(QNO) - Ngành chức năng đã đánh giá sơ bộ tình trạng xuống cấp của cầu Câu Lâu cũ và đề xuất phương án sửa chữa. Do kinh phí quá lớn, UBND tỉnh chỉ đạo chọn nội dung bức xúc nhất, cần thiết để sửa ngay.
Xuống cấp nặng
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã khảo sát sơ bộ cầu Câu Lâu cũ và điều tra thu thập tài liệu liên quan nhằm có cơ sở đề xuất phương án sửa chữa.
Theo đó, cầu có chiều dài 841m. Hiện trạng phần thượng bộ, mặt cầu bằng bê tông nhựa, trên bản mặt cầu có lớp bê tông cốt thép dày khoảng 10cm. Tuy nhiên, mặt cầu bị nứt dọc tim trên nhiều nhịp, có chỗ rộng đến 20cm.
Một số vị trí của cánh dầm chủ (phần quan sát được) có bề mặt bê tông bên dưới bị bong vỡ, lộ cốt thép đã bị gỉ. Nhiều dầm ngang bị hư hỏng tại mối nối, có hiện tượng cáp dự ứng lực ngang bị đứt. Lề bộ hành và lan can tay vịn bị hỏng; trên phần lan can và mặt đáy lề bộ hành lộ cốt thép bị hoăn gỉ, có vị trí đã bị gãy đổ (tại nhịp cầu thứ 27 tính từ Bắc vào Nam) và nguy cơ sụp đổ thêm.
Với hạ bộ, trụ cầu bằng cọc ống thép đường kính 45cm nhồi bê tông; nhưng phần bê tông không lấp đầy trong ống thép (được phát hiện tại ống thép bị hư hỏng do ăn mòn); phần ống thép bị hư hỏng tại nhiều vị trí.
Xà mũ một số trụ bê tông bị bong vỡ, lộ cốt thép gỉ. Trụ số 10 (tính từ Điện Bàn qua Duy Xuyên) có cọc bằng bê tông cốt thép, do bị xâm thực nên bê tông bong vỡ và lộ cốt thép gỉ. Đáng lo hơn, trụ số 8 bị lún lệch có chiều sâu 30cm.
Khảo sát đa chiều
Sở GTVT cho biết, cầu Câu Lâu cũ xây dựng khoảng từ năm 1965 - 1970. Tuổi thọ trung bình là 80 năm, cho nên cần sửa chữa để có thể sử dụng khoảng 20 - 25 năm nữa.
Vậy nhưng, các hồ sơ thiết kế ban đầu và hồ sơ sửa chữa định kỳ trong quá trình khai thác được giao cho UBND huyện Duy Xuyên tiếp nhận quản lý vào năm 2008 vẫn chưa tìm thấy.
[CLIP] - Ghi tại cầu Câu Lâu cũ vào trưa ngày 10/10
Sở GTVT đã liên hệ với Khu Quản lý đường bộ III để mượn hồ sơ quản lý, nhưng đơn vị trả lời đã bàn giao hồ sơ cho địa phương, hiện không có lưu. Ngành chức năng chỉ thu thập được bản vẽ (file auto cad) về bố trí chung của cầu, bản vẽ mặt cắt địa chất (có số liệu xuyên tiêu chuẩn SPT), đây là cơ sở để tham khảo tạm xác định chiều sâu cọc khoan nhồi để khái toán chi phí sửa chữa.
Năm 2008 (thời điểm có biên bản bàn giao), cầu đã được Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 khảo sát sửa chữa trước khi bàn giao. Sở GTVT đã liên hệ với đơn vị tư vấn để mượn hồ sơ lưu trữ.
Sở GTVT xác định sơ bộ cao độ lòng sông tại vị trí cầu, đối chiếu với số liệu được đơn vị tư vấn khảo sát năm 2008 thì hầu hết lòng sông được bồi lấp thêm. Riêng 2 đoạn gồm 8 trụ (trụ số 18 đến số 22 và số 31 đến số 33) có tình trạng xói lở lớn làm cho lòng sông sâu thêm 4,67 - 7,84m.
Căn cứ hiện trạng có thể đánh giá được, cộng số liệu địa chất cầu Câu Lâu mới và tình trạng xói lở lòng sông, Sở GTVT đề xuất phương án sửa chữa. Trước hết, khảo sát nhằm để đo vẽ hiện trạng cầu, khoan địa chất vị trí trụ lún, xói lở; chụp ảnh, đo đạc, đánh số…
Tiếp đến, ngành chức năng sẽ cho kiểm định, thử tải để xác định khả năng chịu tải của các trụ, nhịp. Sau khi sửa chữa, thực hiện thử tải để xác định tải trọng thông xe...
Chưa sửa chữa lớn
Ngành chức năng dự kiến phương án sửa chữa phần hạ bộ của trụ số 8 bị lún lệch và gia cố 8 trụ nằm tại lòng sông xói sâu. Đối với trụ đã bị lún lệch, sau khi hoàn thành sửa chữa, tiến hành kích nâng hệ dầm, đổ bê tông nâng đá tảng kê gối đảm bảo cao độ, lắp đặt gối cầu và kích hạ hệ dầm vào vị trí…
Ở phần thượng bộ, phần sửa chữa sẽ triển khai đối với dầm chủ, cánh dầm, dầm ngang và các mối nối bị vỡ bê tông. Sửa chữa hệ liên kết ngang, khe nứt dọc cầu; lề bộ hành và lan can.
Do chiều dài cầu lớn, giải pháp sửa chữa các trụ chỉ thực hiện tại lòng sông bị xói sâu làm suy giảm khả năng chống đỡ của các cọc, trụ. Nếu làm đại trà, kinh phí sẽ tăng thêm gấp 3 lần, vì vậy hằng năm đơn vị bảo trì phải đo lại lòng sông để đánh giá khả năng xói lở.
Với nhiều hạng mục nhỏ lẻ, tiêu tốn nhiều thời gian, dự kiến quá trình thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024; kinh phí đề xuất khoảng 30,5 tỷ đồng.
Xem xét đề xuất của Sở GTVT, từ tham mưu của Sở Tài chính, cuộc họp giao ban ngày 24/7/2023 của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quy mô mà ngành chức năng đề xuất đầu tư quá lớn, nguồn vốn khó khăn, danh mục đầu tư chưa có trong Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
UBND tỉnh giao Sở GTVT rà soát nội dung bức xúc cần sửa chữa ngay từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh; đồng thời cấm ô tô qua cầu để đảm bảo an toàn lưu thông (Báo Quảng Nam đã thông tin).
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo Sở GTVT rà soát những nội dung bức xúc của cầu cần phải sửa chữa ngay. Lập hồ sơ, thủ tục gửi Sở Tài chính kiểm tra, đề xuất tỉnh bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Bởi lẽ, nguồn ngân sách đang rất khó khăn, phải cắt, giảm và dừng nhiều công trình, dự án.
Về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT khảo sát, kiểm định, thử tải, lập hồ sơ, thủ tục báo cáo cấp thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư sửa chữa.