Sau khi được “biên chế” về Quảng Nam, theo thời gian, dàn diễn viên gạo cội và hùng hậu của Đoàn Ca kịch Quảng Nam bắt đầu “rơi rụng” dần. Có người nghỉ vì lớn tuổi, có người chuyển công tác, có người phải ngưng diễn vì ngọn lửa nghề không còn cháy như trước nữa... Trong khi đó, việc tuyển mới hết sức khó khăn - mà chính xác hơn là không có nguồn diễn viên để tuyển, do số học sinh người Quảng Nam có năng khiếu hát dân ca, bài chòi theo học các trường đào tạo sân khấu hầu như không có. Trong suốt quãng thời gian từ khi tách lập đoàn vào năm 1997 đến năm 2010, Đoàn Ca kịch Quảng Nam chỉ tuyển được... 2 diễn viên được đào tạo chính quy. Chính vì lẽ đó, đã có lúc đơn vị nghệ thuật này không thể dựng những vở diễn hoành tráng, do thiếu cả diễn viên chính lẫn diễn viên phụ. Một số vở diễn đình đám từng làm nên danh vị nghệ thuật của đoàn cũng không thể dựng lại do không có người đủ sức đảm nhận các vai diễn quan trọng hoặc do không đủ diễn viên để phân vai... Trước thực trạng ấy, có người từng đưa ra một dự báo khá bi quan, rằng nếu không tìm được đội ngũ kế cận thì có khả năng Đoàn Ca kịch Quảng Nam chỉ có thể dựng những vở kịch ngắn, tiểu phẩm và tình huống cuối cùng, xấu nhất, là... giải thể.
Đội ngũ diễn viên, nhân viên hậu đài của Đoàn Ca kịch Quảng Nam ngày càng được trẻ hóa. Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Nỗi đau tình mẹ” với sự góp mặt của nhiều diễn viên trẻ. (Ảnh do Đoàn Ca kịch Quảng Nam cung cấp). |
Tuy nhiên, đáng mừng là dự báo bi quan ấy đã không xảy ra. Theo NSND Từ Minh Hiệp, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Ca kịch Quảng Nam, khi nhận ra “nguy cơ” kể trên, đoàn đã đẩy mạnh và đổi mới hoàn toàn công tác tuyển dụng. Thay vì chủ yếu tìm nguồn từ các trường đào tạo chuyên ngành, đoàn tập trung vào tuyển lựa đại trà tại các vùng quê giàu truyền thống dân ca kịch ở Quảng Nam. Không chỉ cán bộ mà ngay cả diễn viên, nhân viên hậu đài của đoàn đều tham gia công tác này: mỗi năm đôi ba lần tỏa về các vùng quê tìm kiếm những người yêu thích và có năng khiếu hát dân ca. “Tìm được người đã khó, thuyết phục họ chịu về với mình càng khó hơn. Khó hơn nữa là ở bước kế tiếp, bởi cần phải có thời gian để thử giọng trong nhiều tình huống, sàng lọc khả năng biểu diễn, kỹ năng sân khấu rồi mới tính đến việc đào tạo. Mà việc truyền nghề cho những người chưa từng qua trường lớp kịch nghệ nào là không đơn giản và không phải lúc nào cũng thành công...” - NSND Từ Minh Hiệp nói thêm.
Sau những cuộc tuyển chọn, sàng lọc liên tục theo phương thức ấy và áp dụng triệt để việc đào tạo bằng cách cầm tay chỉ việc, giờ đây đội ngũ diễn viên, nhân viên kỹ thuật, hậu đài của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã được bổ sung một cách cơ bản. Từ năm 2014 đến nay, đoàn đã tuyển mới được 10 diễn viên và nhân viên hậu đài có tuổi đời từ 35 tuổi trở xuống, góp phần hiện thực hóa việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên. Hiện tại, trong số 26 diễn viên chính thức của đoàn, đã có tới 14 diễn viên dưới 35 tuổi (trong đó có 6 người thuộc thế hệ 9X); Đoàn Ca kịch Quảng Nam trở thành đơn vị nghệ thuật “trẻ” nhất trong số gần 10 đoàn và nhà hát sân khấu truyền thống khu vực miền Trung. Điều quan trọng là hầu hết diễn viên trẻ này, kể cả những người vừa mới được tuyển dụng cách đây trên dưới một năm, đều đã được giao vai, được lên sân khấu. Một số diễn viên trẻ như Phương Tính, Hùng Nhật, Ngọc Quốc, Ngọc Uyên, Quang Việt... chỉ sau 2 - 3 năm về đoàn đã đảm nhận được vai chính trong những vở diễn lớn; đã nhận được huy chương, giấy khen tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Lớp diễn viên trẻ hơn, mới hơn như Mai Phương Thúy, Tạ Tấn, Trúc Diễm, Thảo Trang hay các nhân viên hậu đài thế hệ 9X như Hùng Hậu, Nguyễn Hân cũng đã dự phần vào các vở lớn, mà mới nhất là vở “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” dàn dựng hồi đầu năm và được chọn đi tham gia cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc vừa diễn ra tại Đà Nẵng cuối tháng 8 vừa rồi.
Trong bối cảnh đời sống hiện đại, sân khấu dân ca kịch truyền thống thường xuyên đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là trong việc tìm “đất diễn” và xây dựng, duy trì đội ngũ diễn viên, nhân viên hậu đài. Do vậy, với việc năm nào cũng dựng được vở mới, tuyển được diễn viên mới, rồi nâng tỷ lệ diễn viên trẻ lên hơn 50% như hiện nay, có thể nói là một thành công rất đáng ghi nhận của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Hẳn nhiên, để ngọn lửa dân ca kịch truyền thống tiếp tục cháy sáng, những nỗ lực ấy của đoàn cần phải được duy trì, một cách quyết liệt và bền bỉ. Cùng với đó, cũng rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, không phải chỉ trong lúc này mà cho cả dài lâu...
BẢO ANH