Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thời gian qua đã giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp sức hộ nghèo
Triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP.Hội An đã nỗ lực huy động vốn, đề xuất Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phân bổ vốn, tham mưu UBND TP.Hội An chuyển nguồn vốn ngân sách 7 tỷ đồng, phối hợp với Hội Nông dân TP.Hội An phát động thi đua huy động tiết tiệm vì người nghèo đạt 11 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách đi vào phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo việc làm của người dân đạt hơn 161 tỷ đồng; cho vay ưu đãi phục vụ đời sống, sinh hoạt nhân dân hơn 81 tỷ đồng.
Hơn 3,5 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện công tác an sinh xã hội, thiện nguyện với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, nổi bật là hỗ trợ người dân xã kết nghĩa Trà Vân (Nam Trà My) về bò giống, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ xây dựng nhà nghĩa tình cho 1 hội viên cựu chiến binh tại huyện Nam Trà My; tặng 1 nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ nghèo tại huyện Nam Giang; nhận đỡ đầu 14 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 500 nghìn đồng/tháng/em; hỗ trợ 19 học sinh thuộc chương trình “Cặp lá yêu thương”; hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn và trợ giúp các gia đình bị thiệt hại do bão lũ...
Bà Nguyễn Thị Mỵ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An cho biết, nguồn vốn chính sách đã phát huy được hiệu quả, góp phần cùng TP.Hội An thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội. Tín dụng chính sách đã góp sức giúp TP.Hội An không còn hộ nghèo.
Tại huyện Nam Giang, bà Ngô Thị Hường - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết, địa bàn có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều nhất là người Tày, Nùng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tín dụng chính sách đã giúp người dân làm ăn hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.
Như hộ bà Hà Thị Chiến, sau khi vay 30 triệu đồng đã đầu tư trồng 2ha keo lá tràm và mua con bò sinh sản, đến nay đều đạt hiệu quả kinh tế. Hay hộ bà Nguyễn Thị Mến vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư mua 3 con bò sinh sản, sau thời gian nuôi đã đem lại thu nhập ổn định...
Ông Trần Cao Kim - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn cho hay, thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phái sau”, đơn vị đã tham mưu UBND huyện phân bổ nguồn vốn chính sách tăng dần, năm 2021 là 600 triệu đồng, năm 2022 là 1 tỷ đồng, năm 2023 là 2 tỷ đồng để có thêm nhiều hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan rà soát, bình xét công tâm để các hộ nghèo được vay vốn làm ăn hiệu quả, thoát nghèo.
“Dư nợ đến nay đạt gần 246 tỷ đồng, chủ yếu cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… Chúng tôi tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách vì giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội” - ông Kim nói.
Lan tỏa sâu rộng
Cuối tuần qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam tổ chức sơ kết phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Theo báo cáo, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đến ngày 30/9 là 2.929 tỷ đồng (tăng 625 tỷ đồng so với năm 2021, tỷ lệ tăng 27,2%) với 63.490 hộ còn dư nợ. Nhờ đó góp phần tích cực trong giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới từ từ 7,59% năm 2021 xuống 6,63% năm 2022.
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam khẳng định: “Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo giúp người dân vượt qua khó khăn, vượt lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững”.
Sức lan tỏa của phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, các tổ tiết kiệm & vay vốn, nhất là quyết tâm làm ăn sau khi vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Nguồn vốn ưu đãi kịp thời tiếp sức cho người nghèo có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, từng bước làm giàu chính đáng.
Để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất để phát hiện các bất cập và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện tốt giải ngân nguồn vốn gắn chặt với khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, liên kết tiêu thụ sản phẩm.