Những nỗ lực từ cộng đồng, doanh nghiệp trong thời gian qua đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Gắn với du lịch
Một ngày cuối tháng 8, đoàn khách nước ngoài gần 10 người đã ghé thăm cơ sở chạm khắc gỗ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Đây là một trong số điểm tham quan làng nghề truyền thống trên hành trình khám phá văn hóa, làng quê xứ Quảng.
Sau phút bất ngờ và tò mò trước những tác phẩm bằng gỗ tinh xảo được trưng bày tại cơ sở, Anna - cô gái trẻ đến từ nước Úc háo hức đề nghị gia chủ cho phép được thực hành đục chạm một tác phẩm nhỏ. Lóng ngóng vụng về, có những lúc cả người Anna như khom sát vào khúc gỗ, cuối cùng một “tác phẩm” cũng đã hình thành. “Nhìn này, tôi đã thành công”, Anna reo lên thích thú. Những du khách còn lại bằng mỗi cách khác nhau cũng cố gắng tạo ra một tác phẩm cho riêng mình, hoặc một kiểu ảnh đẹp bên cạnh những sản phẩm làng nghề.
Ông Lê Phước Tiến - quản lý nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống xứ Quảng chia sẻ, tour trải nghiệm làng nghề được ông thực hiện gần 2 năm nay, mục đích không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ, mà còn giúp thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống Quảng Nam thông qua du lịch. Phần lớn khách tham gia tour chủ yếu là người nước ngoài lưu trú tại các khách sạn Hội An, nếu có nhu cầu sẽ được ông Tiến tổ chức cho tham quan làng nghề bằng xe vespa hoặc xe jeep. Hành trình bắt đầu từ Hội An qua Cẩm Kim xem đan thúng rái; tráng bánh, dệt chiếu, Duy Vinh; quay về làng gốm Thanh Hà lên cụm làng nghề Đông Khương, Điện Phương trải nghiệm nghề điêu khắc gỗ, nghe nhạc trống trời, cồng chiêng, đúc đồng; nặn đất… trước khi khám phá khu đền tháp Mỹ Sơn và kết thúc chương trình tại nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống xứ Quảng (35 Nguyễn Thái Học, TP.Hội An). Theo ông Tiến, trước đây tour chủ yếu tham quan các làng nghề tại Hội An như làng rau Trà Quế, dừa lá Cẩm Thanh, gốm Thanh Hà. Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển, vài tháng nay ông đã bắt đầu đưa khách đến Điện Phương. “Thông qua du lịch, sẽ giúp bảo tồn các làng nghề truyền thống nơi đây tốt hơn” - ông Tiến khẳng định.
Sức sống làng nghề
Làng nghề Đông Khương (xã Điện Phương) là điểm nối 2 di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và đền tháp Mỹ Sơn. Ngoài các làng nghề truyền thống, đây còn là nơi gắn với di tích lịch sử Dinh Trấn Thanh Chiêm, cái nôi ra đời của chữ Quốc ngữ... Năm 2009, Cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương được quy hoạch với tổng diện tích 7,3ha. Đến tháng 9.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm làng nghề Đông Khương gắn với phát triển du lịch, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng gồm 11 khu sản xuất dành cho các ngành nghề thủ công truyền thống. Dù có những hạn chế ban đầu nhưng sự kỳ vọng về một mô hình sản xuất làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch luôn hiện hữu. Ông Nguyễn Văn Tiếp - chủ Cơ sở chạm khắc gỗ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, nếu được nhà nước quan tâm đầu tư tốt về hạ tầng, bến thuyền, dịch vụ… cùng sự vào cuộc, kết nối của các doanh nghiệp lữ hành chắc chắn sẽ thu hút khách đến đông hơn, qua đó cũng thúc đẩy làng nghề được bảo tồn, phát triển tốt. “Nếu Nhà nước đầu tư xây dựng khu vệ sinh sạch sẽ, có chỗ nghỉ ngơi, chỗ trải nghiệm sẽ mang đến sự hài lòng cho khách, qua đó thu hút du lịch phát triển, chưa kể khách cũng có thể đặt hàng mình làm sau khi tham quan làng nghề” - ông Tiếp nói.
Thời gian gần đây, sản phẩm làng nghề Điện Phương phát triển khá ổn định. Theo ông Dương Quốc Thuần – Giám đốc Công ty TNHH Tiếng Đồng (làng Phước Kiều, Điện Phương), sản phẩm làng nghề hiện tại không lo đầu ra, chỉ sợ thiếu thợ làm. Trung bình, mỗi năm công ty ông Thuần tiêu thụ khoảng 3 tấn đồng nhiên liệu, chủ yếu sản xuất cồng chiêng cung cấp cho khách hàng trên Tây Nguyên. Ngoài ra, một số sản phẩm như trống trời cũng đã được xuất khẩu sang Pháp. Tương tự, theo ông Dương Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều, sản phẩm làng nghề đang được tiêu thụ khá tốt, chủ yếu cung cấp cho các dự án du lịch trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm doanh thu đơn vị tăng khoảng 20%, riêng năm 2018 tổng doanh thu đạt gần 7,5 tỷ đồng. “Du lịch phát triển chắc chắn tạo cơ hội cho làng nghề, đồng thời cũng mang đến nhiều cạnh tranh, do đó để làng nghề phát triển bền vững mình phải không ngừng hoàn thiện mẫu mã chất lượng, nhất là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu tham quan mua sắm của khách” - ông Thắng phân tích…