Các bà mẹ khi lựa chọn thực phẩm tươi sống cho con thường chọn tiêu chí “thức ăn từ đồng ruộng, nhà quê” để được đảm bảo đồ ăn không bị nhiễm quá nhiều hóa chất từ thuốc trừ sâu, bột công nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hải Lý (khu phố 4, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) sáng nào cũng đi chợ sớm, tranh thủ mua thực phẩm từ những người bán tự trồng. Chị Lý nói: “Lươn, ếch, cá lóc… được bắt từ đồng ruộng, rất ít nên phải tranh thủ đi sớm mua. Chịu khó nhưng có đồ ăn ngon, chất lượng cho con”. Theo các bà mẹ, thịt của cá, ếch, lươn đồng khi chế biến thường thơm, thịt dai hơn nhiều so với thực phẩm cùng loại nhưng được nuôi để bán đại trà. “Mỗi lần ở quê xuống, tôi chỉ cần nhờ hàng xóm đêm trước đó đi rọi, soi bắt ít thực phẩm ngoài đồng là con dâu mừng rối rít. Nó bảo chỉ cần thế thôi là quý lắm, ở thành phố không thiếu thứ gì nhưng để mua được những loại thực phẩm như thế khó vô cùng”- bà Nguyễn Thị Thọ (xã Tiên An, huyện Tiên Phước), kể chuyện.
“Mỗi lần nghe có người thân chuẩn bị đi Đà Nẵng, mình thường dặn mua ếch, lươn, cá lóc, trứng gà… đem ra. Chỉ cần chế biến sơ, chia từng phần nhỏ đủ cho một bữa ăn rồi bỏ vào ngăn đông là đủ dùng vài tuần cho con. Chờ có dịp lại nhờ mua gửi ra tiếp”- chị Nguyễn Thị Kim Phượng đang làm việc tại Đà Nẵng, quê ở xã Quế Thọ (Quế Sơn), chia sẻ kinh nghiệm chọn lựa thực phẩm. Lợi dụng tâm lý thích ăn đồ “nhà quê” nên không ít người bán hàng nâng giá. Tại các gian hàng ếch, lươn, cá lóc… chợ Trung tâm Thương mại TP.Tam Kỳ, các chị bán hàng gần như lúc nào cũng khẳng định “đồ bắt từ đồng”. Tuy nhiên, những người tỉnh táo, có nhiều kinh nghiệm thường nhìn vào là biết lời quảng cáo của các chị bán hàng có đúng hay không. “Thời buổi bây giờ, thanh niên trai tráng đi làm ăn xa hết, đồng ruộng cũng đâu có nhiều để bắt được số lượng lớn như vậy. Những người bán hàng thiếu trung thực thường hô như vậy để bán được giá và lừa đảo người tiêu dùng”- cô Nguyễn Thị Thanh, bán đồ tươi sống chợ phía sau siêu thị Co.opMart, nói. Bởi, nếu lươn ếch nuôi chỉ có giá 150.000 đồng/kg thì lươn đồng có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, thịt bò bán tại các chợ của TP.Tam Kỳ chỉ có giá 250.000 đồng/kg nhưng tại một số huyện như Tiên Phước, Trà My, vùng ven TP.Tam Kỳ lại có giá 280.000 đồng/kg.
“Nhiều người sẵn sàng bỏ thêm vài chục nghìn để mua đúng thực phẩm đồng, sạch cho con. Tại TP.Tam Kỳ, Vĩnh Điện (Điện Bàn)… tôi cũng có khá nhiều khách hàng tuần hai lần nhờ đóng thùng gửi vào nào là cà rốt, khoai tây, lơ xanh… có nguồn gốc Dalat GAP hay rau mồng tơi, dền đỏ… của làng rau Trà Quế (TP. Hội An). Giá rau mắc hơn, tốn tiền vận chuyển…nhưng nhiều khách hàng vẫn kiên quyết duy trì hơn một năm nay”- chị Hoàng Hạnh (cửa hàng rau sạch Dalat GAP, TP.Đà Nẵng), chia sẻ. Được biết, hiện nay của hàng của chị Hạnh đang kinh doanh thêm nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Úc, Mỹ như cherry, kiwi, táo… và được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, sẵn sàng mua cho con dù giá của các loại trái cây nhập khẩu này không hề rẻ.
Các trang mạng dành cho các bà mẹ nuôi con nhỏ khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đang bàn tán và rủ nhau mua chanh đào để trị ho cho con. Chanh đào vốn được trồng nhiều tại miền Bắc, ngâm với đường phèn và mật ong có tác dụng chữa ho rất tốt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá một ký chanh đào tại Hà Nội chưa tới 30.000 đồng/kg nhưng khi vào miền Trung đã cao gấp 3 lần nhưng vẫn được nhiều người đặt mua. “Mình và đứa bạn vừa dặn 4kg chanh đào, người ta mang đến tận nhà. Thời buổi này, vì con nhiều người không tiếc công, tiếc của để mang đến điều tốt nhất cho con”- Nguyễn Bùi Hoàng Nhi (nhân viên Công ty xi măng Top - Cement tại Quảng Nam) chia sẻ.
CHIÊU THỤC ANH