Trong quý I.2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, các gói tín dụng ưu đãi tri ân khách hàng. Tuy nhiên do cầu tín dụng thấp, dư nợ cho vay giảm 1,25% so với đầu năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam, đến ngày 31.3.2021 tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 78.359 tỷ đồng, giảm 1,25% so với đầu năm, trong đó, dư nợ ngắn hạn giảm 1,38%, trung hạn giảm 1,13%, nội tệ giảm 1,31%.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, do tác động xấu dai dẳng của dịch Covid-19, khách hàng doanh nghiệp (DN) có dư nợ giảm sâu, chỉ đạt 35.417 tỷ đồng (chiếm 45,19% tổng dư nợ, giảm 4,22% so với đầu năm). Dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân cũng giảm thấp, mặc dù tăng 1,34% so với đầu năm nhưng lại giảm 4,71% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như trước đây rào cản lớn khiến DN e dè vay vốn của ngân hàng là lãi suất cao thì nay trong bối cảnh lãi suất thấp, trở ngại của DN là khó cả đầu vào nguyên liệu lẫn đầu ra hàng hóa. Các chương trình tín dụng ở Quảng Nam, nhất là các lĩnh vực ưu tiên vào thời điểm này đều giảm so với đầu năm như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ, riêng khoản cho vay ứng dụng công nghệ cao, không có DN nào có nhu cầu tiếp cận.
Đến nay, khối NHNN vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng trên địa bàn tỉnh với thị phần 62,44%, tiếp đến là khối ngân hàng thương mại cổ phần với 28,38%... Đồng hành, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết quý I.2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 960 khách hàng với 3.190 tỷ đồng; doanh số cho vay mới phát sinh từ ngày 23.1.2020 đạt 26.955 tỷ đồng, trong đó, doanh số cho vay DN chiếm 16,3%, doanh số cho vay khách hàng cá nhân chiếm 83,49%.
Về chất lượng tín dụng, ông Phạm Trọng cho biết, vẫn trong tầm kiểm soát của các ngân hàng thương mại. Tổng nợ xấu là 683,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,87% tổng dư nợ, tăng 0,35% so với đầu năm. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng nợ xấu cao nhất là 68,04%, khối ngân hàng thương mại cổ phần là 28,85%, tiếp đến là ngân hàng chính sách xã hội với 1,22%, ngân hàng nước ngoài là 1,85%...
NHNN vừa ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư 03 có hiệu lực thi hành từ ngày 17.5.2021, được DN và cả các tổ chức tín dụng chờ đợi nhiều trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Hải Hà - Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Với quy định tại Thông tư 01, ngân hàng chỉ có thể cơ cấu lại nợ theo từng quý hoặc vài tháng/lần vì không xác định được khi nào hết dịch bệnh. Còn Thông tư 03 cho phép có thể cơ cấu lại đối với những khoản nợ phát sinh đến cuối năm 2021, ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay mới đối với những khách hàng đang được cơ cấu”.
Khi nhận được thông tin Thông tư 03 có hiệu lực từ tháng 5 đến, một DN chia sẻ, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến cuối năm nay sẽ tác động lớn vì đang có khoản vay lớn. Việc này có ý nghĩa động viên, tiếp sức DN vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài để từ đó có thể nắm bắt cơ hội vay vốn mới, đầu tư lớn hơn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường...