Bề ngoài khá dữ dội, nhưng Trần Trung Bảo lại là gã họa sĩ hiền khô, hay cười. Anh ghi dấu với giới hội họa ở dòng tranh đương đại chỉ chuyên mỗi chủ đề: SEN.
Hành trình cùng màu sắc
Sinh năm 1974 tại Hội An, Trần Trung Bảo mê hội họa ngay từ thời còn tiểu học. Ngày đó, anh thường đi theo các họa sĩ lớn tuổi để xem và mày mò tự học. Anh tích cóp từng đồng để mua vật liệu vẽ, bởi thời xưa ấy, sắm họa cụ là điều không hề dễ dàng.
Sống trong thành phố trầm mặc như Hội An, chịu ảnh hưởng từ lớp đàn anh đi trước, chuyện đi theo con đường vẽ tranh thủy mặc của Trần Trung Bảo là điều không lạ mấy.
Ngay từ thời trung học, tranh thủy mặc của Trần Trung Bảo vẫn được các họa sĩ chuyên nghiệp đánh giá cao về màu sắc và bút pháp. Dẫu những ngày bắt đầu này, anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tác phẩm của những bậc thầy thủy mặc tiền bối.
Đam mê mỹ thuật là vậy, nhưng số phận lại đẩy đưa Trần Trung Bảo theo học bốn năm tại Trường Đại học Hàng Hải TP.Hồ Chí Minh. Thời gian này, anh cộng tác với người em của mình là họa sĩ Trần Trung Lĩnh mở một phòng tranh tại Sài Gòn.
Cho đến khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, đi làm trong môi trường mới, Trần Trung Bảo sực nhận ra đây không phải là mong muốn của anh. Năm 2000, anh nghỉ việc, quay về hoạt động tại phòng tranh cũ.
Ban đầu, bút pháp của Trần Trung Bảo vẫn chịu ảnh hưởng nặng của trường phái tranh thủy mặc. Lúc này, sáng tác của anh chủ yếu để cung cấp dòng tranh trang trí, phù hợp nhu cầu thị trường trong nước. Thời gian trôi, Trần Trung Bảo nhận ra, con đường phục vụ nhu cầu trang trí nội thất tuy có thể mưu sinh, nhưng đó không phải là đam mê của mình.
Bắt duyên cùng sen
Mất không ít thời gian chiêm nghiệm lẫn loay hoay tự học, thử sức với nhiều đề tài, bút pháp và chất liệu khác nhau, Trần Trung Bảo dần thoát ra cái bóng của chính mình.
Ham đọc sách, chịu nhiều ảnh hưởng của triết học phương Đông, anh chọn cho mình đề tài sen mang phong cách đương đại. Trần Trung Bảo nói, dòng đời của sen phù hợp với chu kỳ sanh hóa của quy luật âm dương, ngũ hành. Sanh trưởng, nở hoa, tàn lụi, gieo hạt và bắt đầu một chu kỳ sanh hóa mới. Đồng thời sen biểu hiện cho nhiều đức tính tốt đẹp mà con người có lẽ cần học hỏi.
Với Trần Trung Bảo, cho dù vẽ tranh đương đại cùng bút pháp phương Tây, nhưng dấu ấn của dòng tranh thủy mặc vẫn còn rõ. Mấy chục năm lăn lộn cùng dòng tranh truyền thống này, anh lại tìm riêng cho mình bút pháp trong cương có nhu, trong nhu có cương để miêu tả mà không làm mất đi tính chất cơ bản của sen.
Sự cân bằng màu sắc trong tranh của anh phù hợp với quan niệm trung dung của Tam giáo. Bằng kỹ thuật phối màu cân bằng giữa nóng và lạnh, mang hơi hướm quy luật tương khắc – tương sinh của ngũ hành làm cho “sen” của Trần Trung Bảo có một bản sắc riêng.
Những bức tranh về sen tạo nên không gian tưởng chừng như động, nhưng thật sự lại tĩnh lặng. Ngắm tranh sen của Trần Trung Bảo trong một không gian tĩnh lặng, người thưởng lãm sẽ có cảm giác tĩnh tâm sâu lắng, thơ thới, bình an.
Sen Việt đi cùng thế giới
Sự khổ luyện trong nhiều năm với dòng tranh sen cũng được viên mãn khi cơ duyên chợt đến với Trần Trung Bảo.
Anh kể: “Khi bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh bắt gặp tấm tranh sen của tôi treo trong một không gian trà đạo, bà tìm cách liên hệ với tôi. Có lẽ, cũng như Việt Nam, đề tài về sen gần gũi với văn hóa Thái Lan nên bà ấy rất thích tác phẩm này của tôi.
Qua trao đổi lúc ghé thăm xưởng vẽ, bà đề nghị tôi tham gia triển lãm mỹ thuật nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, gắn trong bối cảnh kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN), tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh”.
Năm 2022, Trần Trung Bảo mang 16 tác phẩm chủ đề sen, chất liệu acrylic trên toan tham gia triển lãm chung với tranh của nữ họa sĩ Thái Lan là PGS. TS. Anchana Nangkala, tổ chức tại Tổng lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan ở TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm được giới thưởng ngoạn đánh giá rất cao. Trong triển lãm, có sự tham dự của khách mời là ông Agustaviano Sofjan - Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh.
Rất yêu thích tranh sen của Trần Trung Bảo, ông Tổng lãnh sự liền ngỏ ý kết hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, mời anh tham gia thực hiện triển lãm cá nhân với các tác phẩm của mình, tại chương trình giao lưu văn hóa – nghệ thuật và kết nối doanh nghiệp, do Lãnh sự quán Indonesia tổ chức. Chính triển lãm cá nhân này mang đến thành công khá lớn cho tên tuổi của Trần Trung Bảo.
Cũng trong năm 2023, cơ hội lại đến với Trần Trung Bảo khi nữ họa sĩ Thái Lan PGS. TS. Anchana Nangkala, người cùng triển lãm chung với anh lần trước giới thiệu anh tham dự và giao lưu Trại sáng tác mỹ thuật quốc tế tại Ấn Độ. Trại sáng tác quy tụ sự tham dự của 24 họa sĩ đến từ 11 nước trên thế giới.
Đến hẹn, Trần Trung Bảo khăn gói bay sang Ấn Độ. Chỉ trong nửa tháng tham gia giao lưu tại Trại sáng tác, Trần Trung Bảo nói, anh học được rất nhiều. Từ phong cách, kỹ thuật sáng tác cho đến các phương pháp xử lý chất liệu, đồng thời giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm giao lưu mỹ thuật quốc tế.
Sau chuyến giao lưu mỹ thuật tại Ấn Độ, vẫn là chủ đề sen nhưng Trần Trung Bảo chọn cho mình phong cách sáng tác mới.
Ở lứa tuổi 50, tạm sống được với nghề, Trần Trung Bảo lại đang tìm cách thoát khỏi những cuốn hút phi mã của cuộc sống hiện đại, sống chậm lại, suy nghĩ sâu hơn.
Trần Trung Bảo nói, anh muốn mang sự chiêm nghiệm tự thân về đời sống thực tế vào trong tranh của mình qua hình tượng sen. Tuy mang phong cách đương đại nhưng anh muốn tranh của mình vẫn giữ được nền tảng tư duy triết lý thuần Việt.
Những ngày này, Trần Trung Bảo đang chuẩn bị tác phẩm cho một triển lãm cá nhân. Tất nhiên, vẫn là sen.
Thực chất, sáng tác mỹ thuật là con đường không có đích đến. Trên con đường đó, chỉ có những trạm dừng chân dành cho các nghệ sĩ. Mong Trần Trung Bảo sẽ dừng chân ở những trạm nghỉ xa hơn, sâu hơn và thành công trên con đường sáng tác, bằng tài năng và sự chiêm nghiệm của mình.