Trong 10 năm qua, kể từ năm học 2012 - 2013, phương án xét tuyển vào lớp 10 đến nay bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đó, ngành giáo dục Quảng Nam đang hoàn thiện phương án thi tuyển vào lớp 10 trình UBND tỉnh quyết định, nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học bậc THPT.
XÉT TUYỂN KHÔNG CÒN PHÙ HỢP
Sau khi nhận được sự đồng thuận cao từ các huyện, thị xã, thành phố, trường THPT, Sở GD-ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến các sở, ban, ngành và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức thi tuyển.
Nhiều hạn chế
Từ năm học 2012 - 2013, Quảng Nam thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT, thay vì thi tuyển như nhiều năm trước đó chuyển sang xét tuyển, và duy trì cho đến nay.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT và nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, xét tuyển có một số ưu điểm như đánh giá được quá trình rèn luyện và học tập của học sinh (HS) trong 4 năm học THCS; giảm áp lực thi cử cho HS; tiết kiệm kinh phí tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc duy trì xét tuyển không còn phù hợp và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí tạo ra những hệ lụy.
Ông Thái Viết Tường cho biết, sau khi lấy ý kiến của các sở, ngành, Sở GD-ĐT sẽ hoàn thiện phương án tuyển sinh vào lớp 10, sớm trình UBND tỉnh phê duyệt để các trường, HS chuẩn bị kế hoạch dạy và học. Từ năm 2020, Sở GD-ĐT đã xây dựng phương án, lấy ý kiến về vấn đề này và năm nay tiếp tục triển khai từ đầu năm học. Vì vậy, có thể nói công tác chuẩn bị rất chu đáo, sẵn sàng cho thi tuyển đạt kết quả tốt.
Cụ thể, trước năm học 2017 - 2018 cả tỉnh duy trì tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 là 95% HS tốt nghiệp THCS đối với đồng bằng và 100% đối với miền núi. Vì vậy, tổ chức tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển là hợp lý mà không cần phải tổ chức thi.
Thực hiện Nghị quyết số 11 (25/4/2017) của Tỉnh ủy, tỷ lệ tuyển sinh sau đó giảm dần, từ năm học 2021 - 2022 đến nay tỷ lệ chung toàn tỉnh là 80% và sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình năm học 2024 - 2025 là 75%, năm học 2025 - 2026 là 70%.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, với tỷ lệ này, nếu tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển là không công bằng đối với HS giữa các trường THCS với nhau.
Hơn nữa, xét tuyển dựa trên kết quả xét học bạ của 4 năm học cấp THCS nên mức độ tin cậy đối với kết quả đánh giá, xếp loại HS không cao do không tránh khỏi việc giáo viên, nhà trường luôn mong muốn cho HS của mình có kết quả cao để được vào học lớp 10 THPT công lập.
Từ đó không đảm bảo được khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại HS trong nhà trường và giữa các trường với nhau, làm cho HS thiếu động lực học tập.
Với quan điểm ủng hộ phương án thi tuyển thay vì xét tuyển, thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) cho rằng thi lớp 10 buộc học trò phải học, thầy cô phải dạy, gia đình phải quan tâm hơn và sẽ mang lại công bằng cũng như chất lượng hơn.
Hiệu trưởng một trường THCS cũng thừa nhận, xét tuyển vào lớp 10 bộc lộ nhiều hạn chế, như làm giảm ý chí học tập của HS; không tránh khỏi câu chuyện “làm đẹp” học bạ để giúp HS trường mình tăng cơ hội vào lớp 10.
Trước đây khi chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại tình trạng tương tự. Lúc đó, nhiều người cho rằng sau vài năm xét tuyển sẽ thay đổi, trở lại thi tuyển để tránh câu chuyện này.
Chất lượng thấp
Chứng minh cho nhận định “kết quả học tập của HS chưa phản ánh đúng thực chất về chất lượng giáo dục”, ông Thái Viết Tường dẫn ra thống kê đánh giá kết quả học tập cuối năm học của cấp THCS ở các địa phương trên toàn tỉnh.
Như năm học 2022 - 2023, tỷ lệ HS lớp 9 xếp loại học tập khá, giỏi của huyện Thăng Bình là 83,6%, Đại Lộc là 81,9% trong khi Tam Kỳ chỉ đạt 73,7%, xếp thứ 8/18 cả tỉnh.
Cạnh đó, đầu mỗi năm học nhiều trường THPT khảo sát chất lượng HS lớp 10 để có kế hoạch, giải pháp dạy học phù hợp. Kết quả khảo sát đầu năm học 2023 - 2024 so với kết quả học tập năm học lớp 9 của một số trường THPT cho thấy, tỷ lệ điểm khá (6,5 điểm) trở lên của môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ở năm lớp 9 cao hơn rất đáng kể so với điểm khảo sát; ngược lại tỷ lệ điểm dưới trung bình (5,0 điểm) ở năm lớp 9 ít hơn rất nhiều so với điểm khảo sát.
“Chất lượng đầu vào lớp 10 chưa đảm bảo, cùng với đó là những hạn chế, bất cập nên việc thay đổi phương thức xét tuyển như hiện nay hết sức cần thiết, là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh” - ông Tường nhấn mạnh.
Một lý do quan trọng khác, theo ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT, hiện trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước có đến 44 tỉnh tổ chức thi tuyển, 11 tỉnh chọn phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển, chỉ có 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển, trong đó có Quảng Nam (gồm Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng).
Điều đáng nói, 5 trong số 8 tỉnh tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp thấp hơn so với điểm trung bình chung của cả nước, trong đó có Quảng Nam. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Quảng Nam cũng luôn thấp hơn mức bình quân của cả nước.
THI TUYỂN KẾT HỢP XÉT TUYỂN
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường lý giải do Quảng Nam chọn phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, các môn thi, đăng ký nguyện vọng, cách xét điểm trúng tuyển…
Chuẩn bị công phu
Thật ra câu chuyện thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 được liên tục đề cập từ vài năm qua tại hội nghị triển khai phương hướng năm học mới, trong đó hầu hết ý kiến đề nghị cần chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển.
Theo thầy Huỳnh Ngọc Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), chất lượng bậc THPT hiện nay của tỉnh thấp so với mặt bằng chung cả nước do không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10.
“Nhiều năm trước đây, tỷ lệ tuyển sinh 95% rồi giảm xuống 90% nên xét tuyển là hợp lý vì tỷ lệ không trúng tuyển vào lớp 10 rất ít. Nhưng hiện nay tỷ lệ tuyển sinh 80% nên cần thiết phải tổ chức thi tuyển để chọn lựa HS.
Hơn nữa, nhiều em đến lớp 8, lớp 9 mới học giỏi nhưng xét cả 4 năm học sẽ không công bằng. Đó là chưa nói có tình trạng đánh giá không đúng thực chất chất lượng giữa các trường THCS” - thầy Phúc phân tích.
Theo Sở GD-ĐT, năm 2020 đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến phụ huynh HS về tuyển sinh lớp 10 với 60% lựa chọn phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, 40% lựa chọn phương thức thi tuyển và sau đó có tờ trình UBND tỉnh xem xét thay đổi phương thức tuyển sinh từ xét tuyển sang kết hợp thi tuyển với xét tuyển năm học 2021 - 2022.
Năm nay, một lần nữa sở xây dựng phương án tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2024 - 2025 và lấy ý kiến góp ý từ UBND các huyện, thị xã, thành phố và các trường THPT. Đồng thời, tổ chức hội nghị chuyên đề tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ hiệu trưởng các trường THPT và trưởng phòng GD-ĐT của 18 huyện, thị xã, thành phố.
Sở GD-ĐT cho biết, có tổng cộng 51 cơ quan, đơn vị (18 UBND huyện, thị xã, thành phố và 33 trường THPT) có ý kiến góp ý bằng văn bản và 9 ý kiến phát biểu tại hội nghị. Theo đó, 100% cơ quan, đơn vị, cá nhân thống nhất thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển như hiện nay sang thi tuyển.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất bổ sung lấy kết quả rèn luyện và học tập của HS trong 4 năm học ở THCS để tính vào điểm xét trúng tuyển cùng với điểm của các môn thi.
Giải thích vì sao số lượng địa phương trên cả nước tổ chức thi tuyển chiếm đa số (44/63) nhưng Quảng Nam lại chọn phương thức thi tuyển kết hợp với xét kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng, phương thức này sẽ khắc phục tình trạng học lệch, sự may rủi khi thi; đồng thời tạo động lực cho HS học tập và đánh giá toàn diện quá trình học tập của học trò.
Ông Tường nói, quá trình chuẩn bị của sở khá công phu, kỹ càng, lấy được ý kiến từ nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân và hầu hết đều đồng thuận với phương án.
Thi tuyển 3 môn
Theo dự thảo, phương thức tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2024 - 2025 là thi tuyển với 3 môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, kết hợp với đánh giá kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS của HS.
Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi và điểm kết quả học tập, hạnh kiểm 4 năm học THCS; trong đó điểm kết quả học tập và hạnh kiểm chiếm từ 20% đến 25% của tổng điểm xét trúng tuyển.
Một điểm đáng chú ý, mỗi HS được đăng ký 2 nguyện vọng (NV) dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau. Trong đó, NV1 (bắt buộc) đăng ký dự tuyển vào một trường THPT theo quy định về phân tuyến tuyển sinh.
NV2 (không bắt buộc) có hai cách thức đăng ký; sau khi có kết quả tuyển sinh, HS không trúng tuyển được đăng ký dự tuyển vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh còn chỉ tiêu (HS đã trúng tuyển NV1 thì không được đăng ký NV2).
Hoặc NV2 được đăng ký đồng thời với NV1, xếp theo thứ tự ưu tiên. HS không trúng tuyển NV1 được xét NV2 đồng thời cùng với xét NV1 của HS đăng ký cùng trường, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường.
Theo ông Tường, việc được đăng ký 2 NV nhằm khắc phục bất cập là những HS có kết quả học tập tốt nếu không trúng tuyển vào trường theo phân tuyến tuyển sinh vẫn còn cơ hội để vào trường THPT khác.
Đồng thời, tránh tình trạng trường quá nhiều HS đăng ký, trường quá ít dẫn đến thừa giáo viên, phòng học, gây lãng phí nguồn lực như trường hợp của Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình), Lương Thế Vinh (Điện Bàn).
Nói về áp lực khi tổ chức thi tuyển, người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh thừa nhận sẽ có áp lực đối với HS nhưng đây cũng là động lực để các em cố gắng học tập đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là mục tiêu mà phương án tuyển sinh hướng đến.
NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Cuối tuần qua nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức họp phụ huynh học sinh cũng như phát phiếu khảo sát để lấy ý kiến về phương án tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt. Phụ huynh có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh vấn đề này.
Ba phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt được Sở GD-ĐT đưa ra là: thi tuyển, kết hợp với đánh giá kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) và học tập (học lực) của học sinh trong 4 năm học ở THCS (phương án 1); chỉ thi tuyển (phương án 2); chỉ xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong 4 năm học ở THCS (phương án 3). Cách lấy phiếu khảo sát là phụ huynh học sinh chỉ được chọn 1 trong 3 phương án nêu trên.
Nhiều phụ huynh học sinh chọn phương án 3 (phương án xét tuyển) lý giải: Phương án này giảm áp lực cho học sinh và cả giáo viên, vì chương trình học hiện nay đã quá nặng. Cùng với đó là tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, giảm dạy thêm học thêm, từ đó giảm chi phí của phụ huynh.
Một phụ huynh ở Tam Kỳ nêu: “Ngành GD-ĐT dự kiến kinh phí tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 khoảng 5,8 tỷ đồng, nhưng chi phí thực sự của phụ huynh và xã hội dành cho kỳ tuyển sinh này là rất lớn. Vì khi đã tổ chức thi, thì phụ huynh, học sinh phải đầu tư tiền bạc, công sức cho con em mình học thêm”.
Cũng ủng hộ phương án 3, một phụ huynh cho rằng: Quảng Nam có 2 trường THPT chuyên, các em đủ điều kiện và nguyện vọng vào trường chuyên thì đã thi tuyển, còn lại nên áp dụng phương thức xét tuyển để giảm áp lực thi cử, dành thời gian cho học sinh tham gia các hoạt động khác.
Một phụ huynh khác băn khoăn: theo phương án 1, thì 25% học sinh rớt lớp 10 năm học 2024 - 2025 và năm học tiếp theo là 30%. Số học sinh này sẽ đi đâu, làm gì, học gì, vì học sinh độ tuổi lớp 9 còn quá nhỏ để học nghề và không phải ai cũng có điều kiện để theo học trường tư thục ở bậc THPT.
