ổn định. Tuy nhiên, cũng còn vài món nợ cũ để lại như của Công ty Đồng Xanh hoặc những tồn tại của kiểm soát đặc biệt như Ngân hàng Đông Á và vài món khác làm tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên. Còn nợ xấu hiện chỉ 0,82%, dưới mức cho phép 3% thì ở mức an toàn. Các ngân hàng đang quản lý và xử lý nợ tốt. Số nợ của nhiều ngân hàng không đáng kể. Ngay như Ngân hàng Đông Á, một khi xử lý rốt ráo xong (hơn 20% nợ xấu), hoạt động trở lại thì nợ xấu sẽ giảm. Hay như SHB có nợ xấu hơn 6% cũng sẽ được ngân hàng này xử lý hoàn tất ngay trong quý II này.

Tăng trưởng tín dụng mạnh thể hiện các doanh nghiệp vay vốn làm ăn hiệu quả. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư tốt sẽ thêm nhiều cơ hội trả được nợ. Như tôi nói ban đầu, hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng đầu tư cho đánh bắt hải sản. Đó là cái rủi ro khó nắm bắt được. “Chim trời, cá nước”, thời tiết bất thường, bão, lũ biến động hay giá bán mua thấp thì tác động đến doanh nghiệp và tác động đến ngân hàng. Điều này dễ dẫn đến nợ xấu.

PV: Điều gì khiến việc xử lý nợ xấu khó?

Ông Nguyễn Văn Diện: Xử lý nợ xấu là cái rất khó. Hiện nay luật pháp chưa cho phép tổ chức tín dụng được thu giữ bán tài sản và luật pháp đang bảo vệ người đi vay chứ chưa bảo vệ người cho vay. Mà thực chất lẽ ra phải bảo vệ người cho vay. Vì người cho vay huy động vốn của doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân. Ngân hàng sẽ trả lại cho họ bằng cách thu lãi các món vay doanh nghiệp, cá nhân thế chấp cầm cố cho ngân hàng. Nhưng ngân hàng không thể định đoạt được tài sản ấy. Tất cả đều liên quan đến thi hành án. Nhưng thi hành án phải qua nhiều cấp. Một trong những điều vô lý là, lẽ ra án phí đó thuộc người vi phạm hợp đồng (người vay không trả được nợ). Song, khi ngân hàng khởi kiện, đề nghị thu hồi nợ thì án phí ngân hàng phải chịu. Vậy nên các tổ chức tín dụng cũng ngại việc khởi kiện. Mỗi một vụ kiện như vậy kéo dài đến một, hai năm… Ngoài ra, cũng còn ràng buộc nữa là không được bán giá thấp hơn giá thị trường, trong khi tài sản ngày càng xuống cấp và mất giá.

PV: Tương lai nợ xấu là khó đoán định vì những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng này như hiện nay là rất khó thay đổi. Theo ông, xử lý vấn đề này như thế nào cho thật sự hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Diện: Hiện vẫn còn khá nhiều hồ sơ thi hành án chưa được xử lý. Khi khó có thể thu hồi vốn dù nhiều bản án có hiệu lực thì các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và dùng nguồn để xử lý nợ xấu. Hiện các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận của mình để trích lập dự phòng rủi ro nhằm làm cho chất lượng tín dụng cao lên. Khi đầu tư vốn, các ngân hàng sẽ phải thẩm định kỹ càng về hiệu quả dự án. Tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu là hai mục tiêu song hành, không ưu tiên cái nào là điều các ngân hàng đang tính toán.

Ngân hàng sẽ làm việc để giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu dây dưa để làm lành mạnh hóa hơn thị trường tiền tệ. Không thể đổ lỗi cho thiên tai hay sụt giảm thị trường mà buộc ngân hàng giảm lãi vay 0%. Nếu buộc ngân hàng thương mại như thế thì lấy gì bù đắp ngân sách, tái tạo, bổ sung vốn, điều hòa nền kinh tế. Nếu đã thông cảm cho doanh nghiệp, người dân gặp rủi ro kinh doanh thì cũng phải thông cảm và công bằng cho ngành ngân hàng!

KHÔNG DỄ THI HÀNH ÁN TÍN DỤNG

Nhiều vụ nợ xấu đã được phân định của tòa án. Nhưng việc thi hành án, thu hồi nợ vẫn khó thực hiện vì vướng quá nhiều lý do, cho dù giới ngân hàng muốn thi hành nhanh để thu hồi vốn.

Các ngân hàng thường “chẳng đặng đừng” mới kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi các khoản nợ xấu.
Các ngân hàng thường “chẳng đặng đừng” mới kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi các khoản nợ xấu.

Kể từ hội nghị phối hợp giữa các ngân hàng và cơ quan thi hành án dân sự cách đây 2 năm, nỗ lực từ hai phía đã góp phần xử lý, giảm thấp nợ xấu của hệ thống ngân hàng Quảng Nam. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4.2017, trong tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Quảng Nam được tuyên theo các bản án, vẫn còn đến 50% chưa được thi hành án.

