Nghị định số 28 của Chính phủ về tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mang lại động lực rất lớn để người dân huyện Nam Trà My vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tăng cơ hội thoát nghèo
Vượt nhiều cây số đường rừng, các hộ gia đình Xê Đăng tại xã Trà Cang (Nam Trà My) phấn khởi khi được nhận tiền vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Nhiều hộ trong số đó đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách để sớm được thoát nghèo.
Vợ chồng chị Hồ Thị Diệp và anh Hồ Văn Phú (thôn 1, Trà Cang) cõng theo con nhỏ để đến điểm giao dịch. Vốn quanh năm làm nương rẫy, nên khi hỏi đến nguồn thu nhập thì anh chị chỉ biết tặc lưỡi, vì làm ra hạt gạo, củ sắn chỉ đủ ăn, không dư giả.
“Nghe Đoàn xã Trà Cang thông báo có thể vay vốn với lãi suất rất thấp, vợ chồng tôi mừng lắm, đợt này vay 50 triệu đồng để làm vườn và mua sâm giống về trồng ở thôn 2, không lo thiếu việc để làm” - chị Diệp tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Ái (thôn 3, xã Trà Cang) trước đây đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sửa chữa nhà ở, trồng quế Trà My và một ít sâm Ngọc Linh. Nay chị tiếp tục mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 28, gia đình bỏ thêm 5 triệu đồng để đầu tư sản xuất.
“Lập gia đình sớm, nay đã có 3 con nhỏ nên mình phải ở nhà trông con, nguồn thu chính đều từ công việc lái xe của chồng. Bây giờ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện có chương trình cho vay lãi suất thấp nên hai vợ chồng quyết định vay để trồng thêm sâm Ngọc Linh. Mình mua giống 3 năm tuổi để sang năm có thể thu hoạch hạt, cố gắng trả lãi đúng hạn cũng như trả được tiền gốc cho ngân hàng” - chị Ái chia sẻ.
Chị Ái cũng là một trong số nhiều hộ gia đình đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Trà Cang tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để thoát nghèo. Anh Hồ Văn Đép - Bí thư Đoàn xã Trà Cang thông tin, nhiều hộ thanh niên vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đơn cử như hộ Trần Quân Số, Nguyễn Thành Tiếu, Hồ Văn The, Hồ Văn Dũng…
“Đoàn xã hiện nay có 106 đoàn viên, 3 tổ quản lý vay vốn, qua các đợt kiểm tra nguồn vốn vay, chúng tôi thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền ý nghĩa của vốn tín dụng, định hướng sử dụng nguồn vốn bằng các giống cây trồng, con vật nuôi, trọng tâm là trồng sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu để đem lại hiệu quả tốt nhất” - anh Đép nói.
Gỡ khó cho địa phương
Xã Trà Cang là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Nam Trà My, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều hiên nay lên tới 719 hộ, chiếm gần 70% tổng số hộ toàn xã. Dù vậy, địa phương vẫn từng bước nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo thông qua rất nhiều giải pháp, trong đó có việc tranh thủ nguồn vốn, nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ người dân tập trung phát triển kinh tế.
Theo anh Hồ Văn Đép, nguồn vốn vay tín dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là khi sâm Ngọc Linh có thương hiệu, đoàn viên thanh niên có điều kiện để phát triển số lượng, mở rộng vùng trồng.
“Nghị định 28 là một chính sách mới, do đó Đoàn xã Trà Cang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Qua khảo sát, nhu cầu đoàn viên thanh niên tiếp cận vốn vay rất cao, khả năng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích cũng được đảm bảo, kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội giúp cho nhiều hộ thanh niên mạnh dạn đăng ký thoát nghèo” - anh Đép nói thêm.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang nhìn nhận, nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho nhiều hộ dân từng bước cải thiện đời sống, nâng cao mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trong thời gian qua.
“Đối với Nghị định 28 của Chính phủ, đây là một trong những nguồn lực hỗ trợ quan trọng và có thể nói là một chính sách hết sức nhân văn, bởi thời hạn cho vay và lãi suất cho vay đều thuận lợi.
Đối với xã Trà Cang, các đối tượng hầu hết đều nằm trong 4 chương trình cho vay nên lượng người dân có thể tiếp cận để vay vốn khá đông. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay này để phát triển cây dược liệu, góp phần giải quyết được lao động tại chỗ” - ông Lạc nói.
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My thông tin, năm 2022, UBND tỉnh phân bổ cho UBND huyện Nam Trà My 15 tỷ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ.
“Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo và phối hợp với hội đoàn thể huyện triển khai đồng bộ chương trình tín dụng chính sách mới Nghị định 28 đến với 10 xã. Chúng tôi tin tưởng nguồn vốn này sẽ góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My” - ông Quang nói.