Một phụ huynh nêu lý do chọn phương án 1: phương án này sẽ đánh giá chất lượng cụ thể qua thi tuyển, đồng thời đánh giá, ghi nhận được sự phấn đấu, nỗ lực của học sinh trong suốt 4 năm học ở bậc THCS. Nếu chỉ thi tuyển thì sẽ gây áp lực lớn trong kỳ thi; nếu xét tuyển thì dễ có tình trạng “làm đẹp” học bạ, kết quả học tập không thực chất.
Phụ huynh em Phan Tùng Lâm (học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du) nêu ý kiến, nếu Quảng Nam chọn phương án 1, đề nghị không áp dụng trong năm học 2024 - 2025 mà phải có lộ trình thực hiện.
Có thể thì lùi thời gian thực hiện, ví dụ có thể áp dụng vào năm học 2025 - 2026 để phụ huynh, học sinh, giáo viên và ngành GD-ĐT có sự chuẩn bị chu đáo. Hơn nữa, từ năm học 2025 - 2026 thì bậc THCS sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến lớp 9, như vậy việc triển khai phương án 1 sẽ thuận lợi hơn, nhất là đối với những học sinh chẳng may không đỗ vào lớp 10.
Nên thực hiện phương án mới từ năm học 2025 - 2026
Qua nghiên cứu và tổng hợp kiến góp ý trong hệ thống Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá, dự thảo “Phương án tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt” của Sở GD-ĐT được chuẩn bị cẩn thận, có đầy đủ những căn cứ pháp lý và tính thực tiễn.
Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất cao với đề án của Sở GD-ĐT, trong đó nêu việc chuyển từ hình thức xét tuyển như lâu nay bằng hình thức vừa thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Đặc biệt, Mặt trận tỉnh rất ủng hộ hình thức thi tuyển cộng và kết hợp với đánh giá rèn luyện học tập và hạnh kiểm của học sinh THCS trong 4 năm học.
Ưu điểm thứ hai là phương thức thi tuyển, xét tuyển theo 2 nguyện vọng. Nguyện vọng 1 theo tuyến, nguyện vọng 2 không theo tuyến. Điều này rất hợp lý, sẽ tạo điều kiện cho những em không trúng nguyện vọng 1, nghĩa là ở địa phương - trường này có thể thi tuyển, xét tuyển vào trường khác còn chỉ tiêu. Việc này sẽ tạo điều kiện cho những em không đậu những trường đúng tuyến thì có khả năng được đậu vào trường khác.
Mặt trận tỉnh đề nghị nên thực hiện phương án mới từ năm học 2025 - 2026 nhằm có sự chuẩn bị để chuyển từ phương thức cũ sang phương thức mới. Nếu áp dụng từ năm học 2024 - 2025 thì hơi gấp, có thể chưa tạo được sự đồng thuận cao trong phụ huynh, học sinh.
Thi tuyển để đảm bảo khách quan, công bằng
Góp ý phương án tuyển sinh lớp 10, Hội LHPN Quảng Nam cơ bản thống nhất theo dự thảo, đồng thời tham gia góp ý một số nội dung cụ thể. Về phương thức tuyển sinh, nên chỉ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT (không xét thêm điểm đánh giá kết quả học tập và rèn luyện 4 năm học THCS) để đảm bảo tính khách quan, công bằng, khuyến khích học sinh học tập, góp phần nâng cao chất lượng trong tuyển sinh lớp 10, tránh được những hạn chế trong thực hiện phương thức xét tuyển.
Bên cạnh đó, khi triển khai hình thức thi tuyển vào lớp 10 nên bổ sung thêm 2 môn thi (1 môn khoa học tự nhiên và 1 môn khoa học xã hội) bên cạnh thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tránh học sinh học lệch.
Nếu thực hiện phương thức tuyển sinh như dự thảo phương án “Thi tuyển (theo phân tuyến) kết hợp đánh giá kết quả rèn luyện (hạnh kiểm) và học tập (học lực) trong 4 năm học ở cấp THCS của học sinh”, thì nên quy định cụ thể về cách thức tính điểm cả về thi tuyển và đánh giá kết quả rèn luyện, học tập, quy định chung trong 1 văn bản để dễ theo dõi và triển khai thực hiện.
TÂM ĐAN (ghi)