Bộ GT-VT đã đề nghị Quảng Nam hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư khai thác Cảng hàng không Chu Lai; báo cáo kết quả nghiên cứu đầu tư, mở rộng quốc lộ 14D. Đại học Đà Nẵng đã lên tiếng “kêu cứu” về dự án Làng đại học lên Bộ GD-ĐT... Những tín hiệu này cho thấy đây là cơ hội “hồi sinh” việc thực thi kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Mỏi mòn... chờ đợi
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tạo luồng sinh khí mới, mở đường cho Quảng Nam phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói kết luận của Thủ tướng không chỉ là “cơ hội vàng” cho địa phương định vị thành một cực tăng trưởng trong tương lai mà còn có thêm những hạ tầng mang tính chiến lược, kích thích sự phát triển liên vùng như hệ thống cảng biển, sân bay, giao thông kết nối xuyên Á...
Cơ hội có một không hai. Thế nhưng, sau hơn 1 năm, trong số 9 kiến nghị được Thủ tướng chấp nhận chủ trương, chỉ duy nhất tuyến quốc lộ (QL) 14E được đầu tư xây dựng. Các phần việc khác trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ chưa thể thực hiện được.
Dự án Làng đại học Đà Nẵng mới dừng lại ở việc tổng hợp các kiến nghị. Hơn 600 hộ dân 26 năm vẫn “mắc kẹt” giữa vùng dự án. Chuyện xã hội hóa đầu tư Mỹ Sơn, không chỉ chính quyền địa phương mà ngay cả Trung ương cũng loay hoay, khó xây dựng đề án vì liên quan đến nhiều cơ chế và tầm nhìn lâu dài.
Quảng Nam đã rà soát, đánh giá lại diện tích thực trạng rừng phòng hộ ven biển để có thể điều chỉnh, nhưng cho đến nay các bộ, ngành vẫn chưa thành lập đoàn để khảo sát thực tế.
Bộ TN-MT vẫn chưa trả lời địa phương có được lập thủ tục khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác nhanh để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica hay mặt bằng để triển khai các công trình, dự án theo quy hoạch hay không?
Cảng biển Quảng Nam vẫn vậy, không thể đón được tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng. Nhiều doanh nghiệp như Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Thiên Tân Group - Quảng Ngãi, Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã từng đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai đã buộc phải rời đi vì không thể giải quyết được các “rắc rối” trong quy hoạch khu vực này.
Kiến nghị quan trọng bậc nhất là đầu tư nâng cấp, mở rộng QL14D kết nối xuyên Á đến cảng biển Quảng Nam và Đà Nẵng không thể thực hiện được. Không doanh nghiệp nào có ý định tài trợ vốn không hoàn lại mở rộng QL14D theo như đề xuất của Bộ GT-VT. Các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều bất thành.
Không còn cách nào khác, Quảng Nam đề nghị Bộ GT-VT báo cáo Thủ tướng cho dừng nghiên cứu đầu tư, mở rộng, nâng cấp QL14D theo PPP và “xin” Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư công 2021 – 2025 và 2026 – 2030, kiến nghị sử dụng vốn vay nước ngoài để mở rộng, nâng cấp QL này. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, vẫn chưa thấy Bộ GT-VT hồi âm.
Đã nhìn thấy ánh sáng
Tưởng chừng việc thực thi kết luận Thủ tướng Chính phủ “nguội lạnh”, đã bất ngờ “sống lại” khi PGS-TS.Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng báo cáo Bộ GD-ĐT, làm việc với Đà Nẵng, Quảng Nam, tháo gỡ vướng mắc cho việc đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao UBND thị xã Điện Bàn chuẩn bị tất cả nội dung, tài liệu để Quảng Nam sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT.
Thông tin đáng chú ý là ngày 12/9/2023, ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ GT-VT đã có văn bản đề nghị Quảng Nam báo cáo kết quả nghiên cứu đầu tư, mở rộng, nâng cấp QL14D. Ông Lâm cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã được giao thẩm quyền chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đầu tư, báo cáo cấp thẩm quyền.
Bộ GT-VT đề nghị Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu. Bộ sẽ phối hợp Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các kiến nghị của Quảng Nam. Một báo cáo về sự vụ này sẽ được Quảng Nam trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 22/9/2023, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GT-VT thông báo địa phương có thể chủ động, tiếp tục hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tại địa phương. Nghiên cứu cụ thể phương án, quy mô đầu tư theo tính chất, điều kiện phát triển và quy hoạch của cảng.
Địa phương có thể nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (nhà khai thác cảng hàng không hiện hữu) thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới, đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không (ACV nắm cổ phần chi phối).
Theo Bộ GT-VT, các công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu cần nâng cấp, cải tạo để bảo đảm hoạt động khai thác thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư.
Nếu nguồn vốn nhà nước không đảm bảo, thì nghiên cứu, đầu tư kết hợp với khu hàng không dân dụng theo phương thức PPP, trong đó đầu tư đường cất, hạ cánh, đường lăn theo hợp đồng BTO.
Thông báo từ Văn phòng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan làm việc với Viện Chiến lược và phát triển GT-VT, hoàn chỉnh đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền cho ý kiến để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GT-VT nói đã được giao trách nhiệm làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để đôn đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không (đơn vị tư vấn) khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai (thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050), trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, sớm triển khai thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Sở GT-VT cũng sẽ chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng về kết quả nghiên cứu đầu tư mở rộng, nâng cấp QL14D.
Chỉ mới 3/9 kiến nghị được xới lên sau nhiều ngày im ắng. Tuy nhiên, tín hiệu này sẽ mở ra cơ hội “hồi sinh” cho việc thực thi kết luận của Thủ tưởng Chính phủ trên diện rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Quảng Nam đã cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung đề xuất đều ngắn gọn, có tầm nhìn chiến lược và khả thi trong ngắn hạn. Sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành quyết định rất lớn vào sự thành công của các đề án, kiến nghị.
Nếu hiện thực hóa các kết luận của Thủ tướng sẽ thúc đẩy sự phát triển, thể hiện đúng tầm nhìn và khát vọng của địa phương và cả miền Trung. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các kết luận này không chỉ gói trong một nhiệm kỳ mà còn tiếp diễn rất nhiều năm sau nữa. Mọi việc thực hiện cơ chế hay đầu tư đều phải có lộ trình.