Tài chính - Thị trường

Tín dụng chính sách trợ lực phong trào khởi nghiệp Quảng Nam

VIỆT NGUYỄN 25/04/2024 08:47

Tín dụng chính sách đã dành nguồn lực giúp người dân trên địa bàn tỉnh triển khai thuận lợi các dự án khởi nghiệp.

kn-2(1).jpg
Dự án khởi nghiệp của chị Diệp Thị Thảo Trang khá thành công. Ảnh: Q.VIỆT

Những mô hình thành công

Chị Diệp Thị Thảo Trang cùng chồng khởi nghiệp bằng dự án nông nghiệp công nghệ cao ở thôn Nam Hà (xã Bình Dương, Thăng Bình).

Chị Trang vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình để đầu tư trồng dưa lưới, cà chua, các loại rau thủy canh và dâu tây trên 2.200m2 nhà kính. Sản xuất nông nghiệp sạch quanh năm, chị Trang có doanh thu 90 - 120 triệu đồng/tháng.

Để mở rộng quy mô sản xuất, chị Trang đã vay thêm 20 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình để đầu tư công trình nước sạch và hệ thống tưới nước tự động phục vụ canh tác cây trồng.

“Khởi nghiệp thời gian đầu rất khó nên tôi cần nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách. Vốn vay này không gây áp lực lớn cho thanh niên khởi nghiệp. Vốn chính sách là bệ đỡ giúp quá trình khởi nghiệp của tôi suôn sẻ đến nay” - chị Trang nói.

HTX Best One (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) với các sản phẩm bột nhàu, nhàu lát khô, nhàu tươi ngâm mật ong, trà nhàu túi lọc, viên nhàu… mang thương hiệu “Noni Best One” được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. HTX Best One có doanh thu khá cao và là đơn vị khởi nghiệp thành công.

Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Best One cho biết, vay vốn chính sách 70 triệu đồng cộng với các nguồn lực khác là cơ sở quan trọng để HTX đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại tạo nên hàng hóa chất lượng, được thị trường đón nhận.

Ông Đoàn Thiện Ngọc Vũ - Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho biết, từ nguồn vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình, đơn vị cho thanh niên vay vốn tạo việc làm, sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án khởi nghiệp với dư nợ 146,808 tỷ đồng.

Huyện đoàn phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình tập huấn cho cán bộ phụ trách cho vay vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của thanh niên hiệu quả.

Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam) cho biết, tổng dư nợ cho vay 54 dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 4,098 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách cho vay các dự án khởi nghiệp đã giúp người dân phát triển kinh tế, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, khơi thông thế mạnh địa phương, góp phần tạo diện mạo khởi sắc cho vùng nông thôn. Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp ở Quảng Nam thuộc nhiều lĩnh vực như trang trại tổng hợp, chế biến thực phẩm, nước uống, nuôi trồng thủy sản, đầu tư dược liệu…

Trợ lực trong khởi nghiệp

Tín dụng chính sách đã thiết thực giúp người dân khởi nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, theo Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, nguồn lực ưu đãi cho vay các dự án khởi nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

kn3.jpg
Các dự án khởi nghiệp đã giúp người dân phát triển kinh tế, khơi thông thế mạnh địa phương. Ảnh: Q.VIỆT

Hiện nay, Trung ương và Quảng Nam chưa có kế hoạch phân bổ nguồn vốn để cho vay khởi nghiệp. Hằng năm từ nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ủy thác và vốn từ huy động tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức cá nhân trên địa bàn, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam ưu tiên cho vay các dự án khởi nghiệp nhằm tiếp tục tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng phong trào khởi nghiệp Quảng Nam.

Ông Hoàng Thanh Lân cho biết, hiệu quả thực hiện vay vốn chính sách đối với khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn. Đó là không ít thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp tự phát.

Phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Phối hợp chưa thực sự gắn kết giữa các cơ quan trong hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các dự án khởi nghiệp và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp.

Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh niên vay vốn khởi nghiệp chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi nên chưa thực sự hiệu quả lại tiềm ẩn rủi ro.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, để hỗ trợ tốt cho các dự án khởi nghiệp, hằng năm chính quyền các cấp cần ủy thác ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác sang Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam nhiều hơn nữa.

“Cần phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng chính sách, các cơ quan chức năng và các chủ thể khởi nghiệp để lồng ghép chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư vào dự án khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy khởi nghiệp thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng chính sách trợ lực phong trào khởi nghiệp Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO