Tin tặc đe dọa ngành hàng không toàn cầu

QUỐC HƯNG 01/08/2016 10:25

Ngành công nghiệp hàng không thế giới đang tăng cường cảnh giác trước mối đe dọa của tội phạm công nghệ cao.

Nhiều hãng hàng không hay các sân bay ngày càng trở thành mục tiêu tấn công của các hacker (tin tặc) với mức độ càng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, các hệ thống quản lý dưới mặt đất được xem rất dễ bị tấn công như các phần mềm quản lý thông tin hay màn hình hiển thị thông tin chuyến bay. Gần đây, hệ thống vi tính tại nhiều sân bay của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ba Lan… bị nhiễm phần mềm độc hại làm nhiễu loạn hay thất thoát các thông tin hàng không, nhiều chuyến bay tạm hoãn hoặc hủy bỏ. Các chuyên gia lưu ý, đối với việc vận hành một máy bay hàng không dân dụng thường có nhiều bộ phận rất dễ bị tin tặc tấn công như bộ phận kiểm soát bay, hệ thống máy tính, định vị trên máy bay, hệ thống thông tin mã hóa…

Tin tặc đe dọa an ninh ngành hàng không. Ảnh: global-view
Tin tặc đe dọa an ninh ngành hàng không. Ảnh: global-view

Trong tháng 7 vừa qua, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) tiết lộ, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.000 vụ tin tặc tấn công các sân bay, chủ yếu làm rối loạn thông tin trên màn hình hiển thị. Tuy nhiên, EASA quan ngại rằng một ngày nào đó, tội phạm công nghệ cao có thể nhấn chuột vào máy tính xách tay hay các thiết bị di động khác để điều khiển chuyến bay như khiến máy bay vượt khỏi tầm kiểm soát hay màn hình của thiết bị ra-đa kiểm soát của trạm không lưu. Do đó, tin tặc không những gây thiệt hại kinh tế, phiền toái, mất niềm tin cho hành khách khi phải dời chuyến mà còn đe dọa đến an toàn của chuyến bay. Vào ngày 21.6 năm ngoái, tại sân bay quốc tế Chopin ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), hơn 1.400 hành khách bị mắc kẹt tại sân bay khi tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính điều khiển mặt đất, 10 chuyến bay bị hủy và 12 chuyến bay khác phải hoãn lịch bay cho đến khi sự cố được khắc phục nhiều giờ sau đó.

Đầu năm nay, Ukraina cho biết sân bay lớn nhất của nước này là Boryspil phải hứng chịu một đợt tấn công mạng ồ ạt khi mã độc mang tên Black Energy có trong mạng lưới máy chủ ở sân bay. Song, cơ quan an ninh Ukraine nhanh chóng phát hiện được và loại bỏ mã độc này trước khi nó kịp gây hại cho an ninh hàng không. Tại châu Á, những cường quốc công nghệ như Nhật Bản hay Ấn Độ cũng từng bị kẻ gian xâm nhập vào hệ thống an ninh sân bay. Vào tháng 10.2015, nhóm tin tặc nổi tiếng nguy hiểm nhất thế giới Anonymous tấn công DDOS đánh sập website hai sân bay Narita và Chubu trong vòng 8 giờ đồng hồ. Dẫu vậy, quản lý sân bay Narita thông báo không có chuyến bay nào bị ảnh hưởng.

Trước thách thức tin tặc hàng không, Luc Tytgat - Giám đốc Mạng lưới chiến lược và an toàn bay của EASA nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho cả tình huống xấu nhất từ tội phạm công nghệ cao đối với ngành”. Tại cuộc họp ngành hàng không châu Âu mới đây ở Brussels (Bỉ), ông Luc Tytgat thúc giục các đối tác của EASA, các chuyên gia công nghệ cao tại các quốc gia cùng nhau khẩn trương phát triển “Ghi nhớ chung” về việc quản lý rủi ro và cơ chế chia sẻ thông tin để giảm thiểu nguy cơ đe dọa của tin tặc đối với lĩnh vực ngành. Còn tại khu vực, Đội ứng cứu khẩn cấp máy tính hàng không châu Âu sẽ sớm được thiết lập để tìm hiểu bản chất của các mối đe dọa, thu nhập các chứng cứ từ những vụ tấn công trước đó để phân tích, nhận dạng và ứng phó giải quyết sự cố.

Do đó, an ninh mạng ngành hàng không sẽ là mối quan tâm hàng đầu tại hội nghị hằng năm của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế vào tháng 9 tới đây.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tin tặc đe dọa ngành hàng không toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO