Tín dụng chính sách với người dân ven biển

VIỆT NGUYỄN 20/07/2023 07:45

Các chương trình cho vay ưu đãi ở khu vực ven biển cho thấy hiệu quả ở góc độ kinh tế và an sinh xã hội, cần nâng cao chất lượng tín dụng để có thêm nhiều người tiếp cận.

Bà Trần Thị Thu Vân điêu khắc sản phẩm từ gốc tre. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Trần Thị Thu Vân điêu khắc sản phẩm từ gốc tre. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vợ chồng bà Trần Thị Thu Vân (khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, Hội An) vay 70 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hội An hồi tháng 3/2023 để đầu tư các thiết bị, máy móc phục vụ điêu khắc các sản phẩm từ gốc tre.

Cơ sở của bà Vân hiện có 4 người thợ chế tác, sản phẩm điêu khắc đủ loại, bày bán tại nhà và cơ sở bán hàng ở số 26 Bạch Đằng (Hội An). Mỗi tháng trung bình bà Vân thu được 100 triệu đồng, trả lương nhân công và chi phí khác còn lại 30 triệu đồng.

“Tôi vay vốn chia thành 6 kỳ, mỗi kỳ 6 tháng, mỗi tháng tôi trả tiền gốc gần 2 triệu đồng, còn tiền lãi mỗi tháng không nhiều nên không chịu nhiều áp lực. Nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi, tôi có sinh kế ổn định và có điều kiện lo cho các con ăn học” - bà Vân nói.

Bà Nguyễn Thị Mỵ - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An cho biết, tổng dư nợ cho vay ở các xã, phường vùng ven biển hiện nay là hơn 65 tỷ đồng. Riêng ở 2 xã ven biển Cẩm Thanh và Tân Hiệp, cho vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường hiện gần 7,5 tỷ đồng với 563 hộ vay vốn. Tín dụng chính sách ở khu vực ven biển chưa phát sinh nợ quá hạn.

“Chúng tôi tiếp tục đồng hành với hộ nghèo, chính sách nói chung, người dân khu vực ven biển nói riêng. Hộ nào có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn thì được khẩn trương xét duyệt, nhanh chóng giải ngân” - bà Mỵ nói.

Dọc theo vùng ven biển Thăng Bình từ Bình Dương đến Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam…, những ngôi nhà khá khang trang giúp người dân an cư.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, đơn vị đang có dư nợ cho vay ở khu vực ven biển gần 174 tỷ đồng với 3.851 hộ vay vốn. Trong số 14 chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất.

“Chúng tôi kiểm tra kỹ hồ sơ vay vốn của hộ dân để đảm bảo đúng đối tượng. Sau khi giải ngân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã và các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên để giúp người dân làm ăn hiệu quả. Người dân ý thức rõ về vốn vay ưu đãi nên trả nợ đúng hạn, gửi tiết kiệm đều đặn” - ông Tuấn nói.

Tín dụng chính sách đã tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ven biển. Tuy vậy, nhu cầu vay vốn của người dân nơi đây còn cao, nhiều hộ chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Trong khi đó, không ít hộ tiếp cận được vốn vay thì không chí thú làm ăn, bỏ đi khỏi nơi cư trú.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, cùng với vốn ủy thác và huy động trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần huy động thêm vốn từ trung ương để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay của người dân ven biển.

Ngân hàng chính sách phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở để giám sát sử dụng vốn vay của người dân ven biển, động viên, chia sẻ khó khăn, tiếp sức họ xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả để trả nợ đúng hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng chính sách với người dân ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO