Đúng năm giờ ngày mai lễ di quan mới cử hành đưa quan tài chú Tư từ Sài Gòn về an táng tại quê nhà Quảng Nam theo đúng di huấn của chú.
Mười một giờ đêm, khách viếng đã về hết. Vì có lên chương trình hẹn trước, từ lúc này tang gia dành cho những đồng hương tại thành phố có điều kiện thức một đêm trắng trước linh sàng người quá cố.
Sau khi lần lượt thắp nhang và xá di ảnh chú Tư, mọi người ngồi quanh mấy chiếc bàn có sẵn trà nước.
Người con trai đầu của chú thím Tư là một bác sĩ, mặc áo tang ngồi cạnh mẹ. Anh đứng lên lễ phép xin mọi người ai có kỷ niệm gì hoặc biết chuyện gì về thân phụ anh lúc sinh thời hãy kể lại cho nhau cùng nghe.
Bà con Sài Gòn thường lấy nghề nghiệp của người khác để gọi tên thân mật. Đây là loại phó danh không có trong giấy tờ hộ tịch. Theo cách đó, chú Tư mang tên “Tư xích lô” và thím là “bà Tư mỳ Quảng”...
Mở đầu chuyện kể về chú Tư là một vị giáo sư:
- Năm ấy tôi còn học năm thứ hai Đại học Văn khoa (Sài Gòn). Trưa nọ từ trường về, tôi thấy một quán nhỏ bên đường có treo tấm giấy các-tông nguệch ngoạc hai chữ “Mỳ Quảng”. Như nỗi mừng “tha hương ngộ cố tri”, tôi tấp vô ngay. Khuôn viên này còn rộng nhưng nhà làm quán thì nhỏ. Tôi thấy một chiếc xích lô đạp, chỗ khách ngồi bọc vải trắng tươm tất đặt bên góc cổng vào. Một người đàn ông trạc tứ tuần, thân hình rắn chắc, mặt chữ điền, cặp lông mày đen rậm đang cãi rất hăng về một vấn đề gì đó với hai ông khách đang ăn mỳ. Tôi ngồi vào chiếc bàn bên cạnh. Mấy phút sau, một phụ nữ bưng lên cho tôi tô mỳ sợi vàng bốc khói thơm phức. Hồi ấy tại Sài Gòn rất ít nơi bán mỳ Quảng như bây giờ.
Ông chủ quán (chú Tư) thôi cãi với hai ông khách, quay qua kéo ghế ngồi đối diện tôi. Ông nhìn tôi và hỏi ngang phè:
- Mỳ ăn được không? Ngon hay dở cứ góp ý thẳng để sửa. Nhìn cách ăn mỳ của cậu, tui biết ngay là đồng hương với tui. Đúng không?
Tôi nói:
- Cháu mừng quá vì được gặp đồng hương. Mỳ Quảng của chú thím ngon, giá lại bình dân, rất dễ chịu cho những người lao động và học sinh, sinh viên nghèo như cháu.
Chú Tư “bẻ” ngay:
- Gọi mỳ Quảng là để người ở nơi khác ngoài địa phương ngoài mình không lộn với mỳ Tàu, mỳ Nhựt, mỳ Xiêm, chớ cậu với tui đồng hương, nói mỳ là hiểu rồi, còn thêm “Quảng” chi rứa?
Tôi cũng “bẻ” lại chú:
- Tấm bảng của chú treo ngoài quán cũng ghi như rứa mà?
- Ờ, đó là “nói” với khách không phải đồng hương. Một lẽ nữa là với bà con quê ta ở đây khi nuốt tô mỳ vô bụng có chữ “Quảng” cũng đỡ nhớ quê nhớ kiểng.
Từ lần sơ ngộ ấy, những hôm đi học về tôi thường ghé quán chú thím Tư ăn mỳ thay cơm trưa. Mọi người trong gia đình chú thím và tôi trở nên thân nhau. Khi nào tôi ghé quán thấy chiếc xích lô để ngoài cổng là biết có chú Tư ở nhà; nếu thấy chú đang nói chuyện với khách đàn ông mà cặp lông mày rậm nhướn lên hết cỡ ấy là chú cãi rất hăng. Khách quen đến đây chẳng những không giận chú mà còn tỏ ra ghiền món mỳ ngon, rẻ của bà “Tư mỳ Quảng” và chọc để cãi chơi với ông “Tư xích lô”.
Tôi nhỏ hơn chú Tư đúng hai con giáp. Do đã thân thiết, cảm tình nhau, chú “mi, tau” với tôi như những người lớn ở ngoài mình và tôi vẫn tự xưng cháu với cả chú thím.
Một buổi trưa mưa dầm, quán đã vắng khách và chú Tư đạp xe về sớm. Ngồi đối diện, tôi chọc chú:
- Từ hồi được quen chú Tư, nếu làm một cuộc tổng kết, cháu thấy chú cãi nhiều hơn nói.
Lập tức, cặp lông mày rậm của chú rướn lên:
- Tau cãi hồi mô? Chẳng qua là khi mô nghe họ nói sai mình bẻ lại cho nó đúng. Thấy sai mà cứ im lặng thì mình cũng đứng về phía sai à? Mi cho là tau hay cãi cũng có ích vì cãi cho rã lý, cho… nở phổi.
Tôi vừa chọc thêm vừa hỏi:
- Có lẽ người ngoài mình đa số đều ưa cãi như chú nên mới có câu “Quảng Nam hay cãi” phải không chú?
