Cảnh giác trước các loại tội phạm công nghệ cao

HỒNG NĂM - MINH TÂN 13/07/2022 05:49

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thậm chí là không quen với các thao tác trên điện thoại thông minh, mạng xã hội... nhiều người đã sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho công nhân là giải pháp được Công an huyện Thăng Bình thực hiện để giúp công nhân sớm nhận diện thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: TÂN NĂM
Tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho công nhân là giải pháp được Công an huyện Thăng Bình thực hiện để giúp công nhân sớm nhận diện thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: TÂN NĂM

Tại huyện Thăng Bình, tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong nhóm đối tượng công nhân lao động độ tuổi từ 18 - 40. Nhiều người khi đã thực hiện xong các thao tác chuyển tiền, cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân mới nhận ra mình đã bị lừa.

Khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục, Thăng Bình), có 15 công ty hoạt động sản xuất, với hơn 10 nghìn công nhân. Thiếu tá Ngô Văn Phúc - Trưởng Công an xã Bình Phục cho biết, điểm chung của công nhân là sau những giờ lao động thường sử điện thoại để xem tin tức, lướt web,... Đây là thời điểm công nhân nhận và thực hiện các thao tác cung cấp thông tin theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.

Tại Bình Phục, chỉ trong vòng 1 tuần Công an xã đã tiếp nhận 15 đơn của công nhân các công ty đóng chân trên địa bàn xã trình báo bị chiếm tài sản qua mạng xã hội. Tình trạng này đang làm nóng lên tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Để giúp công nhân nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, Công an xã Bình Phục đã phối hợp với các công ty tại khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được như DOMEX Quảng Nam, GAMEX, PEAR OUR DOOR, ONEWOO mở đợt tuyên truyền pháp luật, cung cấp thông tin về các hành vi lừa đảo và cách nhận diện loại tội phạm công nghệ cao cho công nhân.

Thiếu tá Ngô Văn Phúc cho biết, ngoài tuyên truyền tại các công ty, Công an xã còn tuyên truyền trên mạng xã hội facebook của công an xã, tổ chức tuyên truyền trực quan bằng panô và trên hệ thống loa truyền thanh của xã để giúp người dân nâng cao hiểu biết, tránh bị lừa đảo.

Theo Thượng tá Nguyễn Tấn Sơn - Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao lừa chiếm đoạt mã OTP, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook) để nhắn tin vay tiền hoặc lừa bán hàng qua mạng xã hội, vay tiền trực tuyến,... đang có dấu hiệu ngày càng tăng.

Đã có không ít trường hợp bị lừa chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Nạn nhân của loại tội phạm này xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng, trong đó tập trung nhất ở nhóm người có độ tuổi 18 - 40...

Trước thực trạng trạng trên, Công an huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an xã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn; trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân sớm nhận diện hành vi, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để tránh bị sập bẫy và kịp thời báo tin cho lực lượng chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn hành vi lừa đảo.

“Đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân tỉnh táo, nhận diện những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi trên internet, mạng xã hội đang là giải pháp được Công an huyện Thăng Bình thực hiện để đấu tranh đối với loại tội phạm công nghệ cao này” - Thượng tá Nguyễn Tấn Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh giác trước các loại tội phạm công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO