Cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đang góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân miền núi.
Ghi nhận ở Bắc Trà My
Hầu hết hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Trà My được tiếp cận tín dụng chính sách đã đầu tư hiệu quả các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như hộ ông Nguyễn Văn Linh (dân tộc Co, thôn 1, xã Trà Giang) đã được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Trà My cho vay ưu đãi hộ nghèo và cho vay dự án phát triển lâm nghiệp với tổng cộng 150 triệu đồng.
Ông Linh đầu tư trồng 8ha keo lá tràm, sau 5 năm cây phát triển tốt, ông Linh thu hoạch, bán và thu lãi hơn 500 triệu đồng. Chủ động được nguồn vốn, ông Linh tiếp tục đầu tư trồng keo và nuôi heo, trâu, bò.
“Bí quyết của tôi là kiên trì, cần mẫn, làm việc thấu đáo. Gia đình tôi đã thoát nghèo, thu nhập ổn định, đảm bảo chăm lo cho con cái học hành, sắm đầy đủ vật dụng trong nhà” - ông Linh nói.
Hôm nay 20.5, tại Hội trường số 1 UBND tỉnh, số 62 Hùng Vương, TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ngân hàng CSXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo với chủ đề: “Về thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022 - 2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.
Trà Giáp là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Trà My. Toàn xã có 906 hộ (hơn 3.650 nhân khẩu) thì đã có đến 754 hộ nghèo, với 749 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng dư nợ vay tín dụng chính sách trên địa bàn đạt gần 31,9 tỷ đồng với 657 hộ vay, không có nợ quá hạn.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết, chất lượng tín dụng tốt đồng nghĩa với người vay sử dụng vốn hiệu quả. Đó là đòn bẩy giảm nghèo, đảm bảo an sinh cho người dân địa phương.
“Tín dụng chính sách đã lan tỏa đến từng nóc, từng nhà, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế. Được hỗ trợ vay vốn chính sách, hướng dẫn cách làm ăn, đời sống người dân địa phương chắc chắn sẽ đổi thay trong thời gian đến” - ông Phụng nói.
Ông Phan Hồng Nhật - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho biết, tổng dư nợ cho vay toàn huyện đến cuối tháng 4 đạt gần 463,4 tỷ đồng (tăng trưởng 7,1% so với năm 2021, hoàn thành 86,5% kế hoạch năm 2022 với 7.803 khách hàng còn dư nợ).
Chất lượng tín dụng được giữ vững. Ngân hàng chính sách nâng cao chất lượng hoạt động bằng cách kiểm soát tốt nợ đến hạn, tập huấn giúp các tổ vay vốn & tiết kiệm tăng năng lực quản lý, đề cao vốn ủy thác của các hội, đoàn thể, chủ động đưa vốn đến hộ nghèo, chính sách qua các điểm giao dịch ở UBND các xã.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho vay và huy động tiền gửi dân cư để đạt kế hoạch tỉnh giao. Tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, giám sát từ xa được chú trọng để tránh những sai sót” - ông Nhật nói.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ngân hàng CSXH Quảng Nam đang thực thi hữu hiệu tín dụng chính sách, không để người nghèo, hộ diện chính sách toàn tỉnh nói chung, miền núi nói riêng bị bỏ lại phía sau.
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021 đã giải ngân vốn đến 86 nghìn lượt khách hàng ở 9 huyện miền núi với số tiền hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 41.623 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay 1,6 nghìn tỷ đồng với 20 chương trình tín dụng ưu đãi khác nhau. Các nguồn vốn vay đã giúp tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm từ 40,85% năm 2015 xuống còn 15,26% cuối năm 2021.
Người dân vùng dân tộc thiếu số và miền núi được vay 100 triệu đồng/hộ với thời hạn 120 tháng. Ngân hàng CSXH Quảng Nam tạo cầu nối giữa chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể, ngành khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với người vay vốn để trang bị kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, giúp người dân nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, ổn định thu nhập, thoát nghèo.
Ông Lê Hùng Lam cho biết thêm, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng tây Quảng Nam; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị định 28 của Chính phủ là kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng chính sách ở miền núi Quảng Nam trong thời gian đến.
Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách hằng năm đạt 9 - 11%, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, chính sách miền núi, người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính sách này đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân tại các huyện miền núi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
“Tín dụng chính sách đến miền núi đã giúp khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng được tăng cường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.