Thời gian qua, thiên tai bão lũ diễn biến khó lường, mà nơi thường bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề là khu vực miền núi. Đây cũng là vùng khi xảy ra mưa lũ, sạt lở thường bị chia cắt, cô lập, nên phóng viên Báo Quảng Nam khó có điều kiện tiếp cận để đưa tin kịp thời. Nhưng, Báo Quảng Nam vẫn có thông tin tức thời và đầy đủ chuyển tải đến bạn đọc, dựa vào đội ngũ cộng tác viên tin cậy và thân thiết - những người ở đầu nguồn tin.
CTV Tuấn Tú - Đài TT-TH Nam Trà My:
Mục tiêu duy nhất là bạn đọc
Với đặc thù là một huyện vùng cao, địa bàn phức tạp nhất Quảng Nam, lại thường xuyên xảy ra sạt lở chia cách vào mỗi mùa mưa lũ, tác nghiệp trong điều kiện thiên tai, bão lũ trở thành chuyện “cơm bữa” với anh em phóng viên Đài TT-TH huyện Nam Trà My. Vô vàn những khó khăn, điện lưới bị cắt, mạng dữ liệu chập chờn, đường sá cách trở, có khi chúng tôi mất cả ngày đường để tiếp cận hiện trường những nơi bị thiệt hại do mưa lũ. Trong những lần ấy, “máu nghề” thôi thúc anh em chúng tôi vượt qua mọi trở ngại, với mục tiêu duy nhất là phải lấy thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất để kịp thời chuyển đến bạn đọc. Tất nhiên, với tôi, địa chỉ mà tôi luôn tin tưởng hàng đầu để chuyển tin cộng tác là Báo Quảng Nam. Địa chỉ email của Tòa soạn Báo Quảng Nam luôn hiện lên top đầu trong mỗi lần gõ vào mục “soạn thư”.
Tối ngày 22.11.2017, nhận tin chính quyền xã Trà Mai (Nam Trà My) đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân làng Tắk Nầm (thôn 1) ra khỏi vùng sạt lở, tôi lập tức gói ghém máy móc lên đường. Tiếp cận hiện trường khá khó khăn, đêm tối, đất đá, cây cối đã đổ sập vào một nhà dân sau một tiếng nổ lớn, chính quyền lập tức phải tiến hành di dời dân trong đêm. Trong lúc điện bị cắt, mạng 3G chạy với tốc độ “rùa lật ngửa”, tôi loay hoay mãi cũng đã gửi được một bản tin đầy đủ về cho Tòa soạn Báo Quảng Nam và được duyệt đăng không lâu sau đó. Sự nhanh nhạy, kịp thời của Tòa soạn báo như một nguồn động viên để những lần sau, mỗi khi nhận được tin, chúng tôi lại hăng hái “xung trận”, bằng mọi cách để có bản tin sớm nhất, đầy đủ và đúng nhất về cho Báo Quảng Nam.
CTV Trọng Ý - Đài TT-TH huyện Phước Sơn:
Nghĩ ngay đến Báo Quảng Nam
Là phóng viên của Đài TT-TH huyện miền núi Phước Sơn, cùng với nhiệm vụ phản ánh các hoạt động, các sự kiện của địa phương trên sóng phát thanh, truyền hình của đài huyện và đài tỉnh (QRT), bản thân tôi cũng thường xuyên cộng tác tin, bài với Báo Quảng Nam. Với tôi, việc có tin, bài được đăng trên báo Quảng Nam là niềm tự hào lớn, vì vậy ngoài việc lựa chọn đề tài, viết bài cộng tác thì khi có thông tin về những sự kiện xảy ra đột xuất như thiên tai bão lũ, sạt lở đất… trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến việc cộng tác với Báo Quảng Nam.
Còn nhớ, trong trận mưa lớn kéo dài từ ngày 3 đến 6.11.2017 trên địa bàn Phước Sơn đã xảy ra 2 vụ sạt lở, vùi chết 7 người. Tác nghiệp trong điều kiện mưa to gió lớn, lại thêm mất điện kéo dài, phương tiện làm việc của chúng tôi chỉ vỏn vẹn một chiếc camera cũ và cái laptop đã “chai” pin. Từ hiện trường, về đến trung tâm huyện chúng tôi nhờ máy nổ của người dân để sạc pin, dựng hình, gõ chữ, kịp chuyển những tin tức nóng hổi nhất về cho Tòa soạn Báo Quảng Nam để phục vụ bạn đọc. Nhờ vậy mà thông tin về các vụ việc dày đặc, cụ thể và nhanh nhất, tạo nên hiệu ứng tích cực. Với tôi, Báo Quảng Nam luôn là tờ báo tin cậy, xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của mình, mỗi khi sản xuất một tin bài nóng hổi!
CTV Minh Thông - Đài TT-TH huyện Nông Sơn:
Kịp thời đưa tin là nguồn động viên
Hầu như năm nào Nông Sơn cũng hứng chịu ít nhất 1 - 2 đợt lũ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Vì thế, với đặc thù là phóng viên đài huyện, bên cạnh phản ánh các mặt đời sống xã hội trên địa bàn, chúng tôi còn “kiêm” thêm nhiệm vụ thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân để có phương án kịp thời ứng phó. Không ngại khó, ngại khổ, chúng tôi luôn có mặt ở những điểm nóng, những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, bão lũ để đưa tin, kịp thời phản ánh sự việc. Những thông tin thời sự nóng bỏng nhất được chúng tôi lựa chọn gửi về Tòa soạn Báo Quảng Nam, giúp bạn đọc nắm bắt được những diễn biến mưa lũ trên địa bàn huyện.
Là một trong những phóng viên được phân công nhiệm vụ theo dõi mảng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tôi thường xuyên phải túc trực trong những ngày mưa gió, để nắm bắt thông tin từng địa phương và tiếp cận với những khó khăn của người dân khi nước lũ gây ngập nhà và cô lập địa bàn. Thời điểm đó, hầu như mọi thông tin, điện lưới đều bị cắt, có khi mất điện cả tuần lễ nên việc trao đổi thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, nỗi lo về sự an toàn của các thiết bị máy quay, máy ảnh khi chịu ảnh hưởng thời tiết xấu... Bởi thế, với chúng tôi, nguồn động viên lớn nhất chính là kịp thời làm cầu nối truyền tải những thông tin, hình ảnh, diễn biến về tình hình mưa lũ đến với độc giả Báo Quảng Nam.
ALĂNG NGƯỚC (ghi)