Chú Tư lắc đầu:
- Bậy! Ai nghĩ và nói như rứa là trật lất. Câu ấy đứng đầu bốn câu có “sự tích” hẳn hoi:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định hay co
Thừa Thiên ních hết
Nghĩ sai như mi đã bậy mà hiểu không rõ ràng càng hết sức bậy vì dễ khiến mất lòng bà con Thừa Thiên.
- Sao dữ vậy chú?
- Là ở cái chữ “ních”, chữ của dân gian “ních” là ăn. Nói người khác ních hết, ai không giận?
- Vậy “sự tích” của bốn câu ấy là sao?
- Đó là từ sòng đánh xì phé, ngoài mình kêu là xì tẩy. Món cờ bạc này do bọn Tây truyền qua. Số là có mấy chàng trai người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên làm viên chức tại tòa Khâm sứ của Tây ở Huế. Liền sau mỗi kỳ lãnh lương, họ thường rủ nhau ngồi lại đánh xì phé. Thứ quỷ này dễ lộ tánh khí của người ngồi vào sòng. Tay Quảng Nam thì từ đầu tới cuối sòng đều cãi; anh Quảng Ngãi ưa đoán tẩy đối thủ; cậu Bình Định đã cầm tiền nhưng cứ co một tay ngang tai mà chưa quyết định nên “theo” ván ấy hay bỏ; chàng người Huế thì trầm tĩnh, tính nước và đoán tẩy rất giỏi nên thường “ăn” tức là thắng ván bài đó chớ không phải ăn uống.
Giải thích xong, chú Tư dặn tôi:
- Mi chớ bao giờ đụng tới bất cứ món tứ đổ tường nào, ráng học cho thành tài để làm rạng rỡ thêm xứ sở của Ngũ Phụng Tề Phi. Dám hứa không?
- Dạ, cháu xin hứa và cảm ơn chú.
Người kể chuyện tiếp theo là bạn học cũ của chú Tư:
- Tôi với anh chị Tư ở cùng làng phía hữu ngạn sông Thu Bồn. Vợ chồng tôi vô Sài Gòn sau anh chị Tư hai năm. Gọi anh là Tư xích lô không đúng với thời gian ảnh làm nghề tạm bợ này vì sau đó ảnh vay mượn tiền của bà con, bạn bè để làm thầu khoán, nghề sau của ảnh mới lâu. Thu nhập của anh chị Tư rất khá. Ảnh xây cất căn nhà bề thế này ngay trên đất trước là quán mỳ Quảng, các con rồi các cháu nội ngoại đều được học hành đến nơi đến chốn.
Tôi nhớ nhất là tấm lòng của ảnh với bà con, làng xóm ở quê nhà qua từng hành động thiết thực thấy rõ chứ không phải lời nói suông. Hồi xảy ra trận lụt lịch sử Giáp Thìn 1964 là một thí dụ. Sáng nọ anh Tư rà rà xích lô kiếm khách tại Đa Kao. Khi mua tờ báo ảnh đọc bài phóng sự nói về trận lụt ấy, hàng ngàn người tử nạn, bao nhiêu nhà cửa, tài sản, gia súc của người dân hơn chục làng bị trôi mất. Anh Tư hốt hoảng kêu trời rồi ra sức đạp nhanh xe về nhà báo cho chị Tư hay. Vừa thương ảnh vừa buồn cười là ảnh đạp xe được một quãng cảm thấy còn chậm quá bèn vứt xe bên đường, chạy bộ.
Khi làm thầu khoán tuy đã khá giả nhưng ảnh bảo mọi người cứ gọi ảnh là “Tư xích lô”. Hỏi sao vậy, ảnh nói rằng mình không nên quên, không nên phụ cái nghề đã giúp cho mình và gia đình sống hồi còn gừng cay muối mặn.
Nói tới đây, ông này chỉ tay lên linh sàng chú Tư, nói tiếp:
- Hai vế liễn đối tự phúng này chính anh Tư thảo sẵn, có đưa cho tôi xem. Tôi đề nghị ảnh bỏ hay thay ba chữ “Đạp xích lô”. Ảnh không chịu và nói rằng cả nhà ảnh sống nhờ xích lô trong thời gian chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, nghề nào cũng quý cả, sĩ diện con người đâu phải do nghề?
Mọi người nhìn lên và lẩm nhẩm đọc hai vế liễn đối:
Tật hay cãi, dạ nhân từ, tiền hậu cưu mang tình cố lý;
Đạp xích lô, làm thầu khoán, phú bần bảo trọng nếp gia phong.
Đến lượt thím Tư kể về chồng:
- Với gia đình, gia tộc, ông nhà tui không bỏ sót một đám giỗ lớn, nhỏ nào mà hồi còn ở ngoài mình do vợ chồng tui lo. Con cháu đứa nào nói “ăn giỗ” với “đám ma” là bị ổng quát ngay. Ổng bảo chúng phải nói đi dự đám giỗ là đám kỵ, đám ma là đám tang. Sáng sớm mỗi ngày đọc báo thấy có cáo phó một đồng hương Quảng Nam từ trần tại Sài Gòn, Gia Định, dù quen hay không ổng cũng đến chia buồn, phúng điếu, cứ đạp luôn xích lô mà đi. Gặp đám thân quen, ổng bắt tui ngồi xích lô để đi dự với ổng…
*
* *
Nhìn lên di ảnh người quá cố vào tuổi thượng thọ, mọi người thấy ấn tượng nhất là khuôn mặt chữ điền cương nghị và cặp lông mày vẫn rậm nhưng đã bạc. Cặp lông mày ấy vĩnh viễn không còn nhướn lên như lúc sinh thời chú Tư “cãi cho rã lý, cãi cho nở phổi”.
Ngày mai chú Tư xích lô – ông Tư thầu khoán được trở về nguyên quán.
TƯỜNG LINH