Tìm về dòng sông lễ hội

LÊ QUÂN 12/03/2014 10:12

Không chỉ mang nghĩa một lễ hội, Lệ Bà Thu Bồn đã trở thành một phong tục của cư dân sống dọc lưu vực sông Thu Bồn. Cứ đến 12.2 âm lịch hằng năm, họ lại rỉ tai nhau về tham dự Lệ Bà.

Đại lễ dòng sông

Chiều trước hôm lễ tế Bà diễn ra, cư dân làng Thu Bồn chia thành từng nhóm, với đầy đủ sắc phục truyền thống, cùng tề tựu tại nhà vị thủ sắc để làm lễ rước sắc. Trong tâm thức người dân, Bà Thu Bồn là một “Nhân Thần”, luôn mang đến mưa thuận gió hòa, đời sống yên lành… Chỉ cần vậy thôi, trong tín ngưỡng dân gian, Bà đã trở thành một vị thần của xứ sở. Những vị bô lão trong các ngôi làng dọc sông Thu Bồn từ thượng nguồn đến cuối sông, như cụ Thái Văn Lịch - người gần 40 năm làm chủ bái trong đại lễ tế Bà ở làng Thu Bồn, hay ông Trịnh Tống, cũng đã hơn chục năm làm Trưởng ban lễ Bà tại Nông Sơn, vẫn luôn tin truyền thuyết về Bà là có thật, để dồn cả thành tâm vào những câu niệm cúng…
Cụ ông Thái Văn Lịch, người được dân làng tin tưởng giao trách nhiệm giữ sắc của vua, năm nay đã ngoài 80, với phong thái quắc thước trang nghiêm, ra tận đầu ngõ để đón đoàn rước sắc. Lân, cờ ngũ hành, chiêng trống, bát âm, kiệu rước sắc cùng với đoàn người do 30 cụ bô lão đại diện các họ tộc đi từ lăng Bà đến nhà thủ sắc, thực hiện các nghi lễ truyền thống như thượng hương, nghinh thiêng linh bái, nghinh thần rồi mang sắc về để trước mộ bà. Sắc phong thần với dòng chữ dịch theo âm quốc ngữ, với nghĩa “Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần” được ban từ đời vua Minh Mạng, và được dân làng gìn giữ đến hôm nay. Trong 9 năm giữ sắc, 40 năm làm Chánh bái lễ hội Bà Thu Bồn, cụ ông Thái Văn Lịch vẫn còn nguyên cảm giác trang nghiêm mỗi lần cầm trên tay hộp sắc phong đưa đến lăng Bà.

Lễ rước sắc Bà Thu Bồn chiều ngày 11.2 năm Giáp Ngọ. Ảnh: L.Q
Lễ rước sắc Bà Thu Bồn chiều ngày 11.2 năm Giáp Ngọ. Ảnh: L.Q

Sáng sớm 12.2, lễ rước nước là nghi thức bắt đầu cho đại lễ tế Bà. Thuyền rước nước được trang trí cờ hoa, đúng 6 giờ 30 sáng đi ngược lên thượng nguồn, nơi khúc sông Bà gieo mình, vốc bình nước trong vắt nơi này để mang về lăng làm lễ tế bà. Khi thuyền rước nước về đến bến sông, đội hình cờ ngũ hành, lọng, kiệu ngũ hành tiên nương bắt đầu nghi thức tế lễ từ bến sông về đến lăng Bà. Đại lễ xem như kết thúc khi lọng, kiệu, cờ hoa về đến lăng. Dân làng vào hội đua thuyền truyền thống, cùng nhau làm nên một lễ hội dòng sông rạng rỡ từ thuở xưa.

Có còn thiêng?

Những bô lão trong làng kể lại, ngày trước, để có kinh phí tổ chức Lệ Bà, làng dành ra 8 mẫu ruộng, cư dân trong làng cùng nhau tổ chức sản xuất. Sau này, khi lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận là lễ hội cấp tỉnh, có sự hỗ trợ từ Nhà nước, việc xã hội hóa cũng dần mang tính chất hiện đại. Tuy nhiên, câu chuyện lễ hội muôn đời vẫn vậy, khi cuộc sống càng hiện đại thì tính chất trang nghiêm của lễ càng giảm. Cụ ông Thái Văn Lịch cho hay, ngày trước, mỗi khi đến Lệ Bà, như một ngày hội của tất thảy dân làng, nhà nào cũng tham dự. Còn nay, người dân không còn mặn mà mấy với lễ hội, khi kẻ đi, người đến chẳng đặng, không còn tính tự nguyện và hồ hởi tham gia như trước. “Lễ thiêng vẫn được gìn giữ, nhưng theo lễ cũ, thì đã giảm mất hơn một nửa tính rình rang thuở trước” - ông Thái Văn Lịch nói.

Còn có câu chuyện, khi là một thôn Thu Bồn, người dân đều chung tay chung sức làm nên lễ hội. Còn nay, sau khi tách thành 2 thôn Thu Bồn Đông và Thu Bồn Tây, việc tổ chức lễ cũng khác xưa. Thu Bồn Tây vẫn mang lễ vật dâng cúng Bà, nhưng Thu Bồn Đông lại chịu tất thảy mọi công tác tổ chức. Cụ Thái Văn Lịch còn nói thêm, ngày trước, lễ xong mới tới hội. “Chơi gì thì chơi phải đợi đến khi kết thúc lễ cúng. Từ đua thuyền, đá gà, hát bội, xóc dĩa… phải đợi cúng Bà mới tổ chức hoạt động vui chơi. Còn nay thì chính quyền tổ chức hoạt động vui chơi trước” - ông Lịch nói.

Dẫu sao, Lệ Bà Thu Bồn vẫn là lễ hội đậm tín ngưỡng dân gian và còn giữ được nhiều nét truyền thống so với nhiều lễ hội khác. Đặc trưng văn hóa vùng miền của cư dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp, tôn vinh nền văn minh sông nước vẫn thấm đẫm trong cuộc sống dân cư nơi này.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm về dòng sông lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO