Tìm tư duy mới từ… chuyện cũ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/02/2023 07:37

Nhiều người trong nước, cũng như dân Quảng Nam, quan tâm về công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đang và sẽ còn nghĩ suy về chuyện rớt tiêu chí khi nâng chuẩn. Trong số báo Quảng Nam cuối tuần này cũng có chuyên đề đặt ra yêu cầu phải đổi mới xây dựng nông thôn mới.

Thì ai cũng dễ thấy những đề đạt chung chung là cần đổi mới tư duy và cách làm. Rằng phải huy động sức dân, dựa vào dân, lấy người dân làm chủ thể. Rằng nhà nước phải tiếp tục đầu tư hạ tầng và cả an sinh xã hội, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập. Rằng phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, làm OCOP, v.v.

Nhưng chắc trong nhiều giải pháp đó, có giải pháp đã nói đúng mà trúng hay chưa thì còn phải bàn. Bởi điều tất yếu của cuộc sống là vận động, thay đổi. Bức tranh nông thôn mới cũng cần phải mới liên tục, tiến lên về đời sống kinh tế, nhưng có cái lại phải bảo tồn (thậm chí bảo thủ) là giữ gìn nét đẹp truyền thống làng quê nhờ ở giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, thân thiện môi trường…

Cũng cần nhìn bức tranh ở mặt phản diện, tiêu cực, thụt lùi về giá trị sống. Như thử hỏi vì sao nhiều thôn, xã vẫn còn xảy ra tệ nạn xã hội (mấy năm nay thấy bài bạc, đánh đề, lừa đảo vay nóng…, mà nạn nhân ở nông thôn không ít).

Lại hỏi vì sao nhiều làng quê chỉ người già trụ lại, còn lớp trẻ tìm đường ra phố, bu bám thành thị trong điều kiện sống vật vã. Không ít nơi tang ma đều phải thuê nhờ dịch vụ chứ khó tìm thanh niên cậy khiêng vác, chung tay tự làm đám giỗ chạp đầm ấm như xưa.

Lại hỏi thêm sao lại ở cùng làng cùng họ mà có chuyện anh em kiện nhau, tranh nhau đến sứt đầu mẻ trán vì mảnh đất hương hỏa bỗng được “cò” bốc giá chóng mặt. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp còn phập phù được mùa mất giá, được giá mất mùa; không hiếm cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” một thời giờ bị bỏ hoang. Cần thấy cả mặt được và chưa được của bức tranh nông thôn đó, để làm sao cho mới, cho hay, cho hiệu quả thiết thực.

Tìm đọc lại di cảo nhiều người lớp trước, tôi lại cảm nhận đôi điều mới mẻ từ chuyện đã cũ. Như tài liệu trong sổ tay công tác của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng - Hồ Nghinh (mà Võ Hà có điểm lại trên báo Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông vừa qua).

Thú vị là vừa đi ra từ cuộc chiến nhưng cụ Hồ Nghinh lại có tầm nhìn khá xa về phát triển kinh tế thị trường, về công nghiệp, công thương… trong đó đặc biệt ông cũng nói đến yêu cầu bức bách “có ý nghĩa thực tiễn và chính trị, xã hội to lớn” là phải “xây dựng, đổi mới nông thôn”, nhằm “nâng cao đời sống cho nhân dân lao động, giảm cách biệt mức sống giữa thành thị và nông thôn”.

Trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 1/1977 bàn về vấn đề cải tạo và quy hoạch nông thôn, ông Hồ Nghinh nhận định “những biến đổi xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật ngày càng có ảnh hưởng to lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân”.

Vậy nên cần “cải tạo và xây dựng xóm làng, tăng cường đời sống vật chất và văn hóa; phát huy sức lực và tinh thần của nông dân, phục vụ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa; xóa dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nông dân và công nhân; tạo điều kiện để tiến hành cuộc cách mạng về cải tạo xóm làng và xây dựng người nông dân mới (xóm làng, nông thôn mới không đơn thuần chỉ là nơi ở mà là nơi nghỉ ngơi, học tập, vui chơi, giải trí...)”.

Như thế, cách đây gần nửa thế kỷ, một người xứ Quảng đã suy tư và chỉ đạo công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương này với điều quan trọng còn có ý nghĩa cho hôm nay là xây dựng làng quê “không đơn thuần chỉ là nơi ở” mà phải là nơi đáng sống có môi trường văn hóa đầy giá trị sống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm tư duy mới từ… chuyện cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO