Tìm về âm hưởng dân ca

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 17/10/2021 08:05

Đầu thập niên 1980, Nguyễn Quang Khánh là người đầu tiên vác đàn về Hội An biểu diễn những bản nhạc “hot” của các nghệ sĩ đương thời như “Hotel California” của Eagles, “Black Magic Woman”, “Samba Pa Ti”, “Oye Como Va” của Santana. Chơi tại ban nhạc Mành Trúc Hội An với La Vĩnh Thành, Nguyễn Văn Đức, Hồ Kiến Sự được một thời gian, anh dời ra Đà Nẵng sinh sống.

Nguyễn Quang Khánh tham gia đoàn công tác số 2 của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đến Trường Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Quang Khánh tham gia đoàn công tác số 2 của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đến Trường Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Âm nhạc là nghiệp dĩ

Nguyễn Quang Khánh sinh năm 1961 tại Hội An. Ngay từ thời còn học phổ thông, anh đã viết vài khúc tình ca lãng mạn mang dấu ấn tuổi học trò. “Chỉ để vui với bạn bè thôi, chớ có bao giờ nghĩ rằng âm nhạc lại là nghiệp dĩ của đời mình” - anh nhớ lại.

Học xong phổ thông, Nguyễn Quang Khánh theo học khoa Văn - Nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng. Niềm đam mê âm nhạc đã khiến anh bị cuốn vào những làn sóng âm nhạc hiện đại phương Tây du nhập vào Việt Nam thời bấy giờ. Khánh lao vào miệt mài học đàn guitar, và sự tài hoa cùng kiên nhẫn đã giúp anh trở thành một guitarist khá có tiếng vào thời ấy.

Ra trường anh trở về Hội An làm việc, chơi ở vài ban nhạc. Quãng những năm giữa thập niên 1980, Nguyễn Quang Khánh đầu quân vào làm nhạc công cho Đoàn Ca nhạc Công an Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngoài công việc chuyên môn là một tay guitar-lead cho đoàn ca nhạc, anh bắt đầu sáng tác ca khúc.

Bài hát “Biển xanh màu áo anh” do Nguyễn Quang Khánh sáng tác lần đầu tiên ra mắt đã đoạt huy chương Vàng tiết mục đơn ca tại Hội diễn ca khúc Lực lượng vũ trang nhân dân toàn quốc tại Nha Trang. Đây là động lực để sau đó anh tiếp tục sáng tác. Anh cũng đoạt huy chương Vàng cho tiết mục biểu diễn guitar tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp tại Nha Trang.

Một thời gian sau Nguyễn Quang Khánh được tuyển về Đoàn Ca múa nhạc Tiên Sa, Đà Nẵng. Tại đây anh gặp lại những bạn cũ người Hội An như ca sĩ Ánh Tuyết, Phạm Quang Trung và biết thêm nhiều đồng nghiệp mới nổi tiếng thời ấy như ca sĩ Xuân Thúy, Quốc Hùng, Thanh Trà. Như cá gặp nước, trong những năm 1985 - 1987 anh cùng đồng nghiệp lại đoạt huy chương Vàng cho Ban nhạc chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Năm 1997, sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, anh tham gia Đoàn Ca múa nhạc Trưng Vương. Tại đây ngoài thời gian biểu diễn cho chương trình, anh tiếp tục sáng tác và trở lại sinh hoạt với Hội Nhạc sĩ TP.Đà Nẵng trong tư cách là một nhạc công và trở thành hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014.

Liên tục ba năm sau đó những ca khúc của anh luôn đoạt các giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: ca khúc “Cõi tạm” - giải 3 năm 2014; ca khúc thiếu nhi “Ánh trăng Trường Sa” - giải C năm 2015.

Đặc biệt, năm 2016 ca khúc “Sakura” của anh đoạt giải B, đã được dịch sang tiếng Nhật và được sử dụng là ca khúc “đinh” trong lễ hội Việt - Nhật được tổ chức vào năm này do các ca sĩ Việt Nam và Nhật Bản cùng biểu diễn.

Loạt 5 bài hát về biển đảo được anh sáng tác và biểu diễn trong đợt tham gia những hoạt động tại quần đảo Trường Sa năm 2017, đã được các chiến sĩ hải quân tại các đảo yêu thích. Ca khúc “Khát khao Trường Sa” nhận được giải Đặc biệt của VOV và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời anh đã được tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Cảm hứng sáng tác từ âm nhạc truyền thống

Cũng với khả năng thích ứng, nắm bắt nhanh chóng ngoại cảnh, trong những chuyến tham gia trại sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khi được nghe những làn điệu dân ca Tây Bắc anh đã dùng chất liệu dân ca của các dân tộc vùng này để đưa vào sáng tác những ca khúc mang tiết tấu hiện đại.

Và kể từ đây, Nguyễn Quang Khánh đã bắt đầu phát triển ý tưởng mang dân ca vùng miền vào âm nhạc đương đại. Nguyễn Quang Khánh tâm sự: “Kể từ lúc tiếp cận được với tân nhạc, nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã có ý thức mang âm hưởng dân ca vào tân nhạc với mục đích gìn giữ văn hóa truyền thống. Gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống qua phong cách đương đại là mong ước và trở thành mục đích sáng tác của tôi”.

Và những ca khúc với tiết tấu hiện đại mang âm hưởng dân ca miền Trung và bài chòi như “Hồn đất”, “Cung trầm phố Hội”, “Rau xanh Trà Quế” được công chúng đón nhận...

Con người càng lớn tuổi càng có xu hướng tìm về cội nguồn, Nguyễn Quang Khánh cũng vậy. Anh bắt đầu viết nhiều ca khúc ca ngợi hình tượng người mẹ. Và một lần nữa những ca khúc của anh được khán giả mến chuộng, được đánh giá cao qua giải Nhất với ca khúc “Quê mẹ” của HTV7, giải khuyến khích cho ca khúc “Trái tim mẹ trong lòng thành phố” và ca khúc “Lạc lụy” đoạt giải B của Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng, 2020.

Những thân hữu văn nghệ khắp nơi vẫn thường xuyên gặp Nguyễn Quang Khánh vác đàn lang thang đây đó, bởi máu mê âm nhạc vẫn luôn thôi thúc anh lên đường tìm ý tưởng cho những ca khúc mới, làm đẹp cho đời.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm về âm hưởng dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO