Lo ngại về số thu ngân sách nội địa năm 2023 đã giảm bớt khi các cơ quan tài chính cho rằng, khả năng thu ngân sách nội địa đạt kế hoạch dự toán.
Sẽ đạt dự toán
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, 10 tháng qua, so cùng kỳ, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 26,7%; trong đó kim ngạch xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD (giảm 15,3%), kim ngạch nhập khẩu gần 1,7 tỷ USD (giảm 32,6%). Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, kéo theo thu xuất nhập khẩu mới đạt 37% dự toán (2.160 tỷ đồng).
Số thu này quá thấp, sẽ khó để đạt dự toán, dẫn đến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sẽ không thể cán mốc khi hiện tại chỉ đạt 15.041 tỷ đồng (bằng 56% dự toán, giảm 40% so cùng kỳ). Tuy nhiên, số thu từ xuất nhập khẩu không ảnh hưởng nhiều đến nguồn lực phân bổ chi tiêu cho địa phương thông qua số thu nội địa.
Một phân tích cho thấy thu nội địa 10 tháng qua đạt 12.782 tỷ đồng, chỉ đạt 61% dự toán. Trong số thu của 3 khu vực lớn, trừ thu từ doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 30% thì hai khu vực còn lại là thu từ doanh nghiệp nhà nước và công thương nghiệp, dịch vụ ngoài nhà nước đều suy giảm, lần lượt chỉ đạt 778 tỷ đồng (giảm 15%) và hơn 6.600 tỷ đồng (giảm 46%).
Sẽ cân đối được ngân sách địa phương
Một thông tin đáng lạc quan khi ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay việc thu ngân sách không cao giữa nền kinh tế khó khăn là chuyện không mới. Nhưng địa phương không có gì phải lo ngại về cân đối ngân sách.
Chính quyền và cơ quan tài chính đã dự lường được những tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế địa phương nên đã chủ động điều hành ngân sách ngay từ đầu năm, không để bị động.
Diễn biến nền kinh tế xảy ra bất cứ tình huống nào thì cũng sẽ cân đối được ngân sách địa phương. Sẽ không cắt giảm hay để hụt các khoản phải chi tiêu nào trong dự toán chi đã được duyệt.
Theo thống kê này, trung bình mỗi tháng ngân sách nội địa chỉ thu hơn 1.270 tỷ đồng. Nếu để đạt con số dự toán đã ấn định cho thu ngân sách nội địa là 20.880 tỷ đồng, thì hai tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải thu trên 8.100 tỷ đồng, mỗi tháng trên 4.050 tỷ đồng. Đây là một con số quá sức với nền kinh tế địa phương vẫn còn loay hoay trong khó khăn.
Kế hoạch GRDP tăng từ 7,5 - 8% chắc chắc sẽ xa vời, không thể nào đạt được. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan tài chính hay thống kê, số thu nội địa thấp như hiện tại không đến mức phải đáng lo ngại, khi thu ngân sách địa phương vẫn còn dư địa.
“Địa chỉ” để có thể tăng thu thuế dựa vào chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (ngành chủ lực, trọng điểm thu ngân sách) tháng 10/2023 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (tăng 18,1%).
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho biết, hai tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc, có thêm nhiều điểm tựa, khi nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới, tiêu dùng sẽ tăng.
Các doanh nghiệp đã tìm được hướng để tái gia nhập thị trường, giải ngân sẽ không dừng ở mức thấp như hiện tại, dự báo sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh nhiều hơn và ngân hàng sẽ bơm nhiều vốn vào thị trường cho doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, kinh doanh dịp tết.
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Tiếp, nếu nhìn vào số thu ngân sách 10 tháng qua chỉ đạt 61% là thấp. Tuy nhiên, nếu tính cả số thuế được gia hạn của Trường Hải và nhiều doanh nghiệp khác khoảng 4.500 tỷ đồng (sẽ nộp chậm nhất trong tháng 11/2023) thì số thu nội địa đã đạt khoảng 84% dự toán. Khoảng 16% còn lại vẫn dựa vào số nộp của Trường Hải và lượng doanh nghiệp hoạt động hiện tại trên địa bàn thì sẽ đạt dự toán thu ngân sách nội địa.
Điều hành ngân sách hợp lý
Thu ngân sách nội địa năm 2022 của Quảng Nam đã tăng kỷ lục, gia nhập vào câu lạc bộ các tỉnh, thành thu ngân sách 25 nghìn tỷ đồng, khi thu đến 25.210/19.000 tỷ đồng kế hoạch (đạt 142% dự toán Trung ương và 132,7% dự toán HĐND tỉnh giao).
Dự lường của cơ quan tài chính sẽ không còn các khoản thu gia tăng đột biến, không có thêm nguồn lực phát sinh nguồn thu mới, nên HĐND tỉnh chỉ ấn định thu ngân sách nội địa năm 2023 chỉ bằng 83,8% thực thu 2022 (20.880 tỷ đồng).
Tuy nhiên, chỉ tiêu thu ngân sách được cho là một “bước lùi” thì địa phương cũng đã vất vả. Ngân sách địa phương đang đứng trước thách thức cần vượt qua để có thể đủ tiền chi tiêu.
Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, thu ngân sách không đạt tiến độ bởi tác động của nhiều yếu tố, như chính sách giảm thu từ Chính phủ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nhất là việc tiêu thụ ô tô của Trường Hải bị chững lại (giảm 49%, khoảng 51 nghìn chiếc).
Nếu không có khoản thu được giãn cho doanh nghiệp, nhiều nhất là Trường Hải thì chắc chắn ngân sách sẽ hụt thu. Tuy nhiên, các khoản giãn này, hiện nay doanh nghiệp đã bắt đầu nộp dần vào ngân sách, nên kết thúc năm, sẽ đạt được dự toán.
Theo bà Thảo, thủy điện dự toán chỉ hơn 780 tỷ đã đạt hơn 900 tỷ đồng, bia dự kiến chỉ 560 tỷ đã nộp hơn 700 tỷ đồng, chưa kể còn nhiều khoản khác chưa thu nên sẽ bảo đảm cân đối.
Cơ quan tài chính sẽ phối hợp ngành thuế tiếp tục theo dõi các khoản thu để tham mưu UBND tỉnh điều hành chi ngân sách phù hợp với tiến độ thu. Sẽ bám sát dự toán thu để chi hợp lý, hạn chế tối đa chi ngân sách ngoài dự toán. “Đó là lý do đến nay, cơ quan tài chính vẫn không tham mưu, đề nghị UBND tỉnh các biện pháp điều hành giảm chi tương ứng với số thu” – bà Thảo nói.
Sẽ rất khó dự báo nền kinh tế địa phương sẽ như thế nào trước các biến động khó lường của thị trường. Ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn đã dành lượng vốn lớn, sẵn sàng cung ứng cho doanh nghiệp, khai thông dòng tiền vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực để sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp hụt hơi thì việc đạt được dự toán thu ngân sách nội địa cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ngành thuế “mơ” nhiều hơn thế.
Ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết từ nay tới cuối năm sẽ nỗ lực tối đa, phân việc cụ thể cho từng cán bộ, công chức thuế trong việc đốc thu tiền thuế đã được gia hạn, thu nợ tiền sử dụng đất. Sẽ quyết liệt chống thất thu, thu hồi nợ đọng (dù không thể góp nhiều cho việc tăng thu).
Ông Tiếp đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng tháo gỡ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, dự án để doanh nghiệp có đủ “năng lực” đóng thuế, giải quyết chuyện tăng thu ngân sách.