Năm 2015 dù lượng khách đến Quảng Nam tăng trưởng 4,6% nhưng một số thị trường khách truyền thống Tây Âu đang có dấu hiệu sụt giảm. Xác định lại thị trường khách đã và đang được ngành du lịch chú trọng nhằm mang đến sự đa dạng nguồn khách, nhất là với các thị trường gần như Đông Bắc Á và Đông Nam Á…
Mục tiêu của du lịch Quảng Nam là tiếp tục giữ vững thị trường khách truyền thống Tây Âu. Ảnh: V.LỘC |
Xác định thị trường mục tiêu
Theo thống kê từ sở VH-TT&DL, trong số 3,85 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Nam năm 2015 bên cạnh lượng khách nội địa chiếm khoảng 50% thì thị trường khách nước ngoài chủ yếu vẫn là Tây Âu (46%), Úc (17%), Đông Bắc Á (10%), Bắc Mỹ (8%) còn lại là khách những thị trường nhỏ lẻ khác. Sở dĩ khách Tây Âu, Úc chiếm số lượng lớn vì sản phẩm du lịch Quảng Nam chủ yếu là văn hóa, sinh thái nên phù hợp với thị trường khách này. Trong đó, phố cổ Hội An vẫn là điểm đến hấp dẫn và liên tục được các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới bình chọn. Nổi bật, có thể kể đến các danh hiệu như top 10 thị trấn đẹp nhất thế giới; Đêm phố cổ Hội An là một trong 25 trải nghiệm tuyệt vời nhất thế giới; xếp thứ 4 trong 23 điểm du lịch phải đến trong đời, đạt giải thưởng du lịch Wanderlust 2015; là một trong 10 điểm có khách sạn tốt nhất thế giới; một trong 20 địa điểm thú vị để tận hưởng thế giới về đêm… Đặc biệt, từ tháng 7.2015, Việt Nam chính thức miễn thị thực cho các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia một năm và Belarus 5 năm đã góp phần giúp lượng khách các thị trường này dễ dàng đến Việt Nam cũng như Quảng Nam ổn định hơn.
Tuy vậy, với những biến động gần đây ở một số nước châu Âu như suy giảm kinh tế, tình trạng khủng bố, khủng hoảng di cư… cùng nhiều yếu tố khách quan khác đã ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình du lịch của người dân, dẫn đến sự bão hòa và sụt giảm khách du lịch tại Quảng Nam. Thực tế cho thấy, nếu như giai đoạn 1997-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về lượt khách đạt 20%, thì đến giai đoạn 2010 – 2015 chỉ số này giảm xuống còn 10%. Riêng hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng về lượt khách chậm lại rõ rệt (năm 2014/2013 tăng 7,1%, năm 2015/2014 tăng 4,6%). Điều này đã đặt ra cho ngành du lịch tỉnh cũng như các địa phương nhiều thách thức, nhất là trong việc xây dựng lại chiến lược quảng bá và xác định những thị trường trọng điểm hướng đến sự phát triển bền vững. Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù lượng khách đang có dấu hiệu chững lại nhưng nhìn chung vẫn chưa đến mức nghiêm trọng vì sản phẩm du lịch chính của Quảng Nam là văn hóa và nghỉ dưỡng biển nên vẫn có những lợi thế nhất định. Do đó, bên cạnh tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống thì mục tiêu sắp tới sẽ xác định thêm các thị trường tiềm năng và trọng điểm để tăng cường quảng bá giới thiệu thu hút khách. “Bên cạnh thị trường truyền thống Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ thì sẽ hướng đến thị trường gần là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, kể cả thị trường khách nội địa. Trong đó, Đông Nam Á với Singapore và Malaysia được xem là một trong những thị trường mục tiêu quan trọng của du lịch Quảng Nam năm 2016” - ông Hài cho biết.
Tăng cường quảng bá
Thực tế, thời gian qua việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách châu Âu bên cạnh mặt tích cực cũng bộc lộ những hạn chế nhất định do hầu hết dịch vụ chỉ hướng về đối tượng khách này. Trong khi một số thị trường khách mới nổi như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan… khả năng đáp ứng dịch vụ vẫn chưa được chú trọng, nhất là nguồn lực lao động. Điều này đã dẫn đến mất cân xứng trong phân khúc thị trường khách, nhất là tại phố cổ Hội An, nơi được cho là chỉ phù hợp với khách châu Âu. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, du lịch Quảng Nam cần có những thay đổi trong việc xác định lại thị trường khách mục tiêu, trọng điểm hoặc tiềm năng để triển khai các giải pháp, quảng bá, xúc tiến phù hợp. Đặc biệt, cần làm mới sản phẩm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương xứng giúp doanh nghiệp khỏi lúng túng khi Việt Nam mở cửa hội nhập với bên ngoài, gần nhất là thị trường Đông Nam Á khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập.
Theo ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, việc xác định thị trường mục tiêu là nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch để từ đó có chương trình quảng bá, xúc tiến phù hợp. Rõ nét nhất những năm qua là công tác phối hợp giữa 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch ra bên ngoài đã được triển khai khá hiệu quả. Riêng năm 2016 cả 3 địa phương đã thống nhất xây dựng kế hoạch quảng bá cho các thị trường mục tiêu tại Nhật Bản, Singapore, Malaysia và nhất là tại CHLB Đức khi cùng tham gia hội chợ ITB Berlin 2016 (được xem là hội chợ du lịch lớn nhất thế giới quy tụ nhiều nước châu Âu tham gia) kết hợp chương trình roadshow giới thiệu du lịch 3 địa phương tại CHLB Đức, hiệu quả lan tỏa từ hội chợ này hứa hẹn sẽ rất cao, giúp du lịch 3 tỉnh trong đó có Quảng Nam cơ hội tiếp cận thêm nguồn khách từ các nước châu Âu. Ngoài ra, 3 địa phương cũng phối hợp quảng bá thúc đẩy thị trường khách nội địa tại các hội chợ như VITM Hà Nội 2016; Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.HCM. Đồng thời hợp tác mở rộng liên kết với TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Cần Thơ (những địa phương có chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng và Chu Lai) nhằm thu hút thêm nguồn khách nội địa đến Quảng Nam.
Có thể nhận thấy, trong tình hình hiện nay để duy trì phát triển ổn định ngoài các yếu tố sản phẩm du lịch, môi trường tự nhiên, xã hội thì sự đa dạng thị trường khách đóng vai trò quan trọng nhằm tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, từng bước hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.
VĨNH LỘC