Kéo dài và rắc rối

Quá khó để tìm kiếm được thông tin chính thức, cụ thể về danh sách các doanh nghiệp, cá nhân bị thi hành án liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chỉ công bố con số án tín dụng lớn chưa thi hành với số tiền lớn của vài doanh nghiệp, như: Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ và phát triển đầu tư: 687 tỷ đồng, Công ty CP Đồng Xanh: 273 tỷ đồng, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tân Đông An: 229 tỷ đồng, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam: 44,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Á Châu: 42,9 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, một phần doanh nghiệp rơi vào tình trạng này là do sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho ứ đọng. Đã từng có những năm tháng lãi suất tăng cao, khiến áp lực về chi phí tài chính gia tăng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, như Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tân Đông An. Ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, nông sản rớt giá… cũng đã khiến sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng trả nợ… Thi hành án Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Á Châu là một ví dụ. Chưa kể các thành viên vay vốn làm ăn thua lỗ bỏ trốn không biết ở đâu. Mặc dù hồ sơ vay vốn bảo đảm tính pháp lý, tài sản thế chấp nếu thanh lý sẽ bảo đảm thu hồi đầy đủ gốc, lãi và khả năng có dư, nhưng do không xác định được người vay nên các ngân hàng đã không thể khởi kiện được. Một số vụ việc khi thực hiện xử lý tài sản thường có hướng tạo điều kiện cho kéo dài thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi… cho bên bị thi hành án. Còn quyền lợi người được thi hành án là ngân hàng thì chưa quan tâm. Chưa kể còn có quan niệm rằng nợ qua thi hành án của ngân hàng là nợ ngoại bảng, nợ khó thu, tận thu…

Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Quảng Nam nói, chỉ khi nào doanh nghiệp không có hướng khắc phục, không hợp tác với ngân hàng thì việc khởi kiện, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, biện pháp này thường kéo dài và hiệu quả thấp. Ông Nguyễn Thành Vinh - nguyên Giám đốc Ngân hàng Đông Á Quảng Nam cho hay, không ngân hàng nào muốn dồn doanh nghiệp vào đường cùng. Việc khởi kiện doanh nghiệp chỉ là chuyện chẳng đặng đừng và ngân hàng không muốn. Đặc biệt, việc phải khởi kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài.

Không dễ

Cục Thi hánh án dân sự Quảng Nam cho hay, hàng năm cơ quan này phải thụ lý và đưa ra thi hành án số lượng án rất lớn và tính phức tạp trong từng vụ việc cũng tăng theo. Các loại án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhất là về giá trị so với tổng số án thụ lý của cơ quan thi hành án. Theo báo cáo ngày 7.4.2017 của Cục Thi hành án dân sự gửi Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp thì tính từ ngày 1.10.2016 đến ngày 31.3.2017, tổng số các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 261 vụ việc với giá trị hơn 1.487 tỷ đồng. Nhưng chỉ mới thi hành được hơn 14,479 tỷ đồng. Số tiền còn phải thi hành hơn 1.472 tỷ đồng vẫn chưa thực hiện được.

Ông Trịnh Minh Hùng - Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cho hay, so với giá trị thực và quy mô của tài sản thì dù giá bán thấp vẫn không có khách hàng nào có nhu cầu mua, mặc dù cơ quan bán đấu giá cũng như đơn vị đã thông báo rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng. Nhiều tài sản thế chấp của doanh nghiệp thi hành án khi kê biên rồi bán rất khó khăn, hạ giá nhiều lần mà vẫn không ai mua. Cụ thể như 31 lô đất của Công ty TNHH Tân Đông An rao, giảm giá nhiều lần nhưng vẫn bán không được. Ông Hùng nói, không phải cơ quan thi hành án không cương quyết, để kéo dài, mà luật không cho phép, nên sẽ rất khó thi hành án. Khó khăn nhiều nhất là những phi vụ vay có giá trị lớn nhưng không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đã thế chấp cho các hợp đồng kinh tế khác, nên kết quả là thu hồi không được hoặc nếu được thì rất ít. Ngân hàng không có khả năng thu hồi lại tiền cho vay gốc và lãi. Nhân viên thi hành án gặp sự bất hợp tác, chống đối, cản trở gây khó khăn khi xác minh, lập giấy tờ, kể cả tống đạt quyết định thi hành án cũng khó. Các chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự gặp khó khi tiếp cận với người đại diện pháp luật lẫn tài sản của doanh nghiệp bị kê biên.

Cũng trong báo cáo gửi Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam cho rằng, theo cảnh báo, nợ xấu có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới, tác động bất lợi đến nền kinh tế, nên họ kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự cần có giải pháp đề xuất Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ kịp thời có những biện pháp dự phòng từ xa, giảm “gánh nặng” cho các cơ quan thi hành án dân sự. Thực tế, rất cần có cơ chế để các tổ chức tín dụng, ngân hàng “dũng cảm” nhận tài sản bảo đảm sau 2 lần giảm giá nhưng không có người đăng ký mua hoặc bán đấu giá không thành, để trừ vào số tiền được thi hành án. Sự việc này cũng sẽ thể hiện trách nhiệm “đến cùng” đối với các khoản đã cho vay và cũng giúp cho cơ quan thi hành án dân sự nâng cao kết quả giải quyết, tăng tỷ lệ thu tiền về, thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã được giao.

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lời giải thu hồi nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO