Quãng thời gian 10 năm chưa đủ để làm nên một cuộc xoay chuyển lớn, nhưng đủ để người dân vùng thượng nguồn Thu Bồn có một cuộc sống… dễ thở hơn. Nông Sơn bây giờ, những người già ngồi kể nhau nghe chuyện ngày cũ, nhưng mắt thì lấp lánh tia mừng cho chuyện cháu con…
Khu vực Trung Phước, xã Quế Trung, Nông Sơn. Ảnh: LÊ TÀI NGUYÊN |
1. Bao giờ cũng vậy, một vùng đất muốn đổi thay phải bắt đầu từ việc xây những con đường. Với Nông Sơn, những con đường nối các vùng quê dựng lên, nối cả khúc miền tây Quế Sơn này tiệm cận hơn với chốn đồng bằng Duy Xuyên, Đại Lộc. Xe chạy từ Đà Nẵng về Nông Sơn chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ. Từ tỉnh lỵ Tam Kỳ về huyện cũng không còn xa ngái như nhiều năm trước bởi gió bụi và gập ghềnh dằn xóc. Một đơn vị hành chính mới mở ra, những tiềm năng bị chìm lấp lâu nay được xới lên. Để đổi thay. Hẳn nhiên. Và đáng mong chờ hơn là để cả cái vùng thơ mộng bên sông không phải triền miên cảnh nghèo, cô lập mỗi mùa mưa, chết chóc mỗi lúc bão lũ, thiếu lương thực mỗi khi nắng hạn… Người dân quen dần với tên hành chính mới - huyện Nông Sơn, cái tên vùng đất đã khởi đi từ những ngày chinh chiến xưa. Để hình như, còn phải giữ lấy cái gốc gác văn hóa lịch sử làng mình, mà bao cuộc phát triển sau này có mạnh mẽ thế nào chăng nữa, vẫn còn đó cái “chất” riêng của người Nông Sơn.
Chạy xe một mạch từ Đèo Le qua đến Đại Bình, những người lâu rồi mới trở lại đất này không khỏi ngạc nhiên. Nhà cửa san sát trên những khu dân cư tập trung. Không thiếu gì. Từ phòng tập thể dục - gym với máy móc hiện đại, nhà hàng tiệc cưới sôi động mỗi bận cuối tuần, đường sá trải rộng liền mạch nối đến tận cùng thôn xóm. Từ chợ Trung Phước lên đến Nà Lau bây giờ chỉ đi một hơi chứ không phải dừng để hì hụi đẩy xe như mấy bận. Lên huyện, nên ngôi chợ trung tâm cũng tự khắc khang trang lên, phong phú và dồi dào hàng hóa. Chợ Trung Phước nay không thiếu thứ gì, kể cả bánh kẹo ngoại nhập Thái Lan, Nhật Bản, cả hàng mỹ phẩm. Tấp nập người ra vào chợ, bán buôn, sắm sửa. Đoạn đường qua Trung Phước chưa đầy cây số đã có đến 5 tiệm vàng. Chưa kể giá đất mặt tiền tăng lên chóng mặt, đất ở hẻm ở xóm có khi lên hàng trăm triệu đồng. Hơn 10 năm trước, có lẽ chưa ai nghĩ đến cảnh huống này…
Bây giờ, tên huyện Nông Sơn trở nên gần gũi hơn trong những cuộc chuyện trò của những người vùng khác. Người ta thấy cái tên Tam Kỳ - Nông Sơn, Đà Nẵng - Nông Sơn ở những chiếc xe khách chạy trên quốc lộ ngày một nhiều hơn. Mười năm với một tên gọi riêng, người dân miền tây Quế Sơn cũ nay thuận lợi hơn trong tất thảy mọi việc. Ông Nguyễn Văn Lạng, người làng Đại Bình, nay đã 77 tuổi nói rằng, trong vòng 10 năm mà thấy mọi sự phát triển đến không ngờ. “Làng Đại Bình, từ khi ông Toàn (ông Huỳnh Khánh Toàn, nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - PV) được phân công về làm Chủ tịch UBND huyện trong những năm đầu Nông Sơn mới thành lập, vùng đất nổi trên sông Đại Bình được xây dựng con đường nối ra bên ngoài. Nhờ đó, mùa mưa lụt bây giờ không còn sợ cái cảnh đò giang trắc trở. Gần hơn, bây giờ người làng Đại Bình qua sông là đã đến huyện. Đi làm giấy tờ thủ tục gì cũng nhanh hơn, dễ dàng hơn so với xưa phải đi mấy chục cây số, băng qua Đèo Le để đến trung tâm huyện Quế Sơn bây giờ” - ông Nguyễn Văn Lạng nói.
2. Cũng câu chuyện của làng Đại Bình, người dân bây giờ đang làm quen với sinh kế mới: du lịch cộng đồng. Xưa giờ, người ta thấu thị làng mình ở một vị trí đặc biệt, bên sông bên núi, phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ. Và đủ, để triệu về từ khắp nơi những loài cây ăn trái ngọt ngào, để được người cả nước mệnh danh là “vùng Nam Bộ ở xứ Quảng”. Và nay, người ở “vùng Nam Bộ” thu nhỏ này sắm cho mình thêm nhiều kỹ năng nữa, những đứa con trai con gái lớn lên rời làng làm ăn xa xứ bây giờ trở về làng nhiều hơn. Để chọn phát triển ngôi vườn của sầu riêng, trụ lông, lòn bon. Chọn xây dựng thêm một điểm dừng chân ấn tượng ở miệt vườn của phía núi. Phát triển cộng đồng ở nơi vốn sẵn đủ đầy tiềm năng, từ người dân đến chính quyền, ai cũng háo hức. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, một người con đi ra từ Trung Phước - Đại Bình nói rằng, vùng đất này là một không gian lãng mạn để vẽ nên những câu chuyện phát triển có thật. Một đề án phát triển du lịch, kết nối với các vùng di sản cũng như việc tổ chức quy hoạch, đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng, đang từng bước được chính quyền Nông Sơn thực hiện.
Và vùng đất đầu nguồn sông Thu này, gần như gom nhặt tất cả những gì thuộc về một miền đất khó, để trở dậy và làm nên hình hài của hiện tại. Dưới bóng những cánh rừng vùng thượng nguồn, cuộc sống đã sang một trang mới. Cũng bắt đầu từ việc có những con đường nối đến tận cuối thôn. Từ Nà Lau, Cấm La, những cái tên mà xưa kia chỉ gọi lên thôi đã thấy sống lưng ớn lạnh. Vậy mà bây giờ đã có thể chạy một mạch theo con đường bê tông từ Trung Phước đến tận cuối thôn. Đường sá thuận tiện, làm ăn cũng dễ dàng hơn. Thầy Phan Văn Mễ, người thầy giáo cắm bản Nà Lau xưa kia, vẫn nụ cười rất hiền của người đã trọn một đời dành cho học sinh vùng khó, nói bây giờ ở đây đi lại dễ dàng, trẻ không biết chữ gần như không có. Thôn Cấm La hay Cẩm La ngày trước, là vùng đất nghèo khó, bị chia cắt bởi khe Sé, nằm trên vùng đồi núi thường bị sạt lở nên đường sá đi lại rất khó khăn, không có điện thắp sáng, thiếu đất sản xuất người dân phải lên rừng đốn củi, bứt mây hoặc đi làm thuê khắp nơi. Từ ngày thành lập huyện mới Nông Sơn, những chính sách phát triển rừng, phát triển vùng, các dự án được đưa về vùng khó nhiều hơn, trong đó có Cẩm La… Nhờ đó đất này bây giờ đã khác, điện được kéo đến ngôi nhà cuối cùng của thôn, cơ hội phát triển kinh tế mở ra, những căn nhà kiên cố mọc lên…
Dẫu cái khó nghèo vẫn chưa thể xóa đi hết, nhưng biết chấp nhận khó khăn để vượt lên và tin vào một ngày mai lấp lánh những niềm vui, người dân Nông Sơn đủ sức làm được. Những hào sảng từ người sinh ra ở vùng đất nắng đầu non, sẽ còn đưa vùng quê này đi những bước thật dài, ngày mai…
LÊ QUÂN