Cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thanh Hà được xem là một trong những dự án có tính chiến lược cho sự phát triển của TP.Hội An, dù cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nhưng đến nay đã bắt đầu thu hút đầu tư.
Tạo điều kiện tốt nhất
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2014 này, Công ty TNHH Thiên Phong chuyên doanh hàng mộc tại phường Cẩm Nam (TP.Hội An) đã chính thức đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới tại Cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thanh Hà. Có nơi làm mới, 40 lao động của công ty thêm phần phấn khởi khi năm nay, dù còn nhiều khó khăn do tình hình chung, đơn đặt hàng sản xuất có giảm nhưng việc làm của họ luôn ổn định, mỗi lao động có thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày, bình quân mỗi tháng cũng đạt gần 4 triệu đồng một người, cao hơn năm ngoái 500 nghìn đồng. Trong diện tích trên 4.200m2, Công ty TNHH Thiên Phong đã đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng để xây dựng các nhà xưởng sản xuất. Ông Trần Trung Xê - Giám đốc công ty cho biết: “Bao lâu nay mình làm ở vùng thấp lụt nhưng khi lên đây Nhà nước rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng cũng quyết tâm lên, tại vì không lên thì không cách chi làm được hết. Trên này vừa cao ráo, rộng rãi nữa”.
Cụm Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thanh Hà đang thu hút đầu tư.Ảnh: Q.HẢI |
Bắt đầu triển khai thi công từ năm 2009 đến nay với tổng diện tích hơn 60ha, Cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thanh Hà được xem là một trong những dự án có tính chiến lược cho sự phát triển của TP.Hội An. Theo Phòng Kinh tế Hội An, đến giữa năm 2013, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc giải tỏa đền bù giai đoạn 2 khu vực bố trí cụm và trình phê duyệt điều chỉnh tổng mức dự toán để xúc tiến xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. “Cụm đã thu hút được 20 đơn vị thuê đất, trong đó 10 dự án thuộc giai đoạn 1 đã được bố trí đất với tổng diện tích 5,8ha, tỷ lệ lấp đầy trên 75% cùng 10 dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2 với diện tích 7,5ha nhưng chưa có đất bố trí. Thành phố tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động” - ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết. TP.Hội An đã có văn bản trình tỉnh cho phép giãn thời gian triển khai đối với 4 dự án, đồng thời tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại cụm để bàn giải pháp phát triển trong thời gian đến.
Tiếp tục huy động vốn
Toàn Cụm công nghiệp – đô thị - dịch vụ Thanh Hà hiện có 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động là Nhà máy Nước Hội An, Công ty CP Gốm sứ mỹ nghệ Sông Hoài cùng 3 doanh nghiệp chế biến gỗ và dịch vụ khác. Đến nay, công tác tái định cư, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng khu vực bố trí công nghiệp thuộc cụm đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 với kinh phí trên 12,8 tỷ đồng. Thế nhưng, nguồn vốn này là quá thấp, khiến cho cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp chậm được đầu tư đồng bộ. “Khi lên đây, quan trọng nhất vẫn là điện, có điện mới dám làm chứ. Đường sá thì ổn nhưng hệ thống cấp thoát nước thì chưa có. Khi công ty làm lò sấy gỗ thì phải có hệ thống thoát nước để đảm bảo môi trường” - ông Trần Trung Xê nói.
Trao đổi về sự chậm trễ trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp – đô thị - dịch vụ Thanh Hà, ông Trương Văn Bay cho rằng, nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ban đầu vốn khai thác từ đường T1 - đường Trường Chinh, sau đó vốn từ tỉnh cũng như thành phố thông qua các chương trình mục tiêu, tuy nhiên, nguồn vốn càng ngày càng giảm đi do nhiều nguyên nhân nên việc đầu tư chưa đồng bộ. “Hiện nay thành phố đang tìm các nguồn vốn để đầu tư cho xong giai đoạn 1 về cung cấp điện, cùng với sự đóng góp của doanh nghiệp xây dựng khu xử lý nước thải để lấp đầy giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 sẽ tiếp tục huy động vốn” – ông Bay cho biết.
Hiện TP.Hội An đã lập hồ sơ, phương án huy động vốn đầu tư, tạo mặt bằng bố trí cho các nhà đầu tư. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khai thác các dự án đã được giao đất, sớm ban hành quy chế tổ chức, quản lý Cụm công nghiệp – đô thị - dịch vụ Thanh Hà. Bên cạnh đó, tiếp tục xem xét, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, có giải pháp hợp lý trong tính toán tạo nguồn và cân đối đầu tư, đồng thời nghiên cứu phương án sắp xếp, liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các khu đông dân cư vào hoạt động tại cụm nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch, vừa thực hiện giãn dần các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thị. Về phía địa phương, ông Nguyễn Kim Châu - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết: “Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào có nhu cầu, địa phương đều ưu tiên làm tờ trình trình thành phố quyết định. Vừa rồi HĐND thành phố thống nhất dành phần kinh phí cơ bản để đầu tư tiếp giai đoạn 2 khoảng 40 - 60 tỷ đồng. Nếu được vậy thì rất phấn khởi, cụm công nghiệp phát triển thì bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc, tình hình kinh tế, đời sống của nhân dân và lao động được giải quyết tốt”.
QUỐC HẢI