Tìm về dấu xưa

PHAN PHƯỚC - NGUYÊN ĐOAN 28/03/2019 03:07

Năm tháng đi qua, trong ký ức của nhiều người vẫn vẹn nguyên kỷ niệm về địa điểm Cây Thông Một (khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An) - nơi ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, mở ra trang sử mới cho phong trào cách mạng đất Quảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm di tích Cây Thông Một. Ảnh: NG.ĐOAN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm di tích Cây Thông Một. Ảnh: NG.ĐOAN

Nơi ghi dấu

Trách nhiệm của tỉnh là sẽ cùng bàn bạc, phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, đầu tư xây dựng Di tích lịch sử Cây Thông Một trở thành một “địa chỉ đỏ” cách mạng giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh của tỉnh”. (Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Là cảng thị giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ Quảng, từ lâu Hội An đã sớm trở thành nơi tiếp nhận, hưởng ứng các phong trào yêu nước, nơi gặp gỡ, giao lưu của chí sĩ khắp nơi. Đặc biệt, từ tác động của những cuộc vận động dân tộc, dân chủ trong nước đang diễn ra sôi nổi, những thanh niên tiên tiến của Hội An với sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã nhanh chóng tiếp xúc với hệ tư tưởng Mác-Lênin.

Ông Lê Chơi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An cho biết, tất cả yếu tố đó dẫn đến sự kiện vào tháng 10.1927, tại hiệu bán sách cũ Đức An số 83 Rue du pond de Japonnais (đường Cầu Nhật Bản - nay là số nhà 129 đường Trần Phú), Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của Hội An được thành lập. Từ đó, hội không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối yêu nước của Nguyễn Ái Quốc ở địa phương.

Những điều đó là điều kiện thuận lợi cơ bản để Xứ ủy chuẩn bị lực lượng thành lập tổ chức đảng ở Quảng Nam lúc bấy giờ. Cùng với thắng lợi của hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản và những điều kiện thuận lợi khác, ngày 28.3.1930 tại Cây Thông Một, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ và công bố từ nay chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công, nông, binh, nhân dân lao động bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc.

“Ngày 28.3.1930 trở thành ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Đó cũng là niềm tự hào chung của cán bộ đảng viên và nhân dân cả tỉnh, đồng thời cũng là niềm tự hào của đảng bộ và nhân dân Hội An nói riêng” - ông Chơi nói.

“Địa chỉ đỏ”

Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường vừa đến thăm di tích Cây Thông Một, cán bộ lão thành và nhân dân trong vùng di tích, thể hiện tấm lòng tri ân đối với vùng đất căn cứ địa cách mạng đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam.

“Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam ra đời chỉ sau gần 2 tháng Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3.2), cho thấy các bậc tiền bối của Quảng Nam đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Đây là bề dày lịch sử rất đáng trân trọng, cần phải luôn được các thế hệ hôm nay ghi nhớ, gìn giữ” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ban ngành liên quan cần mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với vai trò lịch sử và giá trị vốn có của di tích Cây Thông Một. Trước mắt, cần tập trung đầu tư lại nhà bia và chỉnh trang, mở rộng không gian, cây xanh. Về lâu dài nên lập đề án xây dựng nhà lưu niệm hoặc là bảo tàng mini về nơi ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gắn với khai thác du lịch. Nếu thực hiện được điều đó, di tích sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút các thế hệ đến tìm hiểu nơi ghi dấu tích sự  kiện thành lập Đảng bộ tỉnh.

Theo ông Lê Chơi, việc bảo tồn di tích Cây Thông Một cần phải gắn với phát huy giá trị lịch sử trong không gian văn hóa du lịch của Hội An. Địa điểm di tích hiện nay nằm sát với đường Lê Hồng Phong. Trong tương lai, các ban ngành liên quan nên có chủ trương đầu tư di tích theo hướng thực hiện tour tuyến du lịch như: phố cổ Hội An - di tích Cây Thông  Một - làng rau Trà Quế - biển An Bàng. Hoặc kết hợp mở tuyến tham quan di tích lịch sử cách mạng mới như: Cây Thông Một - Nhà lao Hội An - Nhà lao Thông Đăng - Nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh (hiệu sách Đức An) - chùa Kim Bửu - vườn bà Thủ Khóa. Bởi đây đều là những địa điểm hấp dẫn với cùng một chủ đề là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam. Làm được điều này cũng chính là phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống của Đảng bộ tỉnh cho cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh một cách tốt nhất, tránh tình trạng hiện nay nhiều di tích lịch sử cách mạng nằm bỏ hoang, cả năm không người thăm viếng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đầu tiên

Ngày 28.3.1930, tại bãi cát Trường Lệ, bên Cây Thông Một, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh là đồng chí Phan Văn Định, người con của mảnh đất Tùng Ảnh, thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - quê hương Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú. Địch đâu ngờ được, Bí thư của một Tỉnh ủy lại là nhân viên lái xe cho tên Công sứ Pháp tại Hội An; ga-ra xe Tòa công sứ Pháp ở Hội An trở thành nơi in ấn, cất giấu tài liệu của cách mạng. Nhiều lần đưa Công sứ Pháp đi các nơi trong tỉnh, đồng chí Phan Văn Định còn mang theo truyền đơn để rải đọc đường…Do việc lái xe cho viên Công sứ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, nên trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 8.1930, đồng chí Phan Văn Định đã đề nghị đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay mình. Ngày 22.10.1930, đồng chí Phan Văn Định bị bắt giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam, sau đó chuyển xuống giam ở nhà lao Hội An rồi bị đày đi Lao Bảo. Ra tù, đồng chí trở về hoạt động cách mạng tại quê hương Hà Tĩnh. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phan Văn Định đã nhiều lần trở lại Quảng Nam và luôn xem mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. T.S

PHAN PHƯỚC - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm về dấu xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO