Tìm nét riêng cho phố

XUÂN HIỀN 12/03/2023 09:09

Có tiếng rì rào cất lên nghe như từ sâu thẳm của những con đường. Là hàng thông reo trên đường phố quanh co của xứ cao nguyên. Hay phải chăng tiếng lá rơi vào khối đá đỏ bazan triệu năm trên một trục đường phố núi. Chợt nghĩ lại xứ Quảng mình, có điều gì là đặc trưng của phố thị?

Quảng trường 24/3 - điểm nhấn của phố thị Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Quảng trường 24/3 - điểm nhấn của phố thị Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Lưng chừng... phố

Sắp đến mùa lễ hội của những con phố ở Tam Kỳ. Tựa vào hoa để làm hội hằng năm, trở thành đặc trưng của phố ba sông. Sưa vàng trở thành điểm nhấn để nhận diện một Tam Kỳ quyến rũ của tháng 4. Nhưng hình như, chừng đó vẫn chưa đủ để một mai khi mở rộng thành phố, lấy gì để nên bản sắc của con phố nằm nơi trung điểm của trục đường thiên lý Bắc - Nam?

Nếu là “phố giáng hương” - như một nhận diện trong thơ nhạc dành cho thành phố trẻ này, thì phải thật sự làm nên những câu chuyện gắn với loài cây chỉ riêng có của Tam Kỳ. Nhưng, vẫn chưa...

Tôi nhớ những cụ già trầm ngâm ở vài góc ngã ba của Tam Kỳ độ chục năm trước. Họ kể rằng vào những ngày giêng hai này, thị xã Tam Kỳ khi ấy thoảng hương trà phơ phất. Nhất là những đoạn dọc đường một (quốc lộ 1 - PV), những xưởng trà như ướp đượm hương mời gọi khách qua đường dừng chân.

Người ta tiếc nhớ một thời son vàng trà mộc, trà lài thì ít, nhưng nhớ cái không khí phố phường đặc trưng thì nhiều. Một phần đời sống của phố lưu dấu thành bản sắc, chính là những mùi những hương những vị từ các thức quà là đặc sản. Người sống lâu năm của phố Tam Kỳ, họ nói rằng nếu không là những danh trà gói ghém trong hành trang của kẻ đi xa, thì vẫn chưa thể là dân Tam Kỳ.

Nhưng mỗi cuộc phát triển buộc phải có điều mất mát. Bảng hiệu xưa dần mơ hồ ngay cả trong ký ức của người bản địa. Những lớp người quản lý văn hóa của thành phố này cũng từng ấp ủ câu chuyện làm sao để mở các hội thảo chuyên đề chỉ dành riêng cho câu chuyện bản sắc và văn hóa đô thị, nhưng hình như từ khi tái lập tỉnh đến nay, TP.Tam Kỳ vẫn chưa đủ duyên để làm nên cuộc gặp gỡ dành cho những người muốn tạc dựng lại vóc hình của một đô thị thương nghiệp Tam Kỳ.

Cũng như, thử kiểm đếm các đầu sách về vùng đất Tam Kỳ, câu chuyện phố phường bản sắc thị xã xem chừng ít ỏi. Khó thể bì với Hội An, nhưng có lẽ muốn một thành phố phát triển có chiều sâu thì ít nhất phải dựa trên nền vốn liếng, bản sắc của đô thị đó. 

Một người trẻ vài năm mới về lại phố thị này, ngỡ ngàng vì sự... khang trang và vui nhộn của phố cũ. Nhưng cậu ấy nói, ở góc độ nào đó, vẫn thấy thiếu. Là thiếu cái đặc trưng của một thành phố. Như khi đến với Kon Tum, Gia Lai - chính những con đường, hàng cây làm nên phố núi. Thì với Tam Kỳ, mọi điều vẫn đang ở lưng chừng. Chỉ dấu văn hóa phố phường còn khá mờ nhạt, trong khi vốn liếng cũ của đô thị này là không ít. 

Khơi mạch nguồn bản địa

Năm nào, tôi cũng cố để dự được cuộc gặp gỡ cư dân phố cổ của TP.Hội An. Dự để nghe những rút ruột tâm tình trong câu chuyện xây dựng thành phố. Họ gồm các thành phần với bao nhiêu nghề nghiệp khác nhau. Nhưng họ chung một tấm lòng với thành phố, với đô thị.

Người thợ mộc Kim Bồng phàn nàn về những thay đổi trong kiến trúc nhà ở của người mới đến phố cổ. Thậm chí vài hoa văn thay đổi trong mắt cửa, trong ngạch cửa, cũng làm anh phải mất ăn mất ngủ. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh than phiền về những bức tường loang - thứ làm nên nghệ thuật riêng có trong các bức ảnh về Hội An, đã bị làm mới theo một cách thức phi nghệ thuật.

Một nghệ nhân hát tuồng buồn rầu vì thành phố đã không còn “chỗ” cho những gánh tuồng dân gian sống, dù đất này đã từng là nơi phát tiết bao nhiêu đội tuồng của lịch sử nghệ thuật này ở xứ Quảng...

Những câu chuyện bé mọn trong đời sống hằng ngày nhưng chính là những lát cắt quan trọng trong bức tranh bảo tồn và xây dựng thành phố. Bởi chính cư dân cùng những quan sát của họ đủ sức chân thật để văn hóa bản địa không bị phai lạt trước bao nhiêu lốc xoáy từ các luồng văn hóa khác. 

Đây có lẽ cũng là nguồn cơn để Hội An giữ được cái “mã gen” văn hóa của mình qua rất nhiều lớp thế hệ. Những người quản lý thành phố này đã nhìn ra rằng, văn hóa nằm ngay trong nhịp điệu từ tốn của cư dân phố cổ. Không ai khác, chính họ là những người giữ gìn chuyên nghiệp nhất những bản sắc phố phường trăm năm. 

Quay lại với đô thị tỉnh lỵ của Quảng Nam, thấy phần lớn dân cư là người nơi khác đến. Tuy nhiên, lớp cư dân đã ở đây từ 20 năm trở lên, vẫn đủ để có ký ức về câu chuyện phố phường. Chưa kể, khi Tam Kỳ vốn dĩ là vùng đất đặc biệt - ngay nơi giao nhau của ba dòng sông, thì chuyện làm nên đặc trưng của phố bên sông không phải là điều khó. Nhưng chờ một ý tưởng, xem chừng đã rất lâu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm nét riêng cho phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO