(VHQN) - Dải đất miền Trung nổi bật sự bao trùm của tín ngưỡng thờ nữ thần Thiên Y A Na và các hóa thân của Bà. Mỗi một địa phương có cách tiếp cận, thiêng hóa hình tượng Bà theo lối riêng, với danh xưng riêng và thiết trí thờ tự, nghi thức cúng tế rất đặc thù, tiêu biểu như Bà Thu Bồn ở làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên).
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, ở làng Thu Bồn có một gia đình giàu có, sinh được người con gái với khuôn mặt thiên thần. Cô bé chỉ cười khi chào đời, từ nhỏ đã có mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, nước da trắng.
Chừng 5 - 7 tuổi cô đã có khả năng thiên bẩm, hết mình giúp đời để chữa bệnh cứu người, gia súc bằng các loại thảo dược nhưng không hề nhận tiền công, lễ vật. Đến tuổi thanh xuân, cô vẫn mải mê cứu người độ thế, bỏ qua mọi lời cầu hôn.
Năm 50 tuổi, Bà quy tiên vào trưa ngày 12.2 âm lịch. Dân làng theo di nguyện của Bà, không dùng vải vóc khâm liệm mà chỉ dùng cỏ cây, hoa lá thiên nhiên. Quan tài được quàn tại đình suốt cả tuần, mọi người thường xuyên túc trực khói hương.
Đến đêm thứ bảy thì khắp đình làng dâng trào hương thơm ngào ngạt, rồi nắp quan tài bỗng mở tung nhưng bên trong không có Bà, chỉ ngập tràn hoa sứ. Dân làng cung nghinh cỗ quan tài đầy hoa sứ về thờ phụng, xây dựng lăng mộ trang trọng, kính cẩn tôn xưng Dinh Bà.
Cũng có truyền thuyết khác cho rằng Bà là con gái/nữ tướng của vua Chàm, vua Mây, vua Lồi hoặc của vua Lê Thánh Tông. Trong chiến cuộc căng thẳng, Bà phải rút quân và khi đi ngang làng Thu Bồn/Phường Rạnh ở Trung An, Bà ngã ngựa/ngã voi và tử tiết, hiển linh thành nữ thần linh thiêng bảo bọc các cộng đồng cư dân dọc sông Thu Bồn, từ Phường Rạnh và làng Thu Bồn…
Từ những năm 1930, làng Thu Bồn có ngôi miếu được xây dựng đơn sơ để che chở một ngôi mộ đất bị bào mòn, bao quanh có xây tường, để cung hiến Bà Bô Bô, có cây đa cổ thụ um tùm càng làm tăng tính uy nghi.
Trong Kỉnh tiến kỳ an hiệp kỵ Tiền hiền tế văn (2010, phiên Quốc ngữ từ Hán văn), làng Thu Bồn cung nghinh thờ tự các vị thần linh bản địa đặc biệt quan trọng là vua Mây, chúa/vua Lồi, Chủ Ngung Man Nương chi thần, cùng các vị thiên thần, nhân thần khác.
Bản văn tế tại Lăng Bà Thu Bồn năm Đinh Hợi (2007), nổi bật các vị Bô Bô Phu nhân tôn thần, Hộ quốc, tý dân hiển hữu công đức, tiết mông ban cấp sắc phong, gia tặng Mỹ Đức Thục Hạnh Mặc Phù Hiển Tướng Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần, Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, gia tặng Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Hộ Quốc Tý Dân Thượng đẳng thần, Phiếm Ái châu Đại đức phu nhân tôn thần vị tiền, Ngũ Hành tiên nương...
Tài liệu của Hội Folklore Đông Dương cho biết có 8 bản sắc phong nữ thần Bô Bô ở làng Thu Bồn dưới thời nhà Nguyễn.
Cũng từ tài liệu tương tự của Hội Folklore Đông Dương, bản trả lời của ông Bùi Nghĩa có thông tin cho rằng bà Bô Bô ở làng Thu Bồn còn là bạn với bà Thiên Y A Na Chúa Ngọc. Đương thời, gần sát bên miếu Bà Bô Bô còn có sự hiện diện của một ngôi miếu thờ Bà Chúa Ngọc.
Sự hiện diện chính thức của Bà Chúa Ngọc ở đây là minh chứng khẳng định sự hiện diện của hai miếu Nhị vị công tử (Cậu Quý, Cậu Tài - hai người con trai luôn hầu cận bên cạnh Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na) ở khu vực phía trước lăng Bà.
Ngoài sự xuất hiện chính thức, đồng thời như một hóa thân, hay hiện hữu bên cạnh theo phương thức Việt hóa từng bước hình ảnh Bà Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na - Bà Chúa Ngọc, đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân dọc lưu vực sông Thu Bồn còn có sự gắn kết theo phương thức “gia đình hóa” các mối quan hệ giữa các vị nữ thần vốn linh hiển rộng khắp trong vùng.
Đáng lưu ý là ở hình tượng “cô em út” Bà Phường Chào ở Đại Lộc, đối diện về phía bắc sông Thu Bồn, đó chính là “Cô Của, nổi tiếng với danh xưng Bà Phường Chào, gốc gác và nổi danh từ làng Phiếm Ái, là con cháu của dòng họ Nguyễn, thường gọi là ông Thủ Hóc. Suốt thời thơ ấu, cô ta không thể rời khỏi giường…” (Thần tích thần sắc, Làng Thu Bồn, TT-TS FQ 40 18/XX, 13, tr. 788 - 791).
Phổ quát hơn, lệ tục dân gian còn gắn kết và bình dân hóa các mối quan hệ gần gũi giữa các trung tâm tín ngưỡng, tạo nên sức sống dân gian bền chặt và hữu hiệu. Theo truyền thuyết dân gian, Bà Bô Bô còn có mối quan hệ hôn nhân với ngài Cao Các Đại vương ở làng Bình Yên, không xa làng Thu Bồn về phía thượng lưu.
Cả hai làng đều có những thuyền đua và lễ cưới đặc biệt này được công nhận bởi “tiền cheo” cùng con bò mộng làm sính lễ dâng cúng các vị thần nhằm làm giảm thiểu ảnh hưởng nguy hại đến đời sống vật chất và nhân mạng của người dân.
Từ những ràng buộc bởi quan hệ gia đình, hôn nhân, nổi bật vai trò trung tâm của khu vực lăng Bà Thu Bồn. Từ đầu thế kỷ 20, có thể thấy rõ rằng ở Quảng Nam, nhất là các làng xã dọc lưu vực sông Thu Bồn, từng có nhiều ngôi làng thờ Bà. Điểm đặc biệt là các làng đó đều phải đến làng Thu Bồn để cung thỉnh bát hương (Thần tích thần sắc, Làng Thu Bồn, TT-TS FQ 40 18/XX, 8, tr. 752 - 754).
Giao lưu, tiếp biến văn hóa là tinh thần chủ đạo làm nên hệ giá trị văn hóa đặc hữu miền Trung. Giá trị cội nguồn tín ngưỡng nữ thần bản địa phương Nam từng bước được Việt hóa trở thành Lệ Bà Thu Bồn nổi tiếng xứ Quảng, độc đáo ở tục nghé chông cúng sống, lưu dấu rõ nét tục ăn/đâm trâu bản địa. Giá trị của tín ngưỡng nữ thần ở đây càng được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là Lệ Bà Thu Bồn đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.