Xã/làng Chiên Đàn thuộc tổng Chiên Đàn xưa (nay bao gồm phạm vi hai xã Tam An và Tam Đàn huyện Phú Ninh) là một đơn vị hành chính được thành lập từ rất lâu đời. Nơi này từng được chọn làm lỵ sở của huyện Hà Đông - huyện cực nam tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn.
Hậu duệ tộc Ung bên tấm bia gỗ ở Miếu Trắng. ảnh: P.B |
Địa giới
Theo ghi nhận của các sách địa chí xưa, vùng đất mang tên Chiên Đàn rất rộng - trải dài từ miền núi (nguồn Chiên Đàn) đến trung du (bảo Chiên Đàn, vi tử bảo cấp Chiên Đàn, Chiên Đàn tộc, Chiên Đàn trại) rồi đồng bằng (tổng Chiên Đàn - làng/xã Chiên Đàn, đầm Chiên Đàn). Nhưng, dân địa phương ven các con sông ở vùng Tam Kỳ xưa chỉ dùng tên này để định danh cho ngôi làng ở đồng bằng trực thuộc “Liêm hộ thuộc” (quy tụ đa số các hộ dân làm vàng) vào thời các chúa Nguyễn. Đến đầu thời Gia Long, theo địa bạ được lập của triều đình, xã Chiên Đàn có tứ cận tóm tắt như sau: đông giáp xã An Hòa (Phương Hòa? - NV), xã Đá Bạc, xã Thạch Tân (nay là các phường phía bắc và đông bắc của TP.Tam Kỳ); tây giáp xã Thạnh Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, xã An Mỹ Đông Tây, xã Long Phúc; nam giáp xã Khánh Thọ/ bắc giáp xã Tú Tràng (các xã này nay một phần là các xã Tam An, Tam Đàn, phần còn lại thuộc các xã Tam Phước, Tam Thành của huyện Phú Ninh).
Đến gần cuối thời Nguyễn, phạm vi địa giới xã/làng Chiên Đàn được kể như sau: “Ngoài ấp Thị Vạn và 8 ấp bộ Thị Thượng, Thị Hạ, Xương Luông, An Phú, Xuân Hòa, Trà Cai, Đông Yên, Tây Yên đều thuộc làng cũ Chiên Đàn. Về sau, khi huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông (sau đổi là phủ Tam Kỳ - NV), tách ra khỏi phủ Thăng Bình (trước có tên là phủ Thăng Hoa - NV) thì làng Chiên Đàn có thêm 2 ấp bộ nữa là Long Phước và Gia Thọ lấy từ phần đất làng Tú Chàng - nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh - cắt chuyển qua” (bài viết của Ban quản lý Đình làng Chiên Đàn - 1997).
Những chuyện kể từ làng
Có một chuyện kể rất đáng chú ý: Trước năm 1945, từng hiện diện một ấp nằm phía nam chân đèo Hải Vân cũng có tên Chiên Đàn; ruộng đất của ấp này thuộc địa bộ làng Chiên Đàn và hàng năm - theo lời kể của các bậc cao niên địa phương, làng Chiên Đàn (ở phía nam) thường xuyên cử người ra ấp Chiên Đàn (phía bắc) thu thuế. Câu chuyện này giải thích được một hiện thực lịch sử của vùng này: “Vào thời giặc Minh xâm lược nước ta hồi đầu thế kỷ 15, quân Chiêm thừa cơ tiến ra chiếm lại các vùng đất Cổ Lũy, Chiêm Động mà họ từng cắt giao cho triều Hồ. Để tránh binh đao, dân Việt vốn đã định cư ở trấn Tân Ninh (vùng nam Quảng Nam sau này) - trong đó có dân vùng Chiên Đàn - đã tản cư ra vùng núi Hải Vân; đến khi ta đánh tan quân Minh, đẩy lùi quân Chiêm, dân trấn Tân Ninh mới quay về đất cũ”.
Ở vùng này, xưa từng lưu hành chuyện kể rằng: đình Chiên Đàn - một ngôi đình lớn nhất nhì vùng nam Quảng Nam từng được chọn làm nơi nghỉ chân (hành cung) đón vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi trở về vào năm 1471. Chuyện này có thể được người địa phương sáng tác nhằm chứng minh Chiên Đàn đã từng là một nơi đông đúc dân cư, có sinh hoạt kinh tế - văn hóa phát triển từ rất sớm.
Đến những dấu tích hiện còn
Đây là vùng đất có nhiều di tích Chăm như cụm tháp Bà Rầu còn gọi là tháp Chiên Đàn, dải phế tích tháp An Mỹ và khá nhiều tên xứ đất có âm khá lạ (so với từ thuần Việt) như Trà Mưu, Ma Vang, Ma Nay, Tro Xen… Ngoài ra ở đây cũng như ở nhiều xã khác thuộc vùng Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành, hiện còn khá nhiều người mang họ Ung - được cho là hậu duệ của một bộ phận họ hàng người Chăm ở lại, chung sức xây dựng làng xã Việt sau khi vương triều của họ bỏ đất dời đô về phía nam.
