Tôi không biết các bạn trẻ bây giờ đọc sách theo kiểu vẫn đang nhìn trăng qua kẽ, hay đã đủ nội lực để lên đài bát ngát thưởng trăng. Nhưng nhìn cảnh nhộn nhịp ở các hội chợ sách, thấy trỗi dậy niềm đam mê và thêm chút tin yêu rằng văn hóa đọc đang dần quay trở lại.
Độc giả trẻ hiện diện ở đường sách Nguyễn Văn Bình. ảnh: C.T |
Học giả Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) dành hơn 6 trang sách để viết về “Sách và đọc sách” trong cuốn “Một quan niệm về sống đẹp” hồi năm 1936 (nguyên tác tiếng Anh “The importance of living”, năm 1964 học giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Pháp). Hơn 6 trang trong của một cuốn sách đặc biệt, dày ngót 360 trang, từng khiến cụ Nguyễn Hiến Lê nhìn nhận “không cuốn (sách viết về nghệ thuật sống) nào có một tầm quan trọng và làm cho tôi suy nghĩ nhiều bằng cuốn này”, lẽ dĩ nhiên gói ghém nhiều suy tư về thuật đọc sách. Cụ Nguyễn kể, một lần nọ bệnh cũ trở nặng, ông đành bỏ dở công việc và đem theo bản dịch tiếng Pháp “L’importance de vivre” của cuốn sách ấy về Long Xuyên để… dưỡng bệnh.
Dịch giả Nguyễn Hiến Lê tìm thấy nơi con chữ của Lâm Ngữ Đường một điểm tựa. Còn tác giả họ Lâm thì mở rộng kiến giải về thế giới suy tư, về mục đích đọc sách, cách thức đọc, thời điểm đọc, loại sách phù hợp với từng người… Riêng tôi cảm nhận nhiều hơn từ họ Lâm ở khía cạnh tri kỷ. Bởi ông nhìn ra trong thú đọc sách có sự đồng điệu về tâm hồn, cảm giác “như có sự chuyển kiếp”. Ông bảo, khi Tô Đông Pha bảo lần đầu tiên đọc Trang Tử, có cảm tưởng hồi nhỏ đã có nhiều ý nghĩ như Trang Tử. George Eliot khi mới đọc Rousseau tinh thần kích động mạnh như bị điện giật. Nietzsche cũng có cảm giác “điện giật” khi đọc Shopenhauer, dù ông thầy rầu rĩ Shopenhauer quá khác biệt với môn sinh táo bạo Nietzsche.
Mục đích đọc sách, theo Lâm Ngữ Đường, không nên chỉ để “trang sức tinh thần” và chăm chăm nghĩ tới chuyện trau dồi trí tuệ. Và nữa, ông tin đọc sách cũng như hôn nhân, có duyên tiền định. Bởi khi tư tưởng và kinh nghiệm chưa già dặn, thì một tuyệt tác cũng chỉ để lại vị đắng chát. Đây có thể là nguyên do khiến tác giả dẫn những câu cách ngôn trong cuốn “U mộng ảnh” của Trương Trào (thế kỷ 17). Có câu cách ngôn về sách và đọc sách như vầy: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít”.
*
* *
Tôi không biết các bạn trẻ bây giờ đọc sách theo kiểu vẫn đang nhìn trăng qua kẽ, hay đã đủ nội lực để lên đài bát ngát thưởng trăng. Nhưng nhìn cảnh nhộn nhịp ở các hội chợ sách, thấy trỗi dậy niềm đam mê và thêm chút tin yêu rằng văn hóa đọc đang dần quay trở lại. Hội sách Hải Châu, Đà Nẵng lần thứ 4 mở vào dịp Ngày sách Việt Nam (21.4) ở bờ tây sông Hàn từ 18 đến 22.4, đã thu hút 230.000 lượt bạn đọc đến tham quan, mua sắm; gần 400.000 bản sách đã được bán ra; doanh thu đạt gần 19 tỷ đồng. Số lượng đầu sách bán ra ở Quảng Nam cũng không “đứng yên” qua các mùa sách, và quan trọng hơn, những không-gian-sách mở từ những ngày sách trước đó ở thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ còn làm cầu nối để độc giả được gặp gỡ thần tượng mà cuộc giao lưu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là thí dụ… Tất cả như góp thêm cho không gian đọc những địa chỉ mới, thu hút thêm bạn đọc mới. Và có thêm tri kỷ.
Trên không gian mạng, đôi khi bắt gặp những câu chuyện tri kỷ của sách, nhưng ở góc độ khác. Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, nhà thơ Đỗ Trung Quân vừa kể câu chuyện tìm gặp sách thú vị. Chuyện rằng, năm 1994 nhạc sĩ Phạm Duy (lúc ấy chưa về định cư hẳn ở Việt Nam) đã nhờ người mang về nước tặng nhà thơ Đỗ Trung Quân 3 cuốn hồi ký. Thế rồi sách lưu lạc mà chủ nhân không nhớ đã cho ai mượn. Khoảng một tháng trước, ông bỗng nhận được tin nhắn và hình chụp dòng đề tặng cùng chữ ký của nhạc sĩ Phạm Duy năm 1994 với lời nhắn về cuốn sách: “Nếu từng là của anh, em sẽ hoàn trả”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân còn kể thêm, lần ngồi cà phê vỉa hè năm ngoái, liếc thấy một cuốn nhạc Phạm Duy rách bìa có dòng chữ… giống chữ của mình khi chị mua ve chai đang loay hoay xổ đống sách báo cũ để buộc lại. Hóa ra, đấy là cuốn ông từng mua tại nhà sách Khai Trí từ năm 1970, “Ca khúc cho ngày mai”, rồi sách lưu lạc hơn nửa thế kỷ.
Tôi từng có dịp lang thang đường sách Nguyễn Văn Bình, vỏn vẹn 100 mét ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh nhưng có đến gần 20 đơn vị xuất bản chọn đặt gian hàng. Dạt vào một quầy sách cũ, nghe thấy những đoạn đối thoại thú vị giữa người mua sách với ông chủ quầy lớn tuổi, khi họ nói về tác phẩm của Phan Khoang, Kim Định, Bùi Giáng, Nhất Hạnh,… Đó không chỉ là những gợi ý nên mua cuốn này cuốn kia với mức giá bao nhiêu, mà thú vị hơn, đã trở thành cuộc chia sẻ kiến thức giữa hai thế hệ độc giả. Người xưa bảo “thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc quý), như một lối ẩn dụ để khích lệ độc giả. Nhưng trong sách không chỉ có những thứ tài sản hữu hình, mà rất nhiều tri kỷ vô hình đang ẩn giấu phía sau mỗi con chữ.
Hãy lật giở, sẽ gặp…
CHU THỤY