Tìm nhau - ngày hòa bình

TRẦN TRUNG SÁNG 19/06/2015 14:44

Tim Page và “Requiem”

“Hồi chụp ảnh chiến tranh Việt Nam tôi đã bị thương nhiều lần. Có lần suýt chết khi ruột lòi ra ngoài. Tôi mang trong mình đất nước này, dân tộc này. Tôi đã tận mắt chứng kiến chiến tranh, vì thế tôi trân quý hòa bình biết bao. Ngày hôm qua, tôi đi bộ ở Sài Gòn để chụp ảnh. Phải thật lòng nói rằng,  tôi thấy băn khoăn khi nhìn những tấm áp-phích, panô vẫn còn đầy chất chiến tranh. Tôi mong được thấy nhiều hơn những tấm áp-phích, panô về hòa bình, thống nhất. Dân tộc Việt Nam chiến đấu để được sống trong hòa bình phải không?”. Tim Page - nhà báo Anh, người từng có mặt trên khắp chiến trường miền Nam từ hồi đầu thập niên 60 đã bày tỏ như vậy tại cuộc gặp gỡ những nhà báo nổi tiếng thế giới từng tác nghiệp trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, do Vụ Thông tin báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vừa qua.

Phóng viên ảnh Nick Ut và Tim Page gặp nhau tại TP. Hồ Chí Minh trong dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Phóng viên ảnh Nick Ut và Tim Page gặp nhau tại TP. Hồ Chí Minh trong dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.

Tim Page chào đời tại Kent (Anh) vào năm 1944. Trong thời gian săn ảnh chiến tranh tại miền Nam Việt Nam và Campuchia, do nhiều lần mạo hiểm vào sinh ra tử nên các nhà báo ngoại quốc đã nói rằng ông không thể sống quá tuổi 23. Ông từng là đề tài chính của nhiều phim tài liệu, hai phim tiểu sử và là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn Requiem đăng lại nhiều ảnh chụp bởi các nhà báo đã gục ngã trong các năm chiến tranh chống quân Nhật, Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Requiem còn là đề tài triển lãm ảnh trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.Hồ Chí Minh. Tim Page nói: “Tôi có những đồng nghiệp mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tôi đã bỏ nhiều năm để tìm kiếm thông tin về họ nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào. Tôi hy vọng sẽ tìm được phần còn lại của họ trước khi nhắm mắt xuôi tay. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này với bất kỳ lý do nào nữa”.

Bức ảnh “Hai người lính”

Cũng trong những ngày kỷ niệm 40 năm lịch sử, nhắc lại một trong một những tác phẩm để lại kỷ niệm đáng nhớ nhất, nhà báo Chu Chí Thành, đã kể câu chuyện về bức ảnh “Hai người lính”: “Có một buổi sáng đầu năm 1973, tôi đi tuần cùng chiến sĩ giải phóng quân và gặp một người lính bên kia. Anh ấy bảo: “Anh phóng viên chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!”. Nói rồi, anh vui vẻ khoác vai người lính ở bên kia bờ chiến tuyến... Với tôi, đó là minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Việt Nam Cộng hòa trong trang phục rằn ri - hai con người ở hai chiến tuyến đối nghịch đã sát vai bên nhau. Mọi khoảng cách đều được xóa bỏ” (thời điểm tháng 4.1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền).

Nhà báo Chu Chí Thành nói, mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, ông không ngớt nhờ bạn bè tìm kiếm dấu vết 2 người lính ấy, với hy vọng họ vẫn còn sống sót sau chiến tranh. Tuy nhiên, mới đây một phóng viên của báo Tuổi Trẻ tin cho ông biết đã tìm ra được gia đình người lính phía Bắc tại Huế, nhưng người lính ấy đã qua đời cách đây vài năm. Còn người lính phía Nam vẫn chưa rõ tung tích... Ông Chu Chí Thành nói: “Tôi chúc tất cả chúng ta không phải chụp ảnh chiến tranh nữa mà chúng ta chụp cảnh sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân”.

Tìm và gặp... sau chiến tranh

Bên cạnh những cuộc tìm kiếm không mệt mỏi như vậy, còn có một tìm kiếm khác, rất lặng lẽ, riêng tư nhưng đầy xúc động. Đó là cuộc tìm kiếm của nhà báo Bùi Dương Hương Ly về người mẹ nổi tiếng Dương Thị Xuân Quý.

“Tôi vẫn chưa hết hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được di hài của mẹ, và biết được những giờ phút cuối cùng của mẹ. Đối với riêng tôi, mẹ chính là lý do tôi trở thành nhà báo. Tôi đi tường thuật ở nhiều vùng xung đột: Afghanistan, Iraq, Yemen, vùng Bắc Phi và Trung Đông… Đi theo con đường của mẹ, tôi thấy mẹ luôn ở cạnh mình. Và tôi sống cho cả những ngày mẹ tôi chưa kịp sống”.(Nhà báo Bùi Dương Hương Ly)

Theo Hương Ly, sau 40 năm chiến tranh đã qua, hầu như chị và gia đình năm nào cũng về lại quê hương Quảng Nam, nhưng vẫn chưa chắc đã tìm được mẹ. Cách đây mấy năm, một nhà ngoại cảm tự nguyện giúp đỡ. Chỗ ông chỉ gia đình đào lên được cúc áo và cặp tóc cùng hai mẩu xương bé xíu. Nhìn vào cúc áo thấy chữ “Levis”, cả nhà tự hỏi sao thời chiến lại có cúc áo Levis? Nhìn cặp tóc có thấy chữ “Tặng chị X.Quý”. Nhưng một thời gian sau đó, nhà ngoại cảm này bị chính quyền bắt do đã giả mạo những di vật của một số liệt sĩ mà ông giúp tìm kiếm.

Hương Ly nói, tôi đành cúi đầu chấp nhận những gì đào được trong chuyến đi tìm ấy có thể là của mẹ, mà cũng có thể không. Câu chuyện riêng của Dương Thị Xuân Quý – người mẹ của Hương Ly, giờ là câu chuyện bi tráng của lịch sử, của thi ca, hầu như ai cũng biết, nhất là tại Quảng Nam.

Hương Ly kể, trưa ngày giải phóng Sài Gòn, chị cùng các bạn trong đội nhi đồng Hồ Chí Minh đi diễu hành qua phố phường trung tâm Hà Nội, tay vẫy cờ đỏ sao vàng, đầu ngẩng cao hát những bài cách mạng. Trong khi đó, tại Sài Gòn, một số bà con trong gia đình Hương Ly bắt đầu cuộc ly tán với gia đình và xứ sở. Sau này, nhiều người đã về lại Việt Nam thăm nhà, nhưng có người sau 40 năm vẫn chưa trở lại, vì trong lòng chưa quên niềm cay đắng mà cuộc chiến mang lại. Bây giờ mỗi khi đại gia đình hội ngộ, chị cảm nhận, mọi người tránh nhắc đến chiến tranh, vì hiểu rằng dĩ vãng đẹp của người này có thể gợi lại nỗi đau cho người bà con khác.

Trong một chuyến về thăm quê hương mới đây, Hương Ly đã tìm thấy một con đường mang tên mẹ chị tại TP.Đà Nẵng. Cách đó không xa là đường mang tên ông ngoại chị - nhà hoạt động văn hóa Dương Tự Quán. Và còn có ba con đường khác mang tên các bậc tiền bối cũng trong gia đình bên ngoại chị...

TRẦN TRUNG SÁNG 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm nhau - ngày hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO