(QNO) - Chiều 19/10, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt 73 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tỉnh Quảng Nam năm 2023 nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Phó Chủ UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh chủ trì buổi gặp mặt. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đến dự.
Ghi nhận đóng góp của cán bộ nữ lãnh đạo
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Tại Quảng Nam, trong quá trình xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chú trọng nhiều hơn lĩnh vực công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ nữ. Theo thống kê, tỷ lệ nữ tham gia vào bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tăng hơn trước.
Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV chiếm 14,3% (1/7 người); đại biểu HDND tỉnh chiếm 28,07% (16/57, tăng 8,07%); đại biểu HDND cấp huyện chiếm 25,7% (145/563, tăng 2,08%); đại biểu HDND cấp xã 26,8% (tăng 3,7%).
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 chiếm 15,1% (8/53 người, tăng 7,7% so với nhiệm kỳ trước); Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nữ là 2/15 người (chiếm 13,3%). Cấp ủy cấp huyện chiếm 16,9% (132/781 người, tăng 2,6%); ủy viên ban thường vụ cấp ủy huyện chiếm 12,9% (30/232 người)...
Ngoài ra, hiện nay, nữ giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương ngành, đoàn thể tỉnh chiếm 12,1% (26/215 người). Tại cấp huyện, hiện có 1/18 nữ là chủ tịch HĐND, 6/18 nữ phó chủ tịch HĐND, 5/41 nữ phó chủ tịch UBND.
Trong lĩnh vực chính trị, công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được tỉnh chú trọng. Tính đến nay, cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 27,5%, tiến sĩ chiếm 28%. Tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch cấp ủy các cấp tăng lên qua các nhiệm kỳ, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp có tăng lên so với trước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng: "So sánh tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở Quảng Nam trong những năm qua cho thấy có sự gia tăng hàng năm. Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý nói riêng ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ nữ có bước trưởng thành về mọi mặt, cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn".
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Anh Tuấn đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, nhất là trong việc xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội...
Còn nhiều rào cản
Tại buổi gặp mặt, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ, kiến nghị của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý. Bà Trần Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác cán bộ nữ ở Hiệp Đức được cấp ủy hết sức quan tâm.
Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy huyện là 7/38 (chiếm hơn 18%), cấp ủy xã, thị trấn chiếm hơn 30%; nữ tham gia đại biểu HĐND cấp huyện là 7/30 (chiếm hơn 22%); một số cơ quan chính quyền có nữ lãnh đạo quản lý.
“Có được kết quả trên trước hết đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp ủy, trưởng các cơ quan đơn vị đã tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ và chia sẻ những khó khăn của chị em. Ngoài ra, bản thân chị em luôn phát huy tinh thần tự lực vươn lên khẳng định bản thân. Nhờ đó công tác cán bộ nữ của Hiệp Đức có nhiều khởi sắc" - bà Hằng nói.
Bên cạnh thuận lợi, bà Hằng cho biết, qua chia sẻ trên nhiều diễn đàn, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có một số khó khăn. Đó là, phụ nữ vừa đảm đương công việc trong cơ quan, đơn vị nhưng phải có sự kết hợp hài hòa thiên chức làm vợ, làm mẹ.
"Phụ nữ mỗi ngày đi làm phải cân đối làm sao để phân bổ thời gian hợp lý, đầu tư cho công việc nhưng cũng không xao nhãng việc gì đình” (bà Trần Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Đức).
[Video] - Gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Bà ATing Tươi - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Giang nhìn nhận, các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến huyện, xã trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, rất mong thời gian đến tỉnh quan tâm nhiều hơn để chị em phụ nữ mạnh dạn, tự tin cống hiến. Đó là các vị trí lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND, các vị trí trưởng, phó phòng...
Trong khi đó, bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My chia sẻ, ở vùng cao, công tác cán bộ nữ đối diện nhiều thách thức, nhất là nguồn cán bộ nữ thiếu; phụ nữ luôn suy nghĩ làm sao để làm tròn thiên chức, bổn phận người vợ, người mẹ nên nhiều trường hợp chọn hướng về gia đình, lui về làm hậu phương cho chồng con...
Mạnh dạn giao việc cho phụ nữ
Theo bà ATing Tươi, với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, cán bộ nữ luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Thời gian tới, tôi đề nghị cần quan tâm, có cơ chế chính sách riêng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, đồng thời quan tâm bố trí các vị trí lãnh đạo đối với cán bộ nữ” - bà Tươi đề xuất.
Từ thực tế công tác, bà Trần Thị Thu Ba - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước đánh giá cao vai trò, tố chất của cán bộ nữ. “Phụ nữ khi đã nhận việc luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành. Thực tế ở địa phương, những xã có thành tích, vị trí cao trong phong trào thi đua, ở đó có lãnh đạo nữ…" - bà Ba chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Thu Ba, phụ nữ ngày càng được tham gia, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Do đó, phụ nữ cần được quan tâm trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn.
“Tôi mong có một cơ chế trong công tác cán bộ nữ, ví dụ như trong thường trực tỉnh ủy, HĐND, UBND phải có nữ. Như vậy công tác cán bộ nữ mới đi vào thực chất, chị em sẽ được giữ vị trí cao" - bà ba chia sẻ thêm.
Cho rằng bản thân là người đeo đuổi công tác cán bộ nữ, bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho biết, sau hội nghị, ban sẽ có văn bản tổng hợp gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để có sự quan tâm hơn về vấn đề bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ.
“Quy hoạch cán bộ nữ bây giờ rất được quan tâm, công tác đào tạo thì đảm bảo các tiêu chuẩn, có thể cấp huyện khó nhưng cấp tỉnh thì không thiếu, vấn đề quan trọng là cân nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, có quan tâm hay không?” - bà Lộc nói.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh nhấn mạnh, trong giai đoạn lịch sử nào vai trò của phụ nữ đều đóng góp quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vai trò này càng thể hiện rõ.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng vẫn chưa tự tin phát huy hết năng lực. Cấp ủy mong muốn có nhiều cán bộ nữ từng bước đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, tuy nhiên thực tế việc tìm nguồn để cơ cấu đôi khi rất khó.
Quy hoạch thì có nhưng tìm không ra người, công tác cán bộ theo quy trình "4 bước". Do đó, bản thân cán bộ nữ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để đáp ứng các điều kiện, đồng thời khẳng định bản thân trong công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao...