Tìm xung lực vượt suy giảm kinh tế

TRỊNH DŨNG 10/10/2023 06:37

Làm gì và làm như thế nào để đưa nền kinh tế Quảng Nam hoàn thành kế hoạch tăng trưởng là bài toán chưa có lời giải.

Xuất nhập khẩu, sản xuất chế biến, chế tạo suy giảm đã tác động đến sự suy thoái của nền kinh tế địa phương. Ảnh: T.D
Xuất nhập khẩu, sản xuất chế biến, chế tạo suy giảm đã tác động đến sự suy thoái của nền kinh tế địa phương. Ảnh: T.D

Suy giảm nghiêm trọng

Kinh tế địa phương 9 tháng qua rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Nông, lâm, thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định, thương mại du lịch, dịch vụ có chút khởi sắc.

Tuy nhiên, hai khu vực này chiếm tỷ trọng nhỏ trong “rổ” tăng trưởng (tăng 3,34% và 3,33%), không thể bù đắp nổi sự sụt giảm nghiêm trọng của các ngành kinh tế khác. Thống kê cho thấy công nghiệp – xây dựng đã giảm hơn 23% (công nghiệp giảm hơn 25%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9%. Sự sụt giảm này đã kéo GRDP giảm 8,76%.

Mức sụt giảm đáng kể này đã đưa Quảng Nam rơi vào mức tăng trưởng áp chót trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành, “đội sổ” trong 5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt nói điểm sáng hiếm hoi dù tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP địa phương vẫn nằm trong nhóm tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước.

Với quy mô 81,4 nghìn tỷ đồng, Quảng Nam đã chiếm vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vị thứ 3/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm sút mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm đến 28,9% (ô tô giảm 51%, bia giảm 33%...). Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp đã giảm đến 25,2% (so cùng kỳ 2022). Mức giảm này theo đánh giá là sâu nhất trong nhiều năm qua.

Suy giảm này đã làm giảm 7,84 điểm % vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Chỉ số đáng quan ngại nhất là sử dụng lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp đã giảm 8,7% (chế biến, chế tạo giảm 9,2%).

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hưng, khai khoáng, cung cấp nước tăng 4%, xử lý rác thải, nước thải tăng 12,2%, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ, tác động đến mức tăng trưởng chung không đáng kể.

Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, nhưng tình hình tiêu thụ ô tô chưa thực sự khả quan, kéo theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,1%.

Các nhà máy thủy điện không thể hoạt động hết công suất nên ngành sản xuất, phân phối điện giảm 22%. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Doanh nghiệp đối mặt với khá nhiều áp lực, rất khó để duy trì, phát triển sản xuất, tạo ra tăng trưởng kinh tế.

Sự suy kiệt của nền kinh tế địa phương rất rõ thông qua tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 43,8% dự toán (4.060/9.278 tỷ đồng), thu ngân sách đạt 51% dự toán (13.648 tỷ đồng), tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ đạt 2,7 tỷ USD, giảm 28,9% (xuất khẩu giảm 20,8% - 1,3 tỷ USD và nhập khẩu giảm 35,4% - 1,4 tỷ USD).

Số lượng doanh nghiệp chịu không nổi sức ép đã buộc phải rời bỏ thị trường không hề suy giảm (974 doanh nghiệp), vượt cả lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường (907 doanh nghiệp). Và thiếu năng lực mới, bổ sung sự thiếu hụt của nền kinh tế khi chỉ cấp giấy phép 17 dự án (1 FDI chỉ 1 triệu USD), nhưng đã phải điều chỉnh đến 19 dự án, chấm dứt hoạt động 4 dự án nội địa và thu hồi 3 dự án FDI.

“Ngược dòng” được không?

Ông Lê Quý Đạt cho hay những tháng cuối năm nền kinh tế sẽ có thêm các điểm tựa như tiêu dùng sẽ gia tăng, các doanh nghiệp tìm được hướng để có thể tái gia nhập thị trường, giải ngân không dừng ở mức thấp, sản xuất có xu hướng tăng.

Tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ giảm, nhưng sẽ thấp hơn nhiều so với 9 tháng qua. Tuy nhiên, với mức suy giảm tăng trưởng sâu như hiện tại thì không thể nào có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng đã định (7,5 - 8%).

Nguy cơ suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng (7,5 – 8%) sẽ trở nên “xa vời”. Tuy nhiên, sự suy giảm hiện tại chưa đến mức trở thành “thảm họa”, bức tranh kinh tế không chỉ toàn một màu ảm đạm. Chỉ dấu đầu tiên có thể nhận diện được thông qua số lượng doanh nghiệp đã tái gia nhập thị trường, dù giảm (348 doanh nghiệp, giảm 31,1%).

Các cuộc khảo sát của Cục Thống kê cho thấy ngay trong quý III, đã có hơn 29% số lượng doanh nghiệp khảo sát nói tình hình sản xuất tốt hơn, 38% ổn định (43% doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; 40% doanh nghiệp ngành dệt, 43% sản xuất xe có động cơ...). Quan trọng hơn, số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sản xuất quý IV sẽ tốt hơn, gia tăng đến 40%.

Theo tính toán của Giám đốc Sở Tài chính, việc thu ngân sách không cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn là việc đương nhiên. Nhưng địa phương không có gì phải lo ngại về cân đối ngân sách khi thu ngân sách (kể cả số gia hạn) đã đạt đến 75%, đáp ứng tiến độ.

Địa phương sẽ làm gì, xử lý như thế nào để nắm lấy cơ hội, động lực nào để đưa nền kinh tế về đích đúng kế hoạch, khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm và phải đối mặt với hàng loạt khó khăn của nền kinh tế, lẫn sự bất lợi của thời tiết?

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, GRDP 2023 sẽ không thể đạt kế hoạch là điều chắc chắn. Trước khó khăn của nền kinh tế đã được nhận diện, không còn con đường nào khác là nỗ lực tốt đa có thể để hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, giảm thiểu hết mức có thể sự suy giảm của nền kinh tế.

Sở, ngành, địa phương phải cộng đồng trách nhiệm, chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế trong thẩm quyền. Gia tăng giải ngân vốn đầu tư công. Một khi có khối lượng thì sẽ phải thanh toán ngay, tích cực tìm “địa chỉ” điều chuyển vốn. Các cấp, ngành cần phải có động thái cầu thị cụ thể, giải quyết, xử lý khó khăn, vướng mắc, động viên, khích lệ doanh nghiệp tiếp tục vượt khó, tiếp tục phát triển.

“Sản xuất suy giảm, tăng trưởng giảm sâu là những cảnh báo bất an của nền kinh tế. Lãnh đạo sở, ngành, địa phương đều phải chịu trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, thu ngân sách, ứng phó thiên tai.

Ba tháng còn lại sẽ rất khó khăn. Không hy vọng tất cả vướng mắc, khó khăn của nền kinh tế sẽ được giải quyết ngay trong năm nay. Nhưng gỡ được chừng nào hay chừng ấy. Sự nỗ lực này sẽ là bài học kinh nghiệm để có thể giải quyết hanh thông những vướng mắc trong tương lai” – ông Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm xung lực vượt suy giảm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO