Những dư ba của số phận không dứt được họ ra khỏi quê hương. Phù sa đắp bồi từ sông, niềm tin cũng đầy lên bằng quyết tâm và đồng thuận, từng ngày tạc nên một hình hài rất khác cho Đại Lộc, hiện diện ở từng căn nhà, từng ngõ nhỏ. Nơi đó, có một giấc mơ đang chạm đến, được gọi tên bằng một “cuộc cách mạng” thực sự: Nông thôn mới.
Gió từ phía sông
Những mảng màu xanh hắt lên từ đồng đất quê hương dưới góc nhìn flycam. Làng cũ Phương Trung (xã Đại Quang, Đại Lộc), bao đời “vẫn xanh như thuở đã xanh”. Hơn nửa đời người mà dấu chân bao bận ngập trong bùn non của lũ, vợ chồng chị Mai Thị Lân vẫn không dứt được căn nhà xưa bên những khu vườn xanh. Năm sào đất, trồng cỏ nuôi bò, trồng mít Thái, ổi giống, chuối. Đất không phụ công người. Tảo tần, chắt chiu, chị Lân nói mảnh vườn cũ đủ sức nuôi cả gia đình, lo cho con cái vào đại học. Nhiều người như chị chưa quên ký ức kinh hoàng của trận lụt năm 1999, khi cả làng lóp ngóp trong dòng nước bạc, nửa làng cũ chìm dưới đáy sông sâu. Sau trận lụt, cả làng khăn gói vào xóm mới Phương Trung, nhưng có một thứ tình yêu với đất, với làng đã neo giữ nhiều người ở lại. Hai căn nhà, nhưng nhà ở làng mới làm nơi an trú trong những ngày mưa lũ, hết mùa lụt lại quày quả trở ra lại làng cũ cuốc xới, chăm bón cho từng vạt đất. Mồ hôi đổ xuống tưới tắm cho đất này, để màu xanh chưa bao giờ thôi mướt mát. Rặng tre già neo giữ dấu tích của làng theo năm tháng, mảnh đất nào cũng không vắng thiếu hơi người. “Đời mình làm nông, đất ở đâu thì mình ở đó. Chị không đủ sức khỏe để vào làm nhà máy, nhưng bù lại, sống với vườn tược thấy mình yên ổn, thanh bình hơn. Mà đâu có đói. Không đâu đất tốt bằng ở đây. Trồng mít 4 năm, đã bán được 2 năm nay rồi. Chỉ cần chịu khó một chút, chở ra đường cái, là ổn, họ mua ngay khi vừa tháo xuống khỏi xe máy. Sướng nhất là nuôi bò. Ngó chớ ở trong làng mới, đi mỏi chân mới thấy người. Họ ra đây phần lớn. Gió từ sông lên, cây cối thì lớn, mát rượi, lại tránh được khói bụi ngột thở từ nhà máy” - chị Lân nói. Lấp lánh tình quê hồn hậu và cả một niềm yêu trong lời kể mộc mạc của chị Lân, với đất, với làng.
Khi bà con vẫn bám lấy vườn cũ, chính quyền địa phương liền nghĩ tới những phép tính xa hơn cho Phương Trung. Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang - ông Mai Anh Sơn cho hay, Đại Quang đã về đích nông thôn mới, là cơ sở để hiện thực hóa nhiều hoạch định, hướng tới việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. “Bên cạnh việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, chúng tôi đã và đang tập trung khảo sát, xây dựng đề án hướng tới hình thành làng sinh thái ở Phương Trung. Từ nguồn lực của các chương trình, với sự tư vấn của các ngành chuyên môn, xã đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn, hỗ trợ các giống cây trồng để xây dựng vườn kiểu mẫu theo quy hoạch bài bản. Một tín hiệu vui là bà con hết sức quan tâm, ủng hộ chủ trương này, gieo thêm kỳ vọng nơi này sẽ thành điểm nhấn xanh trong chuỗi những đổi thay từ nông thôn mới” - ông Sơn chia sẻ.
Sống khác, ở làng
Đi nhiều nơi, vào nhiều làng, những người dân chúng tôi gặp đều cảm nhận được đổi khác ngay trên quê hương mình, mà câu chuyện ở Phương Trung như một lát cắt nhỏ đầy sinh động. Người dân có nhiều lựa chọn hơn, hoặc gắn với ruộng vườn, hoặc vào nhà máy, nơi thu nhập tối thiểu mỗi tháng đã xấp xỉ 7 triệu đồng, có xe đưa đón mỗi ngày. Hàng loạt doanh nghiệp “xanh” được kêu gọi đầu tư, cùng với đó là hình hài khá rõ của những khu dân cư kiểu mẫu. Con số, ít nhiều nói lên được nỗ lực của cả một hệ thống chính trị ở Đại Lộc: Cuối năm 2019, có thêm xã Đại Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đại Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 thôn khác đang lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí, bình quân đạt chuẩn cho một xã là 16,47 tiêu chí.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết thêm, trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án trọng tâm được triển khai quyết liệt, hiệu quả, từng địa phương đã quan tâm xây dựng các dự án trọng tâm để phát huy thế mạnh phát triển hàng hóa theo hướng liên kết; gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. “Đại Lộc ưu tiên phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nông thôn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo tiền đề cho tập trung ruộng đất nhằm nâng quy mô sản xuất nông hộ, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa thu nhập, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện của mình cũng đã củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, mở rộng phương thức liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông hộ nhằm giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản xuất - ông Mẫn nhấn mạnh.
Những bước đi dài cùng thời cuộc, phác họa rõ dần một chân dung khác cho Đại Lộc, từ thị trấn đến những vùng quê. Trên bức tranh sáng màu của tương lai, vẫn thắm một sắc xanh mê mải của những cánh đồng, ươm lấy yên bình, và hơn thế nữa, là neo giữ một niềm tin của bao người miền đất hai sông Đại Lộc…