Tôi vào internet để tìm kiếm vài thông tin về du lịch, tình cờ xem được một video rất thú vị, giới thiệu về Bhutan - quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới. Hình ảnh trong video, thật ngạc nhiên, không phải những con đường thênh thang với các phương tiện giao thông hiện đại mà là những khúc ngoằn ngoèo đất đá với đôi bàn chân trần; không thấy phố xá đông đúc, bủa vây bởi phương tiện thời công nghệ mà chỉ có những công trình kiến trúc cổ kính, con người đang sống rất chậm, say sưa trong những lễ hội đầy sắc màu. Và Bhutan là quốc gia mà Phật giáo Kim Cương Thừa có ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, nên người dân được giới thiệu là cộng đồng tôn sùng đức tin, ít quan tâm đến vật chất mà luôn đề cao giá trị tinh thần, mỗi ngày trôi qua đã là niềm vui với họ nên dễ bắt gặp nụ cười. Thú vị nhất là hình ảnh về trẻ em, hồn nhiên học và đá bóng trên những trảng đất nhỏ ẩn mình trong mây bên dãy Himalaya...
Tôi đã tìm thấy một điều gì đó, đúng hơn là cảm giác gì đó tương tự mà mình vừa trải qua sau kỳ nghỉ Tết Độc lập ở một vùng quê biển thanh bình. Ở đây kỳ nghỉ lễ nào cũng đông vui, và hình như luôn có điều gì đó mới mẻ dù với người đã cũ. Như dịp lễ 2.9 này, cả một con đường quê nơi tôi ở sáng tưng bừng lên, nhiều người í ới đem ghế ra sân hóng mát, chuyện trò giống như thời chưa có điện. Câu chuyện về ăn Tết Độc lập vẫn xôn xao dù nhiều người ở đây không được nghỉ một ngày nào. Rồi người ta nói về nghề biển đầy bất ngờ nên cuộc sống quê biển luôn sinh động, những mùa những ngày hay từng con nước trôi đi, cứ theo biển mà chờ đợi vui buồn; như tôi đã thấy rất nhiều nụ cười của ngư dân bên con sóng vào mỗi buổi sớm mai. Tôi cũng tìm thấy ở đây niềm lạc quan của những con người đã trải qua sóng gió cuộc đời, chọn quê là nơi chốn tìm về. Dịp lễ, tôi còn được chia sẻ cảm xúc tự hào với người dân quê về những chàng trai trẻ của đội tuyển bóng đá Việt Nam, dù họ đã để tụt mất huy chương nhưng vẫn xứng đáng là những người gieo niềm tin chiến thắng ở tương lai...
Năm ngoái, báo chí đăng tải, theo khảo sát của tổ chức New Economics (Anh), năm 2016 Việt Nam xếp thứ 5 trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhiều người đã không tin. Thậm chí trên mạng, dư luận hình thành làn sóng cho rằng, đó là “hư danh”, là kiểu chạy theo những chỉ tiêu, chỉ số phi thực tế. Đời sống của nhiều người dân vẫn còn khó khăn, chưa đủ ăn đủ mặc thì hạnh phúc nỗi gì. Hạnh phúc quá trừu tượng, có thể đo đếm được sao... Đó là dư luận, không hẳn đúng hay sai, nhưng cũng là khía cạnh để nhận định nhiều người vẫn chưa tìm thấy hạnh phúc cho mình, hoặc không nhìn thấy hạnh phúc của những người xung quanh. Và người ta có thể không tin hạnh phúc ở tầm quốc gia, nhưng hẳn đã có những tiêu chí hạnh phúc cho riêng mình, như sự thành đạt, sức khỏe dồi dào, cuộc sống đủ đầy chẳng hạn. Hay đơn giản như tôi, đã bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc từ mảnh đất quê thanh bình!
C.B.L