Ngoài ngôi đình Chiên Đàn rất nổi tiếng, hiện ở địa phương này có một ngôi mộ cổ nằm ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn. Trên tấm bia mộ có dòng chính ghi nội dung như sau: Liêm Hộ - Hiển khảo Ung Công chi mộ (Mộ cha chúng tôi là ông họ Ung sống ở vùng hộ làm vàng). Năm tạo lập bia được ghi là Mậu Dần (?). Tên hai người con đứng lập bia có âm khá lạ là Trường Học (nam) và Liên Nầy (nữ). Theo hậu duệ tộc Ung hiện ở địa phương, đây là mộ ông thủy tổ của tộc này, là một trong nhiều vị đồng tiền hiền làng Chiên Đàn. Khảo sát chữ nghĩa trên bia và căn cứ vào việc người họ Ung thường được giao lĩnh chức chủ bái trong các dịp lễ ở đình Chiên Đàn, có thể thấy đây là những dấu tích rất quan trọng chứng minh việc có một bộ phận không nhỏ người Chăm đã ở lại, hòa vào với cuộc sống của những di dân người Việt ở địa phương này hồi đầu thế kỷ 15.
Căn cứ vào nội dung tấm bia gỗ lập ngày mùng một tháng bảy năm Tự Đức thứ bảy (1854) được treo trong ngôi miếu cổ có tên Miếu Trắng nằm ở phía nam đình Chiên Đàn, có thể biết vào thời điểm giữa thế kỷ 19, cư dân Chiên Đàn gồm nhiều họ tộc như Ung, Đống, Kiều, Nguyễn, Trần, Trương, Võ, Hồ, Bùi, Trịnh, Huỳnh, Cao, Phan, Phạm, Đỗ, Lê. Trong số các họ tộc này, chỉ riêng vào thời phong kiến, đã xuất hiện các võ tướng có công với nước như Cai cơ Đống Công Trường, đô đốc (?) Kiều Phụng (thời Tây Sơn) hoặc một gia đình danh nho thời Nguyễn gồm: Phó bảng Nguyễn Dục (1807 - 1877) cùng con trai là Tiến sĩ Nguyễn Thích (1850 - 1885) và con rể là Tiến sĩ Trần Văn Dư.
Cụ Trần Văn Dư (1839 - 1885) là người đứng đầu phong trào Nghĩa hội Cần vương chống Pháp rất oanh liệt ở Quảng Nam. Cụ bị Pháp và tay sai sát hại ở thành tỉnh Quảng Nam vào tháng 12 năm 1885. Hiện nay, mộ cụ là di tích lịch sử, tọa lạc tại thôn Gia Thọ, xã Tam An. Mộ cụ Nguyễn Dục cũng là di tích lịch sử ở thôn Thạnh Hòa, xã Tam Đàn. Gần mộ cụ Nguyễn Dục có mộ ông Cao Văn Vận - từng đỗ Cử nhân khoa thi năm Nhâm Dần 1842, giữ chức Hàn lâm viện Biên tu, từng làm việc ở bộ Lại và bộ Hộ - cũng là người làng Chiên Đàn. Dân địa phương gọi mộ cụ Nguyễn Dục là “mộ ông Lớn” và mộ ông Cao Văn Vận là “mộ ông Nghè”.
Cũng tại thôn Thạnh Hòa, hiện còn một nghĩa trang xưa có tên Gò Bảng. Ở đây có nhiều ngôi mộ “vôi bồ ghè” có kiểu thức giống nhau - nấm hình quả trứng, thành hình móng ngựa, trong đó có ngôi còn nguyên tấm bia mộ ghi hiệu “Tống Sơn”. Đây là mộ bà chánh thất (vợ chính) một ông Câu Kê họ Đinh. Câu Kê là một chức khá quan trọng trong bộ máy chính quyền Đàng Trong lúc mới thành lập vào đầu thế kỷ 17. Người trong mộ - và hẳn là các người nằm trong các ngôi mộ mất bia giống với ngôi mộ “Tống Sơn” kia chắc chắn quê gốc ở vùng huyện Tống Sơn, Thanh Hóa - đất phát tích các chúa Nguyễn - Đàng Trong.
Tư liệu còn lưu ở tộc Đống làng Chiên Đàn có một số văn bản thời Minh Mạng giao cho ông Đống Công Điều - người làng này giữ chức Hoàng tử phủ Giáo tập (giảng dạy trong phủ các hoàng tử) với các hàm Tu soạn rồi Kiểm thảo của Hàn lâm viện.
PHÚ BÌNH