Giữ vững chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt nợ đến hạn, thu hồi nợ xấu, bảo toàn vốn nhà nước, đưa tỷ lệ nợ quá hạn về dưới 0,02 là mục tiêu năm 2015 được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Quảng Nam đưa ra.
Tăng trưởng cả lượng và chất
“Lão nông tri điền” trẻ tuổi Nguyễn Văn Song đã khiến dân hai làng Bình An và Đình An (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) ngưỡng mộ bởi sự giàu có từ… chăn bò. Dân địa phương nói nếu chỉ tính mỗi con bò khoảng vài chục triệu hiện tại thì “tài sản” của thanh niên này có thể lên đến “hàng tỷ” đồng chỉ từ mấy triệu đồng vốn vay từ NHCSXH. Anh Song nói không ít người có cơ hội thoát nghèo, có chỗ dựa để lên các kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Theo công bố của Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam, tổng nguồn vốn năm 2014 đã đạt đến 3.231,051 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay khoảng 719,361 tỷ đồng với 34.751 lượt khách hàng vay vốn. Tổng doanh số thu nợ khoảng 584,22 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31.12.2014 khoảng 3.213,936 tỷ đồng, đạt 99,89%. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu tập trung vào 4 chương trình lớn như: cho vay hộ cận nghèo tăng 155,145 tỷ đồng, hộ nghèo tăng 14,308 tỷ đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường tăng 26,999 tỷ đồng và cho các dự án phát triển ngành lâm nghiệp tăng 23,945 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay từ tín dụng chính sách đã giúp nhiều cơ sở mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: N.P |
Không chỉ tăng trưởng huy động và dư nợ cao, chất lượng tín dụng đang ở ngưỡng rất an toàn. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04%/tổng dư nợ. Kết thúc năm 2014, một phòng giao dịch, 26/77 (tăng 21) cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn và 135/244 xã (tăng 84) không có nợ quá hạn. Theo Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam, kết quả này là nỗ lực hơn 100% công sức của cán bộ, nhân viên ngân hàng trong việc thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ xấu tồn đọng, hạn chế tối đa nợ quá hạn mới phát sinh, nâng cao chất lượng cho vay… Thông qua 678 lượt kiểm tra tại các điểm giao dịch xã, 705 lượt xã, 4.076 lượt tổ tiết kiệm, vay vốn và đối chiếu nợ công khai, trực tiếp đến hộ vay… đã ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn, bảo toàn vốn và tạo điều kiện cho dân nghèo tiếp cận và sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam cho hay năm 2014 (sau 12 năm hoạt động), chi nhánh đã hoàn thành toàn diện, bảo toàn đồng vốn nhà nước. Vốn ngân hàng thực sự là công cụ tài chính để các địa phương đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo, nâng chất lượng cuộc sống người dân. “Ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng. Hiệu quả sử dụng vốn, chất lượng tín dụng tăng và nợ quá hạn giảm rất mạnh. Ngân hàng được Chủ tịch HĐQT NHCSXH Việt Nam công nhận tập thể lao động xuất sắc năm 2014 và đơn vị xuất sắc nhất khu vực Nam Trung Bộ là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực của ngân hàng” - ông Lam nói.
Tăng trưởng vốn, giảm nợ quá hạn
“Cần phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, ưu tiên bổ sung vốn ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Chương trình cho vay giải quyết việc làm thuộc nguồn ngân sách tỉnh cần chỉnh sửa cả cơ chế quản lý và cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn”. (Ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam) |
Hàng trăm câu chuyện về hành trình thoát nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi là minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực trở thành bà đỡ, điểm tựa hay là một chiếc “phao cứu sinh” cho người nghèo của Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam trong 12 năm qua. Thu nhập của nhiều người nghèo trên địa bàn tỉnh chưa đủ hay khó để họ trở thành những “đại gia”, nhưng đồng vốn của NHCSXH đã tạo dựng niềm tin khát vọng đổi đời cho dân nghèo. Giờ đây, thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm, người nghèo đã mạnh dạn lên các kế hoạch, dự định thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi và tư vấn của cán bộ tín dụng. Mô hình 1 hội sở tỉnh, 17 phòng giao dịch tại các huyện, thành phố, 244 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và trên 4.114 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động khắp các xã, thôn như cánh tay nối dài của ngân hàng… đã đủ để Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam lạc quan tín dụng chính sách này sẽ nhanh chóng đến với người nghèo ngày càng nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Sương Thu - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam nói nợ xấu đang là nỗi nhức nhối của hệ thống ngân hàng, tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc vẫn chưa thể xử lý nổi. Hiện vẫn còn có quan niệm tín dụng chính sách là tiền nhà nước coi như tài trợ. Trả cũng tốt mà không cũng được. Nhưng tỷ lệ nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam chỉ chiếm khoảng 0,04% là con số mơ ước, chứng minh việc sử dụng vốn ngân hàng rất hiệu quả. Vấn đề quan trọng hiện vẫn là chuyện giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng. Bảo đảm an toàn vốn và đưa đồng vốn của nhà nước thực chất đến địa phương và người nghèo. Ông Nguyễn Văn Dinh - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Nam cho biết năm 2015, toàn hệ thống sẽ đưa tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tăng 8 - 10%, tăng 100% tiền gửi huy động, nâng cao chất lượng tín dụng bền vững, đưa tỷ lệ nợ quá hạn vào cuối năm ở mức dưới 0,02%/tổng dư nợ và thu lãi đạt 100% số lãi phải thu. Tuy nhiên, ông Dinh cũng cho rằng hiện cơ chế cho vay chương trình giải quyết việc làm thuộc ngân sách tỉnh chưa phù hợp. Nhiều hộ có nhu cầu nhưng chưa thể tiếp cận được khiến nguồn vốn thường xuyên tồn đọng. Không ít hộ vay bỏ đi khỏi địa phương không trả nợ ngân hàng...
Tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Một khi người nghèo có điểm tựa vững vàng về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin họ sẽ nhanh chóng tự mình tìm kế sách vượt thoát đói nghèo. Đó là lý do dân chúng rất cần ngân hàng huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn. Tín dụng chính sách cần đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng ở vùng nông thôn, miền núi… và nhất là cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền hiệu quả đến người dân có thể kịp thời nắm bắt các chế độ chính sách tín dụng của nhà nước để tiếp cận và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn.
NHẬT PHONG