Tín dụng vi mô: Thị trường tiềm năng

Trịnh Dũng 22/05/2013 08:40

Người nghèo “khát vốn” nhưng thiếu thông tin, ngân hàng “ít thiện chí” với những món vay nhỏ. Điều này khiến tín dụng vi mô chưa thể phát triển mạnh mẽ và hiệu quả ở Quảng Nam.

Người người cần vốn

Hơn 50 hộ dân đang tham gia du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) háo hức tham dự cuộc hội thảo tài chính vi mô do Liên minh HTX Quảng Nam phối hợp Văn phòng ILO Quảng Nam tổ chức hôm 14.5. Họ bàn tán sôi nổi và đặt rất nhiều câu hỏi quan tâm tới thủ tục, lãi suất thấp và tín chấp với thời hạn vay trung, dài hạn thay vì ngắn hạn sau khi các ngân hàng trình bày các sản phẩm tín dụng và giải tỏa mối quan ngại về việc tiếp cận ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đều cho rằng, không quá khó để tiếp cận ngân hàng khi có ý tưởng kinh doanh rõ ràng và dự án phải mang tính cộng đồng, nhưng hầu hết dân nghèo đều không “để ý” tới lãi suất, quy trình cho vay của các ngân hàng thương mại mà chỉ quan tâm đến gói vay lãi suất 0,2%/năm của Quỹ hỗ trợ HTX và không muốn có tài sản thế chấp!

 Một hội thảo trao đổi thông tin về tài chính vi mô được tổ chức tại Duy Phú.                                                                                                Ảnh: T.DŨNG
Một hội thảo trao đổi thông tin về tài chính vi mô được tổ chức tại Duy Phú. Ảnh: T.DŨNG

Trái với sự chờ đợi và hy vọng của người dân, ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX Quảng Nam nói, ngân hàng hay quỹ đều cũng cho vay có điều kiện, có nguyên tắc chứ không phải giải ngân cho bất cứ ai có nhu cầu. Tất cả đều phải có tài sản thế chấp, không tín chấp. Mặt khác, những người dân nghèo này khó có đủ khả năng để lập một dự án và trình bày một cách thuyết phục cho ngân hàng nên đã trở thành rào cản. Kết quả của những cuộc hội thảo như thế này, nói như ông Võ Bảy - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Quảng Nam, chỉ là kênh đối thoại, trao đổi  để các nhà cung cấp tín dụng tìm hiểu khách hàng tiềm năng, người dân tìm hiểu chính sách và cách tiếp cận, nhu cầu tín dụng.

Theo một cuộc điều tra của bà Nguyễn Thị Bích Vân và Nguyễn Thanh Hà - thuộc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) hồi cuối năm 2012, tại Quảng Nam rất nhiều người cần vốn để sản xuất, kinh doanh. Tất cả đều có một câu trả lời là thiếu thông tin, ít biết thủ tục và e ngại khi vay ở các ngân hàng, nếu được thì cũng khó khả năng trả nợ hoặc phải chịu lãi suất quá cao, không thể làm ăn có lãi. Chỉ 1/3 số người được điều tra cho rằng đã tiếp cận được vốn vay ngân hàng với số tiền nhỏ. Kết quả này cho thấy người dân luôn cần vốn nhưng “mù tịt” về chính sách, thủ tục, còn ngân hàng thì lại thiếu thiện chí với tín dụng vi mô nên không thiết kế những sản phẩm tín dụng phù hợp cho dân nghèo. Theo một vài khách hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường, nhưng họ vẫn mong muốn có mức lãi thấp hơn vì mức lãi này vẫn còn cao so với khả năng trả nợ của họ. Họ mong muốn được vay dài hạn hơn, 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Người nghèo rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh.
Người nghèo rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh.

Thị trường tiềm năng vẫn “tắc”

Theo nhiều cán bộ quản lý tài chính, với gần 1,5 triệu dân, Quảng Nam được xem là thị trường đầy tiềm năng, việc cung cấp tín dụng vi mô có thể là giải pháp bền vững của các ngân hàng hơn là những gói tín dụng lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Không loại trừ khả năng người nghèo thiếu kỹ năng cơ bản về quản lý tài chính và năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh, lập dự toán và quản lý một dự án tạo thu nhập thì quan điểm của nhiều ngân hàng cho rằng các khoản vay nhỏ tốn nhiều chi phí, nhưng ít sinh lợi… đã khiến dòng tín dụng này vẫn bị “tắc” trong nhiều năm qua.

Ngân hàng cần chủ động phát triển tín dụng vi mô
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần thay đổi phương pháp tiếp thị, chủ động tìm đến khách hàng thay vì đợi họ đến trụ sở để hỏi thông tin. Các cuộc họp với cộng đồng cũng là một kênh thông tin rất hiệu quả, thường được các tổ chức tài chính vi mô sử dụng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của họ. Trừ việc các ngân hàng thương mại không muốn cung cấp tín dụng vi mô cho người nghèo, còn nếu có thiện chí thì chỉ cần chủ động nghiên cứu, quan tâm tới thị trường này thông qua các kênh quảng bá giới thiệu, thiết kế sản phẩm… lẫn tìm cơ chế linh hoạt thì không khó để khai thông hiệu quả dòng vốn tín dụng vi mô đến số đông dân nghèo, giúp họ thoát nghèo bền vững, dần bớt đi sự trợ giúp của Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, hiện Quảng Nam có 19 ngân hàng và 3 quỹ tín dụng nhân dân đang cung cấp dịch vụ, nhưng trừ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT gần như “phủ sóng” toàn tỉnh thì các ngân hàng thương mại khác chỉ tập trung ở khu vực thành thị, đồng bằng. Sacombank và Đông Á được xem là hai ngân hàng thương mại tiên phong trong việc cung cấp sản phẩm tài chính dành cho người thu nhập thấp. Sacombank cho tiểu thương chợ Hội An vay vốn, trả hằng ngày vốn và lãi suất, còn Đông Á đang thử nghiệm những khoản vay cùng với hội liên hiệp phụ nữ ở các huyện, thành phố. Cả hai đều cho rằng thị trường tín dụng vi mô rất có tiềm năng và có thể sinh lợi.

Các thử nghiệm của Sacombank, Đông Á chứng tỏ thị trường tài chính vi mô cũng đã thể hiện sự an toàn, có lợi nhuận, nhưng trừ họ ra, hầu hết ngân hàng thương mại đều không có nhiều thiện chí để tiếp cận các cộng đồng có thu nhập thấp. Vì vậy, các ngân hàng thương mại nên nhìn nhận lại thị trường này như một thị trường giàu tiềm năng, đôi khi lại không phải gặp “nợ xấu”... Trên thực tế, khách hàng tài chính vi mô thường không có tài sản thế chấp, hoặc họ chỉ cần vay món nhỏ nên không muốn giao giấy tờ nhà đất nên các ngân hàng thương mại cần tìm biện pháp khác thay thế thế chấp đối với các khoản vay nhỏ. Có thể là bảo lãnh theo nhóm đoàn kết, lựa chọn đồng đẳng, ý kiến của chính quyền địa phương…, và các món vay lớn hơn, có thể cân nhắc các loại thế chấp linh hoạt khi có thể, ví dụ như tài sản hình thành từ khoản vay, thay vì thế chấp quyền sử dụng đất hay sở hữu nhà ở…

Trịnh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng vi mô: Thị trường tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO