Quảng Nam đã ban hành chương trình đầu tư phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, gắn bảo vệ rừng với sinh kế của người dân.
Cho phép khai thác quả chín rụng
Muốn chặn đứng nguy cơ xâm hại vùng lõi ở các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, cần phải có cơ chế bảo vệ hiệu quả vùng đệm, bởi đây là ranh giới cộng đồng dân cư sinh sống, dễ tác động vào rừng tự nhiên nhất. Thực tế ở miền núi, địa phương nào đa dạng các mô hình sinh kế ở vùng đệm, thì ít bị đe dọa hệ sinh thái trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Ở các khu rừng đặc dụng, lâu nay người dân hầu như không được hưởng lợi gì bởi Nhà nước nghiêm cấm khai thác dưới mọi hình thức. Tuy vậy, theo Sở NN&PTNT, theo quy định mới nhất của UBND tỉnh, đối với một số loài cây như ươi, trám…, sẽ xem xét cho phép người dân khai thác quả đã rụng dưới tán rừng nhưng phải có sự kiểm soát của chủ rừng và xác nhận của cơ quan kiểm lâm.
Đồng thời, xây dựng cơ chế đồng quản lý và hưởng lợi của cộng đồng vùng đệm, thí điểm thực hiện các hoạt động đặc thù gắn bảo vệ rừng đặc dụng với phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm như: khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có kiểm soát, không tác động làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng đặc dụng…
Thời gian qua, nhiều địa phương miền núi phát triển mạnh lâm sản ngoài gỗ, vùng đệm trồng xen canh và đầu tư nhiều mô hình lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Điển hình, mô hình trồng và chế biến chè dây của HTX xã Tư (Đông Giang); mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại xã A Ting, Mà Cooih (Đông Giang); các xã Cà Dy, Tà Bhing (Nam Giang), hay nấm lim chi tại huyện Núi Thành.
Theo chương trình đầu tư phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, thì Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ và giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển mô hình trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu chủ lực khác như trồng ba kích, đảng sâm tại các huyện Phước Sơn, Tây Giang… theo Nghị quyết số 09, ngày 21.4.2022 của HĐND tỉnh.
Thêm vào đó, thực hiện cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái theo tinh thần Nghị quyết số 42, ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, ở khu vực vùng đệm cần phát triển rừng theo hướng chuyển đổi từ trồng keo chu kỳ ngắn (4 - 5 năm) sang trồng rừng gỗ lớn (8 - 10 năm) theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và hỗ trợ xây dựng các mô hình cây bản địa đa mục tiêu như rừng lim xanh, giổi, ươi, trám…, gắn với phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Mỗi xã tối thiểu 1 mô hình sinh kế
Theo Sở NN&PTNT, chăn nuôi là hoạt động sinh kế có lợi thế của vùng đệm nhưng lĩnh vực này có xu hướng giảm xuống ở một số nơi, do vốn đầu tư thấp, công tác thú y và vệ sinh môi trường hạn chế, tập quán chăn nuôi thả rông gây ảnh hưởng môi trường, cây trồng.
Tại các địa phương miền núi, khó khăn chung là thiếu các nhà đầu tư là doanh nghiệp, HTX đầu tư mô hình chăn nuôi tập trung. Vì vậy, cần bố trí quỹ đất để phát triển chăn nuôi quy mô trang trại theo quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi để phát triển các loài gia súc như bò, dê… theo hướng tập trung; tận dụng lợi thế môi trường rừng để nuôi ong, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số huyện miền núi đang thử nghiệm các mô hình gây nuôi các loài động vật hoang dã hợp pháp như heo rừng, nhím, dúi, cầy vòi hương…
Hiện nay, nhiều xã vùng cao ở Nam Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, kể cả các huyện trung du… tận dụng lòng hồ thủy điện, thủy lợi, sông suối đầu tư phát triển mạnh các mô hình nuôi cá lồng bè (cá thác lác, cá lăng, cá trắm đen…) đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, muốn bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng đệm và các giá trị bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng lõi, ngoài các giải pháp quản lý bảo vệ rừng đồng bộ, hiệu quả thì hiện nay cần tối thiểu 1 mô hình, dự án phát triển sinh kế cho mỗi xã tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Đến năm 2025, mỗi xã, ban quản lý rừng phòng hộ phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 mô hình, dự án sinh kế bền vững.