Sau hơn 60 năm xa quê nhà, xa người thân, xa biển bờ thương nhớ, ông Huỳnh Phi Long - chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (quê ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) mới có cơ hội tìm về cố hương…
Ông Huỳnh Phi Long sinh năm 1939, trong một gia đình bần nông ở xã Tam Thanh, nay thuộc khối phố An Hà, phường An Phú, Tam Kỳ. Sinh ông ra chưa được 5 tháng thì người mẹ đột ngột qua đời; hơn 4 năm sau, cha ông không qua được bạo bệnh, để lại một mình ông bơ vơ khi tuổi chưa lên 5. Cũng may có một người bà con ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) thương tình đem ông về nuôi… Được tổ chức giúp đỡ, 12 tuổi ông kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, sau đó được phân công làm du kích xã. Ngày 1.10.1954, tại Cây Cốc (xã Tiên Thọ) địch thảm sát giết hại hàng trăm cán bộ, đảng viên trung kiên và đồng bào yêu nước. Ôm mối hận vào lòng, ông Huỳnh Phi Long lên đường vào Nam và tại đây ông đã trở thành người lính Biệt động thành.
Qua 15 năm công tác tại Đội 67 thuộc Phân đội II Biệt động đặc công, ông Huỳnh Phi Long đã phối hợp tổ chức đánh 45 trận lớn nhỏ, trong đó có 30 trận ông trực tiếp làm nên những trận đánh “kinh thiên động địa”, khiến cho địch “bạt vía kinh hồn”. Trong số hàng chục trận đánh gây tiếng vang lớn trên đất Sài thành lúc bấy giờ phải kể đến trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh diễn ra vào ngày 23.6.1965, tại bến sông Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) làm chết và bị thương cả trăm tên địch. Hay như trận đánh “kép” diễn ra vào lúc 12 giờ trưa một ngày cuối tháng 3.1966 trên đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) và một cú đánh bồi ngay sau đó chỉ cách điểm đánh mìn trước đó 50m gần lối đi ra cổng sau của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sĩ quan, binh lính địch… Với những thành tích đạt được, ông Long được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và huân - huy chương các hạng. Để có được những tấm huân - huy chương lấp lánh đó, ông Long phải đánh đổi biết bao gian khổ, hy sinh và phải chịu biết bao đòn roi của kẻ thù khi bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa rồi đày ra nhà tù Côn Đảo, bị nhốt chuồng cọp, bỏ đói, đánh đập tra tấn “thừa sống thiếu chết”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Long nhiều lần muốn về thăm quê cha đất tổ, tìm mồ mả ông bà, cha mẹ. nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được. Vốn đã khó lại càng khó khăn hơn khi vợ ông - bà Nguyễn Thị Năm (SN 1943) từng là nữ trinh sát xuất sắc, cũng bị địch bắt giam cầm, tiêm thuốc độc khiến hai tai bị điếc, cùng với những đòn tra tấn dã man làm cho tinh thần bấn loạn, trở thành người ngây ngây dại dại. Ngay cả người con gái đầu lòng của ông bà - Huỳnh Thị Nga, năm nay đã ngoài 50 tuổi, cũng trở nên điên loạn do bị địch đánh đập, tra tấn, sử dụng nhục hình.
Ngày hai buổi quần quật với công việc nhà, mãi đến năm 2008 ông Huỳnh Phi Long mới có điều kiện về quê tìm mồ mả cha là ông Huỳnh Phước Cam, mất năm 1944 và mẹ là bà Trần Thị An, mất năm 1939. Qua những tháng ngày tìm kiếm, quy tập, hài cốt của cha mẹ ông Long đã được cải táng tại nghĩa địa Gò Trầu (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Ông Cao Nguyên Lợi - người bạn tù ở nhà tù Côn Đảo, trong một lần cùng ông Huỳnh Phi Long về thăm quê, trò chuyện: “Anh Huỳnh Phi Long là người nặng nghĩa, nặng tình nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn cùng với sức khỏe của vợ và con gái không được tốt nên anh nấn ná mãi. Sau khi tìm được mồ mả cha mẹ, anh Long rất vui và an lòng. Không được thường xuyên nhưng thỉnh thoảng vào các dịp lễ tết anh sắp xếp công việc gia đình để về thăm quê. Mỗi lần đi như vậy anh đều rủ tôi đi để có bạn có bè như thời còn bị địch giam cầm trong nhà tù Côn Đảo”.
Chuẩn bị bước sang tuổi 80, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn nhưng ông Long vẫn hào sảng kể về một thời oanh liệt của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông cũng không giấu được nỗi đau khi nói đến tình trạng sức khỏe của vợ con, và cả nỗi nhớ da diết về quê hương, họ hàng, làng xóm. Tuổi đã lớn, mai này lỡ nhắm mắt xuôi tay, ông cũng toại nguyện vì đã thực hiện được ước mơ của mình là làm cho cha mẹ mồ yên mả đẹp.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC