Nhu cầu nhiều, lực lượng đông, nhưng để tổ chức các sân chơi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho thế hệ thanh niên thuộc nhiều đối tượng khác nhau lại là một câu chuyện khó...
Hội thi câu lạc bộ, đội, nhóm nhảy đẹp năm 2018 do Hội LHTN tỉnh tổ chức. Ảnh: T.N |
Âm nhạc đường phố
Tối thứ Bảy của tuần cuối tháng 9, khá đông người dân tập trung tại Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ bởi một hoạt động khá thú vị của các bạn trẻ với mô hình “sân khấu mở”. Hệ thống âm thanh được tối giản. Khán giả xếp thành hình vòng cung ôm trọn sân khấu. Sau mỗi tiết mục, từ đơn ca, tốp ca, nhảy hay biểu diễn nhạc cụ, những tiếng vỗ tay từ đủ mọi thành phần khán giả lại vang lên. Trần Anh Tín, một trong những thành viên tham gia tổ chức đêm nhạc chia sẻ, một sân chơi thiên về âm nhạc nghệ thuật như thế này là điều mà thanh niên lúc nào cũng thấy cần thiết. Được gọi tên bằng “âm nhạc đường phố”, để thể hiện đúng tinh thần của nó - rộng mở cho tất cả thanh thiếu niên sân chơi này không chỉ là nơi tập hợp những đam mê về âm nhạc, nghệ thuật, mà còn để các bạn thỏa mãn với sở thích của mình, vừa là một hoạt động góp thêm phần sôi động cho TP.Tam Kỳ về đêm.
Anh Võ Thanh Cung - Bí thư Thành đoàn TP.Tam Kỳ cho biết, hoạt động “âm nhạc đường phố” là một sân chơi khá ấn tượng dành cho thanh niên trên địa bàn và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các bạn trẻ. “Sân chơi này dành cho các câu lạc bộ đội nhóm của TP. Tam Kỳ tham gia và tạo được hiệu ứng rất lớn từ cộng đồng. Trước đây chúng tôi dự tính mỗi tháng tổ chức một đêm giao lưu, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên hiện tại cố gắng thực hiện ít nhất mỗi quý một lần” - anh Cung chia sẻ. Không gian sân khấu mở của chương trình tập hợp được nhiều đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên, từ các bạn học sinh THCS, THPT, đến sinh viên các trường cao đẳng, đại học cũng như thanh niên đã đi làm. Hiện tại chỉ riêng TP.Tam Kỳ đã có đến hơn 100 câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau với hơn 13 nghìn hội viên, nên việc tạo những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho người trẻ ở thành phố này luôn là câu chuyện được quan tâm hàng đầu.
Mới đây, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức hội thi các câu lạc bộ đội nhóm nghệ thuật xứ Quảng thu hút sự tham gia của 12 huyện, thành phố cũng như thanh niên từ các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn tỉnh. Sự hào hứng và lôi cuốn của hội thi được thể hiện qua 24 tiết mục tham gia được các đơn vị dự thi đầu tư dàn dựng công phu.
Thiếu nguồn lực
Anh Nguyễn Thành Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, việc mở ra sân chơi cho thanh niên vẫn được tổ chức thường xuyên hàng năm, nhưng mỗi năm bằng những hoạt động khác nhau. Tuy hình thức khác nhau, nhưng cốt yếu vẫn là để tạo nên sân chơi tập hợp thanh niên và có không gian để các bạn thể hiện đam mê, tài năng của mình. Theo anh Tuấn, dù các hoạt động sân chơi là văn hóa văn nghệ nhưng từ địa phương miền núi đến đồng bằng đều tích cực tham gia.
Tuy nhiên, dù tận dụng các thiết chế văn hóa sẵn có, từ sân vận động, nhà văn hóa các phường, xã... nhưng việc tập hợp thanh niên cũng như tạo nguồn kinh phí để tổ chức các sân chơi quy mô dành cho thanh niên vẫn là điều khó. Theo anh Võ Thanh Cung, việc tiếp cận với các doanh nghiệp để tạo cơ hội cho thanh niên công nhân hưởng ứng tham gia hoạt động bên ngoài rất khó. Cho nên, với lực lượng này, Thành đoàn tổ chức hoạt động theo từng cụm nhóm theo chỗ ở trọ của các bạn. “Trong năm 2018, Thành đoàn Tam Kỳ bằng hình thức xã hội hóa cũng đã vận động gói hỗ trợ trang phục cưới, chụp ảnh cưới cho 20 cặp thanh niên công nhân với tổng mức gần 100 triệu đồng. Các ngày kỷ niệm chúng tôi đều tạo điều kiện để tổ chức những sân chơi cho các bạn” - anh Võ Thành Cung nói.
Một số cán bộ đoàn ở địa phương chia sẻ, nhiều nơi thanh niên không mặn mà tham gia tổ chức đoàn thể. Do đó, để tạo được sân chơi lành mạnh thu hút thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, đòi hỏi các cấp bộ đoàn phải đổi mới, tìm hiểu và xây dựng đúng môi trường các bạn yêu thích. Khó khăn này cũng đã được Hội LHTN Việt Nam tỉnh nhìn thấy, bởi ở các hội thi, hội thao, anh Nguyễn Thành Tuấn nói, lực lượng tham gia đông nhưng lực lượng cổ vũ ít.
Nguồn lực để tổ chức hoạt động cho thanh niên thiếu. Trong khi chủ trương chung là tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động, nhưng kèm theo đó yêu cầu chủ động xã hội hóa nguồn kinh phí. Nhưng việc kêu gọi kinh phí không phải là điều dễ dàng, cho nên tạo sân chơi để tập hợp thanh niên vẫn còn gặp khó.
XUÂN HIỀN